Upwork 101 – Tổng quan về Upwork từ A-Z dành cho người mới

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

October 11

Đối với những bạn làm các công việc truyền thống, các bạn hay đi tìm việc ở đâu? Chắc hẳn sẽ là các nền tảng tìm việc làm như LinkedIn, Glassdoor, TopCV, Vietnamwork hay YBox phải không. Vậy thì các freelancer có những nền tảng như vậy không? Câu trả lời là có các bạn nhé. Những nền tảng việc làm cho freelancer cũng phát triển mạnh mẽ và được ưa chuộng không kém phần các nền tảng dành cho các công việc truyền thống đâu. Hơn nữa, các nền tảng như Vietnamwork chỉ giúp các bạn đến khâu gửi hồ sơ tới nhà tuyển dụng. Còn đối với những nền tảng hỗ trợ cho freelancer, các khâu từ tìm việc, đàm phán trao đổi công việc và nhận thanh toán đều được thực hiện hết. Đi đầu tiên phong cho các loại hình nền tảng này là Upwork. Vậy, hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu xem cụ thể Upwork giúp ích gì được cho các freelancer và các bạn freelancer có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích trong bài viết này đấy.

1. Upwork là gì?

Các bạn có nhớ rằng mình đã từng nhắc đến Upwork trong một bài chia sẻ nào đó trước đây rồi không? Chắc là có rồi. Nếu xem lại trong bài viết Freelancer 101, các bạn sẽ thấy Upwork được nêu trong danh sách các nền tảng tìm việc freelance. Từ đây, các bạn có thể phần nào đoán được Upwork là gì rồi đúng không? Để mình chia sẻ với các bạn một số thông tin khái quát về hệ thống Upwork nhé. Upwork là một trong những thị trường giao dịch việc làm tự do online lâu đời và phổ biến nhất. Nó đã kết nối hàng triệu nhà tuyển dụng và các freelancer từ khắp nơi trên thế giới. Theo thông tin từ Webson Job, hằng năm, có đến 3,5 triệu việc làm được đăng tin trên trang web này với tổng giá trị tương ứng với mức thù lao là 1 tỷ USD. Tính đến tháng 1 năm 2022, đã có gần 10 triệu freelancer và 4,5 triệu nhà tuyển dụng đã đăng ký tài khoản tại Upwork.

Đầu tiên, các nhà tuyển dụng có thể đăng tin cho một số vị trí công việc nào đó trên Upwork. Sau đó, những freelancer có thể lên Upwork và tìm kiếm những tin tuyển dụng phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Tiếp theo, các freelancer có thể thoải mải ứng tuyển hay còn gọi là đấu thầu các gói công việc theo lựa chọn của mình. Ngược lại, các nhà tuyển dụng sau khi nhận được thông tin ứng tuyển có thể phỏng vấn, thuê và làm việc với các freelancer thông qua nền tảng này. Upwork có một nền tảng trò chuyện thời gian thực. Cơ sở này giúp nhà tuyển dụng có thể tìm và thuê các freelancer trong thời gian rất ngắn. Vì vậy, nhà tuyển dụng có thể tiếp cận các tài năng của thế giới rất dễ dàng mà không có sự ngăn cản nào từ việc lệch múi giờ hay rào cản địa lý. Ngoài ra, Upwork cũng có ứng dụng di động cho cả Android và IOS. Bạn có thể nhận được những thông báo liên quan đến công việc từ Upwork ngay khi có. Bạn không cần lúc nào cũng phải ngồi kè kè bên chiếc máy tính để theo dõi công việc nữa. Bên cạnh đó, tất cả những dịch vụ này của Upwork đều miễn phí cho đến khi bạn hoàn thành xong một công việc nào đó trên nền tảng này. Chúng mình đương nhiên sẽ bàn đến chi phí cho Upwork ở những phần bên dưới nhé. Đối với tất cả những tiện ích tuyệt vời của Upwork, rất nhiều freelancer trên thế giới và cả Việt Nam ta đều thích và tin dùng nền tảng này.

