99designs – Cộng đồng lớn nhất cho những nhà thiết kế freelance

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

November 14

99designs là một thị trường thiết kế đồ họa lớn nhất thế giới, nơi kết nối những khách hàng cần công việc thiết kế sáng tạo, chẳng hạn như thiết kế logo và trang web với một cộng đồng lớn mạnh gồm các nhà thiết kế tài năng. Tính trung bình, cứ mỗi 7 đến 10 giây, lại có một nhà thiết kế đăng sản phẩm của mình lên nền tảng này. Cho đến nay, 99designs.com đã trao giải thưởng cho các cuộc thi tổ chức trên nền tảng với trị giá hơn 12 triệu đô la Mỹ, và số tiền thanh toán cho các freelancer hoàn thành công việc cũng lên đến 900.000 đô la. Qua những thông tin trên, các bạn có thể thấy được sự lớn mạnh của nền tảng này cũng như sự năng động của các freelancer hoạt động trên đó như thế nào rồi đấy. Vậy hôm nay, chúng ta sẽ cùng bỏ qua các ngành nghề khác và chỉ tập trung vào ngành thiết kế xem liệu các freelancer thuộc nhóm nghề này hoạt đông như thế nào trên một nền tảng quốc tế có tên là 99designs nhé.

1. 99designs là gì?

99designs là một công ty có trụ sở tại Melbourne, Úc, điều hành một nền tảng freelancer để kết nối các freelancer thiết kế đồ họa và khách hàng. Công ty được thành lập vào năm 2008. Nhưng thực chất, nền tảng này đã hoạt động trước đó từ rất lâu rồi. 99designs được thành lập bởi Matt Mickiewicz và Mark Harbottle như một sản phẩm phụ của Sitepoint. Vậy là đã có một trang web bắt đầu hoạt động vào năm 1998 như một diễn đàn dành cho những người làm nghề phát triển và thiết kế website. Các nhà thiết kế trên các diễn đàn này bắt đầu tổ chức các cuộc thi dựa trên những khách hàng và yêu cầu cuộc thi hư cấu. Sau đó, những người sáng lập đã quyết định thử nghiệm tính phí cho việc đăng các thông tin cho các dự án thực tế. Cuối cùng, họ tạo ra 99designs như một công ty riêng biệt cho các cuộc thi.

Năm 2008, công ty đã mở văn phòng tại San Francisco, vì phần lớn khách hàng và các nhà thiết kế tham gia lúc ban đầu của nền tảng này là ở Mỹ. Sau đó, 99designs chuyển trụ sở chính đến Oakland, California. Đến năm 2012, nền tảng này đã có 175,000 nhà thiết kế ở 192 quốc gia. Vào năm 2016, đã có khoảng một triệu nhà thiết kế đăng ký tài khoản trên 99designs. Nền tảng này sau đó đã được thiết kế lại để cho phép khách hàng trực tiếp tìm kiếm và thuê các nhà thiết kế freelance cùng với việc tổ chức các cuộc thi thiết kế.

Vào năm 2012, công ty đã mua lại một đối thủ cạnh tranh ở châu Âu có tên là 12designer, có trụ sở tại Đức. Văn phòng đó trở thành trụ sở ở châu Âu của 99designs. Năm 2013, công ty mua lại LogoChef, một đối thủ cạnh tranh tại Brazil. Vào năm 2017, công ty đã chuyển trụ sở chính về lại Melbourne. Về mặt kinh tế, mình sẽ cung cấp thêm một số số liệu mà mình thu thập được để các bạn thấy được sự lớn mạnh của nền tảng này. Năm 2011, công ty nhận được khoản tài trợ 35 triệu đô la Mỹ từ Accel Partners và các nhà đầu tư khác. Sau đó, nó đã huy động được thêm 10 triệu đô la vào năm 2015. Công ty đã thông báo có lãi vào năm 2017 và vào tháng 2 năm 2018 đã báo cáo doanh thu đạt 60 triệu đô la một năm.

2. Ưu / nhược điểm của 99designs

Ưu điểm

  • Bạn sẽ tốn ít công sức cho việc tìm kiếm khách hàng hơn. Suy nghĩ về nơi để tìm dự án tiếp theo cũng là một trong những khía cạnh căng thẳng nhất của những người làm công việc tự do. Với 99designs, bạn có một nền tảng để quảng cáo bản thân với các thương hiệu và chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm các nghệ sĩ thiết kế. Ở nền tảng cộng đồng này luôn có sẵn một lượng lớn khách hàng ở mọi quy mô cần tìm kiếm những nhà thiết kế như bạn. Quan trọng là hai bên có thấu hiểu và đáp ứng được những yêu cầu của nhau không mà thôi.
  • Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát khối lượng công việc theo như bạn mong muốn. Làm việc tự do cho phép chúng ta làm việc nhiều hay ít tùy thích. Bên cạnh đó, 99designs còn cho phép bạn tự do có một khách hàng trực tuyến trong khi bạn vẫn có thể làm việc cùng các dự án khác với những khách hàng cá nhân của bạn. Bạn vẫn hoàn toàn kiểm soát được công việc vì bạn có thể từ chấp nhận hoặc từ chối một đề nghị công việc nào nếu bạn không muốn.
  • Và đương nhiên, chắc các bạn ai cũng thích ưu điểm chung của nghề freelancer hay riêng 99designs. Bạn có thể làm việc hoàn toàn từ xa. Hãy tận hưởng sự tự do làm việc từ xa ở mọi nơi thông qua nền tảng 99designs. Bạn không cần phải ăn mặc đẹp khi đi họp hay khi đi gặp gỡ khách hàng. Tất cả bạn cần làm chỉ là truy cập vào tài khoản của bạn trên 99designs và tất cả các giao dịch kèm với thông tin liên lạc đều có sẵn trong trang web. Bạn luôn sẵn sàng làm việc ở bất kỳ nơi nào. Tất cả đều dựa vào sở thích và việc lên lịch và sắp xếp công việc của bạn.
  • Một ưu điểm của 99designs mà có lẽ khá mở rộng cho nhiều thành viên đấy là nền tảng này không yêu cầu bạn phải cung cấp bằng cấp chứng chỉ liên quan đến thiết kế để được trở thành thành viên. Ngay cả khi bạn là một nghệ sĩ thiết kế tự học, bạn vẫn có thể trở thành một phần trong cộng đồng 99designs. Bạn không cần phải có chứng chỉ học vấn liên quan đến thiết kế hoặc cung cấp kinh nghiệm làm việc trước đây để sử dụng nền tảng này. 99designs là một nền tảng dựa trên kỹ năng và mục tiêu của bạn là trở thành một nhà thiết kế cấp cao nhất trong cộng đồng đông đảo người dùng này.
  • Khi làm việc trên nền tảng này, có vẻ bạn sẽ có thu nhập khá cao so với các nền tảng khác. 99designs cho phép bạn tự quyết định mức phí mong muốn dựa trên nỗ lực và giá trị của bản thân mà bạn thấy phù hợp. Hơn nữa, đây là một nền tảng cộng đồng chuyên về thiết kế. Khách hàng khi tìm tới đây cũng đã xác định trước phân khúc sản phẩm mà mình mong muốn. Các nhà thiết kế trên 99designs luôn sản xuất ra những sản phẩm đầy sáng tạo và chuyên nghiệp. Thế nên, mức thù lao trung bình trên nền tảng này cũng cao hơn hẳn các nền tảng khác.