2. Ưu / nhược điểm

Ưu điểm
  • Ưu điểm đầu tiên của Upwork chính là các công việc trên nền tảng này thường có mức thù lao cao hơn các nền tảng khác. Ngay từ đầu, Upwork đã tự định vị nền tảng của mình thuộc phân khúc cao cấp so với các nền tảng khác như Fiverr hay PeoplePerHour. Khách hàng trên Upwork thường sẽ trả giá cao hơn cho các dịch vụ mà họ cần. Nhưng ngược lại, điều đó cũng đi kèm với những tiêu chuẩn cao hơn. Khách hàng trên nền tảng này thường kỳ vọng công việc được hoàn thành một cách chuyên nghiệp. Vậy nên, bạn cần có khả năng cung cấp những dịch vụ chất lượng cao nếu bạn muốn tiếp cận với các công việc được trả lương cao trên nền tảng này.
  • Thứ hai, quy trình tuyển dụng nhanh chóng là một ưu điểm nữa của Upwork. Hầu hết các khách hàng đã đăng tin tuyển freelancer trên Upwork sẽ trực và phản hồi lại bạn ngay vì họ luôn cần tìm được nhân sự cho vị trí đó càng sớm càng tốt. Trên nền tảng Upwork, việc một freelancer ứng tuyển hoặc gửi đề xuất, nhận lời mời làm việc và bắt đầu thực hiện dự án trong cùng một ngày là một chuyện rất bình thường. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tinh thần bắt tay vào làm việc bất cứ lúc nào đi nhé. Đây cũng là nhịp làm việc của các freelancer chuyên nghiệp đấy.
  • Một điểm sáng nữa của Upwork có thể kể đến là hình thức thanh toán dễ dàng và có tính bảo mật cao. Phương thức nhận thanh toán đôi khi cũng là một thử thách đối với các freelancer vì các bạn sẽ phải gửi hóa đơn cho khách hàng, quản lý và kiểm soát việc thanh toán của đơn hàng. Những việc này không quá phức tạp, nhưng bạn sẽ bị choáng và rối nếu bạn có nhiều đơn hàng từ những khách hàng khác nhau. Nhưng khi làm việc qua Upwork, bạn sẽ không phải lo những vấn đề này nữa. Sau khi hoàn thành công việc và khách hàng đã hài lòng, bạn chỉ cần đợi khoản thanh toán trực tiếp đến tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản Paypal của bạn thôi. Bên cạnh đó, bạn cũng không cần quá lo lắng đến vấn đề khách hàng không thanh toán cho đơn hàng đã hoàn thành. Upwork có một hệ thống bảo mật tránh cho việc các freelancer bị lừa. Khi bạn thiết lập một đơn hàng với khách hàng, Upwork sẽ bắt đầu kích hoạt hệ thống ký quỹ và đảm bảo nguồn thù lao của bạn được Upwork giữ ở giữa cho đến khi đơn hàng hoàn thiện.
  • Ngoài ra, với nền tảng Upwork, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được ước mơ làm việc tại bất kỳ nơi nào bạn muốn của một freelancer. Các khách hàng trên nền tảng này đã quá quen thuộc với chuyện thuê các freelancer làm việc và quản lý công việc từ xa rồi. Có được một nguồn khách hàng như vậy là niềm mơ ước của rất nhiều lao động tự do vì khách hàng hiểu và cảm thấy thoải mái với phong cách làm việc của chúng ta. Các bạn sẽ không phải lo lắng đến việc mỗi buổi sáng tất bật đi làm đúng giờ mà vẫn có một nguồn công việc đều đặn do bạn tự sắp xếp. Thật là tuyệt vời phải không nào!
  • Hay hơn nữa, Upwork cũng cho phép bạn đàm phán với khách hàng của mình về mọi mặt, bao gồm cả lương. Đối với các dịch vụ trên Upwork, bạn có thể tăng hoặc giảm giá cho những khách hàng khác nhau tùy vào mục đích của bạn. Không phải cứ dịch vụ giống nhau là bạn sẽ phải bán với mức giá giống nhau. Ví dụ, nếu trong một đơn hàng mà khách hàng yêu cầu các dịch vụ bonus hoặc yêu cầu cao hơn trung bình, bạn có thể xem xét tăng giá để xứng đáng với công sức của mình. Còn nếu với những khách hàng mà bạn muốn làm việc cùng lâu dài đều đặn, bạn có thể giảm giá dịch vụ xuống một chút để giữ chân khách hàng cũng như có được nguồn việc làm đều đặn từ họ. Tóm lại, trên nền tảng Upwork, việc giao lưu đàm phán với khách hàng rất linh hoạt. Bạn có thể thoải mái trao đổi với họ trước khi chốt một gói công việc nào đó.
Nhược điểm
  • Giờ thì chúng ta cùng chuyển sang những nhược điểm của Upwork để bạn cân nhắc xem đây có phải nền tảng freelance dành cho bạn không nhé. Trước hết, mình phải thừa nhận nền tảng này sẽ hơi khó cho người mới bắt đầu. Các bạn đừng nản khi đọc đến đây nhé vì thực ra, điều này xảy ra khi bạn dùng bất kỳ nền tảng nào khác thôi. Tuy nhiên, ở Upwork thì có nhiều sự cạnh tranh hơn vì trong vòng một tiếng sau khi đăng tin tuyển dụng, khách hàng thường nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các freelancer. Họ sẽ cân nhắc bạn với hàng tá các freelancer đã có nhiều kinh nghiệm và đánh giá tốt khác. Nhưng hãy lạc quan lên. Nếu bạn đã có một khách hàng đánh giá tốt cho dịch vụ của mình thì những lần ứng tuyển khác, bạn sẽ có lợi thế hơn nhiều.
  • Một điểm nữa các bạn cần phải lưu ý khi làm việc trên Upwork đấy là hệ thống này chịu chi phối rất nhiều bởi đánh giá của các khách hàng. Nếu trong quá trình làm việc, bạn chỉ cần nhận được một hoặc hai đánh giá tiêu cực từ khách hàng, nó sẽ là trở ngại rất lớn cho công việc tương lai trên nền tảng này. Vì vậy, bạn phải cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng, ngay cả việc phải thay đổi phạm vi công việc đã thỏa thuận. Khi làm việc trên Upwork, bạn không chỉ cần hoàn thành công việc tốt mà còn cần có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nữa.