Nhược điểm

  • Khó khăn đầu tiên mà các bạn sẽ gặp phải khi làm việc trên 99designs chính là rào cản về mặt giao tiếp. Không phải khách hàng không nhiệt tình trao đổi công việc với bạn đâu. Mà vì 99designs là một nền tảng toàn cầu nên đôi khi rất khó để truyền tải thông điệp của bạn tới những khách hàng nói một ngôn ngữ khác. Ngay cả khi khách hàng có nói tiếng Anh thì mức độ giao tiếp của họ chỉ ở mức trung bình và có khi họ còn diễn đạt sai thông tin mà họ muốn nói nữa.
  • 99designs sử dụng phương pháp tiếp cận thị trường lao động tiềm năng thông qua các cuộc thi thiết kế. Điều này mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng nó có thể khiến các nhà thiết kế lãng phí thời gian nếu họ không giành được chiến thắng trong cuộc thi đó. Tuy nhiên, bạn có thể coi đó như một cơ hội để tự đào tạo bản thân và nhằm cải thiện quy trình làm việc và kỹ năng thiết kế của mình.
  • Đối với những nhà thiết kế mới hoạt động trên 99designs hay bất kể nền tảng nào khác, tất cả đều có chung một điểm khó khăn đấy chính là sự cạnh tranh cao. Có rất nhiều nhà thiết kế tài năng trên khắp thế giới tham gia vào 99designs và bạn sẽ phải cạnh tranh với họ trong các cuộc thi. Nếu bạn là một nhà thiết kế cấp độ mới trên nền tảng, đây có thể là một cuộc đấu tranh ngay từ đầu để thu hút khách hàng vì khách hàng thường thích các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế hơn.
  • Và vậy là thời gian bạn phải đợi chờ cho một dự án mới rất là dài. Trừ khi bạn nhận được lời mời cho một dự án, không thì thời gian nhàn rỗi có thể khiến bạn khá chán và nhanh nản chí. Tuy nhiên, bạn có thể tận dụng khoản thời gian này để tự nâng cấp kỹ năng của mình thông qua các khóa học trực tuyến hoặc tham gia các cuộc thi có sẵn trên nền tảng.
  • Các loại phí mà bạn phải trả với tư cách là một freelancer trong một dự án cũng là nhược điểm của 99designs. Nếu ở mức cao nhất, trong một dự án các bạn sẽ phải trả 20% phí giới thiệu khách hàng và 15% phí nền tảng. Đương nhiên, nếu dùng lâu rồi và tay nghề thiết kế lên cao hơn thì bạn sẽ phải trả ít hơn. Và nếu bạn duy trì được mối quan hệ tốt với khách hàng rồi có thêm các dự án khác từ họ, mức phí giới thiệu bạn cũng không phải trả nữa. Nhưng nhìn chung thì đây cũng là một khoản khá lớn đối với những freelacner mới bắt đầu.

3. Các loại hình công việc trên 99designs

Tuy đây là nền tảng chuyên về thiết kế nhưng 99designs rất chuyên nghiệp. Họ chia danh mục thiết kế rất chi tiết dựa vào nhiều mảng nhỏ trong thiết kế cũng như mục đích thiết kế khác nhau. Có đến 8 danh mục ngành nghề trên 99designs: thiết kế logo và nhận diện thương hiệu, thiết kế giao diện các nền tảng online, thiết kế website và ứng dụng, thiết kế cho kinh doanh và quảng cáo, thiết kế quần áo và phụ kiện, mỹ thuật và thiết kế minh họa, thiết kế bao bì và nhãn dán, cuối cùng là thiết kế sách và tạp chí. Nếu bạn ấn vào từng mục trong danh mục trên, bạn sẽ thấy được các mục được chia nhỏ hơn nữa. Đó là từng loại gói dự án mà các nhà thiết kế hay nhận làm.

Thiết kế logo trên 99designs

Các bạn có thể thấy ở đây, ví dụ như thiết kế logo thì có các gói công việc như thiết kế logo và website, thiết kế logo và danh thiếp. Đương nhiên, cũng có cả các gói thiết kế logo riêng biệt rồi. Nhìn chung mức lương trên 99designs khá cao so với các nền tảng khác vì các nhà thiết kế tham gia nền tảng này đều phải qua xét duyệt rất kỹ của đội ngũ giám đốc thiết kế trước khi được chính thức hoạt động trên nền tảng này. Vì dụ như gói thiết kế logo riêng biệt đã tốn của khách hàng ít nhất $349. Nhưng mình nhấn mạnh lại là sản phẩm bạn tạo ra phải rất sáng tạo và chuyên nghiệp thì mới nhận được mức thù lao như vậy hoặc hơn thế.

Công việc vẽ minh họa freelance trên nền tảng 99designs

Chúng ta thử tìm hiểu về ngành vẽ mỹ thuật và vẽ minh họa nhé. Trên 99designs, đây là một mảng công việc khá rộng vì vẽ minh họa ứng dụng có thể áp dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bạn có thể vẽ minh họa sách, vẽ các họa tiết in ấn, vẽ các loại thiệp, sáng tác nhân vật, sáng tác thiết kế mẫu hình xăm, vẽ thiết kế 3D nữa.