3. Các loại hình công việc trên Upwork

Đọc đến đây thì chắc hẳn cũng có bạn đang truy cập vào trang web của Upwork để ngó nghiêng qua rồi phải không? Vậy các bạn đã tìm thấy phần việc làm cho freelancer chưa? Các bạn hãy thử cùng mình tìm đến phần này nhé!

Tìm việc làm freelance trên Upwork

Các bạn sẽ thấy các công việc trên Upwork được chia thành 8 mảng chính. Chúng bao gồm: phát triển công nghệ thông tin, thiết kế và sáng tạo, tài chính và kế toán, hành chính và dịch vụ hỗ trợ khách hàng, kỹ sư và kiến trúc, pháp lý, bán hàng và quảng cáo, viết và dịch thuật.

Nghe qua thì các mảng công việc này có lẽ bao quát toàn bộ các ngành nghề chính trong xã hội. Có những mảng công việc mà bạn nghĩ là không nằm trong danh sách các công việc cho freelancer, nhưng chúng ta đã nghĩ sai rồi đấy nhé. Mình lấy ví dụ mảng pháp lý đi. Đây là loại hình công việc khá đặc thù vì yêu cầu người làm phải có kiến thức kinh nghiệm chuyên ngành về luật. Thường chúng ta chỉ thấy các luật sư làm việc ở tòa án, bộ phận pháp chế của các công ty hay doanh nghiệp, hoặc là các phòng luật tư nhân. Trước khi ngó nghiêng qua Upwork, mình không hề nghĩ rằng công việc liên quan đến pháp luật lại được thực hiện bởi các freelancer. Các bạn nghĩ sao? Nhưng thực tế là đây các bạn ạ. Pháp chế là một mảng công việc nằm trong danh sách việc làm freelance. Tuy vậy, số lượng loại hình công việc không quá nhiều, chỉ 20 tiêu đề công việc thôi.

Việc làm pháp lý trên Upwork

Ngược lại, như chúng ta đều biết thì những công việc liên quan đến IT, thiết kế hay viết lách thì rất phổ biến với các freelancer. Vậy thì trên Upwork, số lượng những công việc như vậy cũng rất nhiều. Có đến 93 loại hình công việc liên quan đến thiết kế và sáng tạo. Chúng ta có thể kể đến các công việc như họa sĩ truyện tranh, thiết kế nhân vật, freelancer thiết kế 3D, freelancer chỉnh sửa video, sản xuất âm thanh, thiết kế tờ rơi, nghệ sĩ lồng tiếng, thiết kế logo, diễn họa thời trang.

Việc làm liên quan đến thiết kế trên Upwork

Tiếp theo, phải kể đến những công việc liên quan đến viết lách và dịch thuật. Có khoảng 80 công việc liên quan đến chủ đề này trên Upwork. Các bạn có thể thấy những dịch vụ dịch thuật và viết dành cho các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn, tiếng Nhật. Nhưng ngoài ra, chắc chắn nếu bạn tìm cụ thể một ngôn ngữ nào đó thì cũng sẽ có rất nhiều nữa thôi. Tiếp đến, chúng ta có vô vàn các dịch vụ viết nữa: viết nội dung cho website, copywriter, SEO writer, viết tiểu luận, viết về mảng kỹ thuật, viết học thuật, viết công thức, viết sách e-book, đọc soát lỗi văn bản, viết nội dung sáng tạo.

Upwork việc làm viết lách và dịch thuật

Và đương nhiên, chúng ta không thể bỏ qua nhóm công việc phát triển IT. Đây là mảng công việc hot nhất trong thế giới freelance. Các bạn sẽ không còn thấy số đếm tổng công việc liên quan đến IT hiện tại trên Upwork nữa vì nó có quá nhiều. Upwork đã sắp xếp chúng theo thứ tự bảng chữ cái để chúng ta dễ dàng tìm kiếm những công việc IT phù hộ với bản thân mình.

Công việc phát triển IT đa dạng trên Upwork

Vậy, đối với các bạn freelancer mới vào nghề, chúng ta nên chọn những công việc như thế nào. Hãy tham khảo bài viết Top 7 công việc freelance đơn giản cho người mới để biết được mình nên tìm kiếm công việc như thế nào nhé. Công việc đơn giản nhất và có lẽ các bạn freelancer mới sẽ tìm kiếm nhiều nhất đấy là viết lách. Mình thử tìm công việc viết blog mà hiện tại đang có hơn 6000 jobs đăng tin tuyển. Các bạn có bị choáng ngợp bởi con số này không? Các bạn có thể chọn những công việc nào ở mức độ Entry-level tức là cho người mới. Ở mức độ này, có thể thù lao cho một bài viết khoảng $15-20. Nhưng sau khi các bạn có kinh nghiệm hơn, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc ở mức Intermediate hoặc Expert để có mức thù lao cao hơn khoảng $30-40 một bài viết. Những freelancer có kinh nghiệm có thể kiếm được tới 100 USD một bài viết cơ đấy.

Việc làm đơn giản cho người mới trên Upwork

Vậy, các bạn có muốn thử cùng mình tìm kiếm những công việc có mức thu nhập cao trên Upwork không? Mình sẽ thử tìm những công việc liên quan đến sản xuất video vì đây là một trong những công việc được liệt kê trong Top 8 công việc freelancing thu nhập cao nhất hiện nay. Mức lương cho một dự án sản xuất video dao động rất lớn. Thường là khoảng $500 cho một dự án. Nếu những công việc yêu cầu cao hơn có thể thu nhập được $900 cho một dự án theo tháng.

Việc làm sản xuất video có mức lương trung bình

Hay nếu có kinh nghiệm hơn, các bạn sẽ thấy những dự án có giá trị cao đến hàng nghìn USD như thế này.

Công việc sản xuất video có mức thu nhập cao từ Upwork

Đây mới chỉ là những công việc mình tìm qua trên Upwork thôi. Nếu chịu khó dành thời gian tìm kiếm, các bạn sẽ thấy rất nhiều ngành nghề và vị trí công việc phù hợp với bản thân. Biết đâu các bạn sẽ tìm được một dự án phù hợp hay một khách hàng ruột trên nền tảng Upwork thì sao.

4. Phí Upwork? Tiềm năng thu nhập?

Trong phần này, chúng ta cũng cùng tìm hiểu xem chi phí mà bạn phải bỏ ra nếu sử dụng các dịch vụ trên Upwork nhé. Mình đã update thông tin từ website của Upwork năm 2022. Với tư cách là một freelancer, Upwork sẽ cho phép bạn tạo tài khoản tham gia và tìm kiếm công việc miễn phí. Thực ra Upwork cũng có gói Plus với giá $10/ tháng, nhưng mình nghĩ là không quá cần thiết cho các bạn mới.

Sau đó, nếu bạn muốn làm việc thực sự trên nền tảng này thì đây là lúc bạn bắt đầu phải trả phí cho Upwork. Phí dịch vụ sẽ được tính theo phần trăm trên mỗi đơn hàng mà bạn hoàn thành với mỗi khách hàng. Hóa đơn của bạn với mỗi một khách hàng được tính là hóa đơn trọn đời. Và phí dịch vụ cho mỗi một khách hàng được tính theo dạng phí trượt. Nghĩa là, nếu bạn giữ chân được một khách hàng cụ thể nào đó càng lâu, họ phải trả cho bạn càng nhiều tiền thì phần trăm phí dịch vụ bạn phải trả cho Upwork càng giảm. Cụ thể như sau:

Nếu tổng thu nhập của bạn từ một khách hàng dưới $500, bạn sẽ phải trả 20% thu nhập của bất kỳ một công việc nào.

Nếu tổng thu nhập của bạn từ cùng khách hàng đó từ $500.1 đến $10,000, bạn phải trả 10% thu nhập của bất kể đơn hàng nào.

Nếu tổng thu nhập của bạn từ cùng khách hàng đó trên $10,000, bạn sẽ chỉ phải trả 5% thu nhập cho mỗi đơn hàng thôi.

Ví dụ như sau, lần đầu tiên bạn kiếm được $400 từ khách hàng A, bạn sẽ phải trả cho Upwork 20% của $400 đó. Tức là bạn được nhận về $320 cho công việc đầu tiên này. Lần sau, khách hàng A lại trả $300 cho công việc tiếp theo của bạn. Lần này thì cách tính phí có phần hơi rắc rối. Bạn sẽ phải trả 20% cho $100 vì nó vẫn nằm dưới mốc $500 mà Upwork quy định. Còn $200 sẽ bắt đầu được tính phí 10% vì đã vượt qua mốc quy định đầu tiên của Upwork. Tính sơ qua thì với đơn hàng thứ hai này, bạn thu về được $260. Và từ sau đó, với bất kể công việc nào với khách hàng A, bạn chỉ phải trả 10% phí cho Upwork thôi. Cho đến khi bạn chạm mốc tổng thu nhập là $10,000. Nhưng nếu bạn có một khách hàng B thì cách tính phí sẽ quay lại từ đầu đối với khách hàng B này.

Top freelancer có thu nhập cao trong ngành thiết kế website

Vậy nên, việc bạn làm tốt những công việc đầu tiên với khách hàng mới rất quan trọng. Nếu bạn tạo ấn tượng tốt, khách hàng sẽ tiếp tục quay lại làm việc với bạn. Điều đó giúp bạn giảm đi phần phí phải trả cho Upwork. Nếu bạn lâu năm và có nhiều đánh giá tích cực trên Upwork, bạn cũng có thể tăng mức phí của mình lên. Mình lấy ví dụ trong mảng thiết kế website thôi. Có những freelancer top đầu trên Upwork kiếm được tận $90 cho một giờ làm việc. Chỉ một tiếng đồng hồ thôi đấy nhé các bạn! Thật là không tưởng tượng nổi phải không? Vì vậy, các bạn hãy cứ cố gắng và dồn hết tâm huyết vào công việc thì sẽ được đến đáp xứng đáng thôi.

5. Thanh toán trên Upwork?

Để nhận được thanh toán từ khách hàng trên Upwork, điều đầu tiên bạn cần làm đấy là hoàn thiện thông tin phương thức thanh toán cho tài khoản Upwork của bạn. Bạn hãy đi vào phần cài đặt trên Upwork và đến phần Billing and Payments.

Thiết lập thông tin thanh toán cho freelancer trên Upwork

Bạn sẽ có hai sự lựa chọn cho thông tin thanh toán. Một là chọn trực tiếp thẻ ngân hàng của bạn. Hai là nhập thông tin cổng thanh toán Paypal.

Thêm thông tin nhận thanh toán

Sau mỗi lần công việc của bạn hoàn thành, bạn sẽ nhận được thanh toán đến tài khoản Upwork. Nhưng bạn sẽ phải hoàn tất một công đoạn nữa để nhận được thù lao của mình. Các bạn cứ theo dõi hướng dẫn của mình nhé.

Hướng dẫn rút tiền từ Upwork

Bạn hãy chọn và phần Get Paid và thêm thông tin nhận thanh toán. Đối với các freelancer ngoài nước Mỹ như chúng ta thì có 3 sự lựa chọn để rút tiền: chuyển trực tiếp tiền lương đến ngân hàng ở Việt Nam, chuyển tiền ra tài khoản Paypal và chuyển tiền ra tài khoản Payoneer. Phương án đầu tiên có vẻ là tối ưu nhất và cũng là phương án được khuyên dùng vì mức phí của nó đang ở mức thấp nhất trong 3 phương án. Mỗi lần thực hiện chuyển tiền từ Upwork đến ngân hàng Việt Nam, bạn chỉ mất $0.99. Nhưng bạn lưu ý nhớ mã SWIFT nhé. Nếu không bạn có thể liên hệ ngân hàng để hỏi lại cho chắc. Vậy là bạn chỉ cần đợi đến khi nhận được thông báo là tiền lương đã về đến ngân hàng của bạn. Khi đó, bạn có thể rút thẳng tiền Việt chứ không phải mất công rút tiền Đô la Mỹ và đi đổi nữa đâu.

Chuyển tiền lương từ Upwork đến ngân hàng trong nước

Một lưu ý nho nhỏ nữa mà mình có thông tin từ Upwork là về thời gian thanh toán của từng loại hợp đồng công việc mà bạn ký với khách hàng.

Đối với hợp đồng tính lương theo giờ, bạn sẽ được trả tiền hằng tuần. Tiền lương sẽ được tính đến ngày Chủ nhật hằng tuần. Số tiền lương đó sẽ sẵn sàng để bạn rút ra sau 10 ngày.

Đối với những hợp đồng ký theo giá cố định, bạn sẽ nhận được lương theo từng mốc cụ thể của công việc đó. Upwork sẽ làm việc để bạn rút được tiền sau 5 ngày kể từ mốc đó.

Những công việc tính làm theo dự án sẽ được nhận thù lao khi khách hàng xác nhận chốt sản phẩm cuối cùng. Sau đó 5 ngày, bạn có thể rút được tiền lương của mình.

Cuối cùng, đối với những khoản bonus thưởng thêm từ khách hàng, bạn cũng sẽ nhận được sau 5 ngày kể từ khi giao dịch của khách hàng thành công.

6. 5 bước trở thành freelancer và kiếm tiền trên Upwork

Minh đã chia sẻ với các bạn kha khá thông tin về Upwork rồi. Bây giờ, các bạn đã muốn thử trở thành một freelancer trên nền tảng Upwork chưa? Mình sẽ hướng dẫn các bạn những bước để đăng ký làm thành viên của Upwork nhé. Mọi thứ rất đơn giản thôi. Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào website của Upwork tại đây nhé.

Sau đó, bạn hãy chọn “Sign up” để tạo một tài khoản mới.

Chọn làm freelancer trên Upwork

Và đương nhiên, chúng ta sẽ chọn ứng tuyển với tư cách là một freelancer rồi. Nếu bạn muốn là người đăng tin tuyển dụng trên Upwork thì hãy chọn làm client. Các nhà tuyển dụng thường sẽ quan tâm đến vấn đề này.

Nhập thông tin đăng ký tài khoản Upwork

Sau đó, bạn chỉ cần nhập đầy đủ các thông tin tên, họ, địa chỉ email, mật khẩu và quốc gia nơi đang sống là được. Có một cách nhanh hơn, bạn hoàn toàn có thể kết nối tài khoản Upwork với tài khoản Facebook hoặc Google có sẵn của bạn. Các bạn hãy đợi và xác nhận trong email nhận được từ Upwork nữa là xong rồi.

Các bước tạo tài khoản đã xong. Bây giờ, bạn sẽ phải hoàn thiện một portfolio hay còn gọi là CV trên Upwork. Hãy nhớ rằng bạn phải cung cấp đẩy đủ thông tin và trung thực khi đưa ra các kinh nghiệm làm việc của bản thân. Những kinh nghiệm đó nên liên quan và làm nổi bật dịch vụ mà bạn định cung cấp trên Upwork. Nếu bạn có bằng cấp, chứng chỉ một kỹ năng nào đó, hãy upload lên Upwork. Bạn cũng có thể đính kèm những sản phẩm hoặc dự án mà bạn đã làm trước đó làm tài liệu tham khảo cho các khách hàng về sau này. Chúng sẽ giúp tăng độ tín nhiệm của bạn cao hơn nhiều đấy.

Tạo portfolio trên Upwork

Và giờ thì bạn hãy thử tìm một công việc ưng ý với mình nhé. Sau khi click vào công việc đó, bạn sẽ thấy có một nút “Submit a Proposal”. Giờ là lúc bạn chạy đua với các freelancer khác rồi đấy. Sang phần tiếp theo, mình sẽ gợi ý cho các bạn một số tip nhỏ để các bạn có được một proposal tiềm năng nhé.

Gửi proposal cho một công việc tại Upwork

7. 6 điều nên làm và nên tránh freelancer mới trên Upwork cần biết

Nên
  • Mình đã tổng hợp lại những kinh nghiệm sau đây từ một số freelancer trên thế giới và từ cả những trải nghiệm của bản thân. Đầu tiên, nói về những điều nên làm trước nhé. Khi mới bắt đầu, bạn hãy ứng tuyển và đưa ra lời đấu giá cho càng nhiều công việc càng tốt. Điều này giúp tăng tỉ lệ trúng tuyển và đạt được một dự án nào đấy trên Upwork. Đấy là cách hữu hiệu nhất để bắt đầu nhập cuộc trên nền tảng này.
  • Khi bạn đưa ra đề nghị đấu giá cho từng công việc, hãy lưu ý một số điểm sau. Bạn nên đọc kĩ miêu tả công việc và trả lời toàn bộ những câu hỏi được đưa ra. Khi chưa bắt đầu trao đổi với bạn, khách hàng sẽ hi vọng nhận được nhiều thông tin từ bạn nhất có thể. Đây cũng là cách mà bạn thu hút được ấn tượng của khách hàng. Sau đó, bạn hãy chú ý tới những đặc điểm riêng biệt của từng công việc. Không có gói dự án nào lại giống y đúc đâu. Vậy nên, nếu bạn để tâm đến những khác biệt và viết lời đề nghị cụ thể cho từng công việc, tỉ lệ được phản hồi từ khách hàng sẽ cao hơn vì họ có thể nhận biết ai thật sự quan tâm tới công việc đó. Một số điểm đáng chú ý nhỏ nữa giúp bạn ghi điểm cao hơn đó chính là hãy check lại kỹ càng một offer trước khi gửi đi cho khách hàng. Một lời đề nghị nên đúng về mặt ngữ pháp, nhất là khi bạn ứng tuyển cho các vị trí viết và dịch thuật. Hãy tỏ ra chuyên nghiệp, tôn trọng khách hàng và dùng ngôn ngữ lịch sự. Quan trọng hơn hết là bạn phải trung thực. Tất cả những thông tin bạn cung cấp cho khách hàng đều phải đúng sự thật và khả năng làm việc của bạn.
  • Bên cạnh việc hết lòng đưa ra những offer hoàn hảo, bạn cũng nên cân nhắc và scan những vị khách của mình. Bạn hãy kiểm tra lịch sử của khách hàng trên Upwork và xem những freelancer khác đánh giá thế nào về khách hàng đó. Sau đó, bạn nên kiểm tra tỷ lệ giữa công việc được đăng tin và những công việc đã được hoàn thành và thanh toán. Nếu tỷ lệ đó quá thấp thì có thể những tin đăng tuyển đó không có giá trị tin cậy quá cao. Bạn cũng không cần mất quá nhiều thời gian và tâm huyết để ứng tuyển những vị trí đó. Một tip nhỏ nữa là bạn hãy tìm ra tên gọi của khách hàng và chào họ bằng đúng tên thật của họ. Điều này cho thấy bạn đã tìm hiểu rất kỹ càng về vị trí cũng như bản thân vị khách đó. Khách hàng sẽ rất ấn tượng với những freelancer nào tận tâm và để ý đến chi tiết như vậy đó.
Không nên
  • Ngược lại, bạn nên tránh một số điều sau. Khi trao đổi với khách hàng, bạn không nên trả lời một cách quá máy móc. Upwork cho phép lưu lại một số mẫu trả lời soạn sẵn để tiện cho bạn. Nhưng trong bất kể trường hợp nào, bạn cũng cần đọc kỹ những thắc mắc của khách hàng và trả lời đầy đủ và chi tiết. Điều này làm khách hàng cảm thấy dịch vụ của bạn tốt hơn nhiều đấy.
  • Một điều nên tránh thứ hai đó là offer giá quá cao. Nếu bạn là một freelancer danh tiếng, có uy tín cao trên Upwork, bạn hoàn toàn có thể offer một mức giá cao với những khách hàng có tiềm năng chi trả cho dịch vụ của bạn. Nhưng khi mới bắt đầu, bạn cần có được công việc và những lời nhận xét tốt từ khách hàng để có cơ hội với nhiều công việc hơn. Vậy nên, bạn hoàn toàn có thể hi sinh lợi ích về mặt kinh tế để xây dựng tương lai lâu dài nếu bạn muốn gắn bó với nghề freelancer.
  • Và cuối cùng, bạn không nên cái gì cũng tự làm theo ý mình hay tự mình suy diễn những yêu cầu của khách hàng. Một lợi thế của công việc freelance so với công việc truyền thống đấy là được tự do trao đổi và đóng góp ý kiến với khách hàng để công việc được hoàn thiện tốt hơn. Bạn hãy tận dụng nó cùng với sự hỗ trợ của Upwork để trao đổi với khách hàng của mình một cách nhanh chóng nhất mỗi khi có vướng mắc cần làm rõ nhé.

Lời kết

Qua bài viết này, mình đã tản mạn khá nhiều thứ về Upwork rồi. Chủ yếu những thông tin này mình muốn gửi đến các bạn freelancer mới chập chững vào nghề. Có lẽ đây là thời điểm mà các bạn dễ hoang mang và bỏ cuộc nhất vì thật khó khăn để kiếm được công việc đầu tiên, hay có những bạn còn không biết tìm kiếm nguồn công việc cho freelancer ở đâu. Mình hy vọng qua chia sẻ ngày hôm nay, các bạn freelancer mới sẽ có một điểm tìm đến để hỗ trợ cho công việc là Upwork. Và cũng để các bạn biết rằng, trên thế giới có rất nhiều các freelancer gặp những vấn đề giống các bạn lúc ban đầu. Quan trọng là các bạn phải cố gắng kiên trì và không bỏ cuộc. Đấy chính là cách giúp các bạn vượt qua những khó khăn lúc ban đầu để tận hưởng cuộc sống và công việc đúng nghĩa là một freelancer.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>