Dịch vụ thiết kế bao bì sản phẩm và nhãn dán trên 99designs

Một ngành cũng khá hot trên 99designs chính là thiết kế bao bì và nhãn dán. Các bạn có thể thấy trên ảnh phía trên là một sản phẩm được thiết kế bởi một thành viên trong cộng đồng 99designs. Nhìn thật là thu hút và chuyên nghiệp phải không các bạn. Trong phần thiết kế bao bì sản phẩm, các nhà thiết kế cũng sẽ chuyên biệt hóa các loại sản phẩm mình làm ra. Các bạn có thể chọn xếp mình và nhóm thiết kế bao bị cho thực phẩm, mỹ phẩm, các hàng bán lẻ, đồ uống. Các loại bao bì cũng đc chia thành túi, hộp, nhãn dán lên chai, tag móc vào sản phẩm. Nhìn chung, 99designs tuy là trang web chuyên về thiết kế nhưng cách sắp xếp các nhóm ngành nghề cũng vẫn rất chi tiết và tạo điều kiện tốt nhất cho những freelancer mới bắt đầu tìm hiểu về công việc thiết kế nói chung.

4. Phí dịch vụ của 99designs

Về phần phí dịch vụ đối với các freelancer, bạn có thể tham gia miễn phí và không tham dự các cuộc thi. Đối với các cuộc thi thì phí sẽ do người tổ chức đảm nhiệm. Thế nên, chúng ta chỉ phải bàn đến phần phí đối với các dự án 1-1 mà bạn làm việc trực tiếp với khách hàng thôi. Phí dự án 1-1 giúp hỗ trợ nền tảng 99designs có thể tiếp tục cung cấp những cơ hội kết nối cho các nhà quảng cáo và doanh nghiệp với các freelancer trên toàn thế giới. Thay vì tính phí cố định, phí dịch vụ dự án 1-1 của 99designs được cấu trúc theo cách ưu đãi hơn cho các mối quan hệ với những khách hàng lặp lại và duy trì lâu dài trên nền tảng. Các freelancer sẽ phải lưu ý tới hai loại phí trong cùng một dự án trên 99designs. Chúng được gọi là phí giới thiệu khách hàng và phí nền tảng.

Thứ nhất, phí giới thiệu khách hàng bao gồm chi phí hoạt động mà 99designs phải trả để tìm kiếm khách hàng mới cho bạn. Các chi phí này bao gồm tiếp thị trên và ngoài nền tảng, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, quảng cáo có trả tiền, đầu tư vào các thuật toán tìm kiếm và so sánh giữa nhà thiết kế và khách hàng và hơn thế nữa. Lưu ý nhỏ, các nhà thiết kế sẽ bị tính phí này mỗi khi bắt đầu làm việc với một khách hàng mới. Tuy nhiên, khoản phí này sẽ được miễn khi các freelancer giành chiến thắng hoặc lọt vào vòng chung kết trong một cuộc thi với khách hàng (lưu ý: việc bàn giao sản phẩm của cuộc thi sẽ cần phải hoàn tất để được miễn phí). Hoặc nếu khách hàng trước đó chưa bao giờ sử dụng 99designs và bạn mời họ tham gia Dự án 1-1 bằng tính năng mời qua email thì bạn cũng không phải trả khoản phí này. Để đảm bảo bạn có thể giữ lại phần nhiều hơn trong tổng thu nhập của mình, phí giới thiệu khách hàng sẽ khấu trừ 20% đối với $500 tiền thù lao đầu tiên từ một khách hàng mới, với tổng phí giới thiệu không vượt quá tối đa là $100. Nếu khách hàng đó tiếp tục quay lại với bạn và tổng thu nhập của bạn từ khách hàng cũ đó vượt quá mốc $500, bạn sẽ không phải thanh toán tiền phí giới thiệu cho 99designs nữa.

Phí giới thiệu khách hàng trên 99 designs

Thứ hai là về phí nền tảng. Phí nền tảng này được tính cho cả khách hàng và nhà thiết kế trong mỗi Dự án 1-1 được hoàn thành trên nền tảng. Khoản phí này giúp trang trải các chi phí hoạt động bao gồm giữ thanh toán an toàn, giải quyết tranh chấp, quản lý cộng đồng, các biện pháp chống gian lận, xử lý thanh toán, tài nguyên giáo dục và sự phát triển của nền tảng. Đối với mỗi Dự án 1-1, khách hàng trả một khoản phí nền tảng cố định là 5% và nhà thiết kế trả một khoản phí nền tảng riêng dựa trên cấp độ kỹ năng thiết kế của họ. Khi bạn có thêm kinh nghiệm trên 99designs, bạn sẽ cần ít hỗ trợ hơn từ nền tảng hơn. Do đó, 99designs sẽ ưu đãi cho những nhà thiết kế giàu kinh nghiệm nhất của mình bằng cách giảm phí khi bạn lên cấp. Khi đó, mức phí nền tảng đối với các freelancer sẽ được tính như sau:

01

Nhà thiết kế cấp cao nhất:

5% phí nền tảng

02

Nhà thiết kế cấp độ trung bình:

10% phí nền tảng

03

Nhà thiết kế cấp độ mới bắt đầu:

15% phí nền tảng

Vậy làm thế nào để xác định được các cấp độ của các freelancer thiết kế? Để tham gia vào 99designs, trước tiên, một nhà thiết kế phải được chấp thuận đơn đăng ký. Nhóm Giám đốc thiết kế sẽ xem xét từng ứng viên để xác định xem nhà thiết kế đó có đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nền tảng hay không. Sau đó, bạn sẽ được chỉ định thuộc nhóm cấp độ mới bắt đầu, cấp độ trung bình hoặc cấp độ cao nhất dựa trên mức độ chuyên nghiệp và kỹ năng đã được chứng minh dựa trên tất cả những điều sau: thực hiện các nguyên tắc thiết kế, khái niệm về ý tưởng, kỹ năng liên quan đến kỹ thuật và trình bày sản phẩm, giao tiếp và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Sau đó, trong quá trình làm viêc trên 99designs, nhóm tuyển dụng của 99designs sẽ thường xuyên xem xét hồ sơ của các nhà thiết kế để xác định thời điểm họ sẵn sàng lên cấp.

5. Các bước trở thành freelancer và kiếm tiền trên 99designs

Thật dễ dàng để đăng ký trở thành nhà thiết kế trên 99designs. Toàn bộ công đoạn đăng ký chỉ mất một phút. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đợi 99 designs cấp quyền hoạt động cho bạn sau khi đã xem xét xong profile của bạn. Mọi profile của các ứng viên đều thông qua nhóm giám đốc thiết kế, nhóm này sẽ đánh giá ứng viên dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng được trình bày trong profile hay portfolio. Dưới đây là các bước bạn sẽ thực hiện khi đăng ký làm nhà thiết kế trên 99designs.

Bước 1: Đăng ký làm nhà thiết kế

Trên trang đăng ký, hãy ấn vào ô cho biết bạn đang đăng ký với tư cách là nhà thiết kế tự do. Sau đó, hãy cung cấp địa chỉ email của bạn và mật khẩu để đăng ký. Sau khi hoàn tất quy trình đăng ký đơn giản đó bạn phải đợi thông báo qua email mà bạn sẽ nhận được trong vòng bảy ngày. Nếu đơn đăng ký của bạn bị từ chối, bạn có thể nộp lại, nhưng không quá hai lần.

Bước 2: Quá trình xác minh

99designs là một nền tảng freelance chuyên nghiệp và an toàn, vì vậy tất cả các nhà thiết kế đã đăng ký phải gửi một mã định danh hợp lệ để xác minh. Tất cả các nhà thiết kế mới muốn tham gia cuộc thi đều phải gửi mã định danh xác minh trước khi tham gia. Tương tự như vậy, nếu bạn đã là một nhà thiết kế chuyên nghiệp, bạn sẽ được yêu cầu gửi một mã định danh trong lần thanh toán đầu tiên của bạn trên nền tảng. 99designs cố gắng duy trì một cộng đồng chuyên nghiệp và an toàn cho cả nhà thiết kế và khách hàng. Yêu cầu mã định danh chỉ là một cách để đảm bảo tất cả các giao dịch được thực hiện với các cá nhân hợp pháp.

Bước 3: Các bước tiếp theo sau khi được phê duyệt

Khi bạn được chấp thuận với tư cách là nhà thiết kế, 99designs sẽ chỉ định cho bạn một cấp độ dựa trên kinh nghiệm của bạn. Bạn có thể là nhà thiết kế cấp mới bắt đầu, cấp trung hoặc cấp cao nhất. Các nhà thiết kế cấp cao hơn được hưởng các lợi ích như phí nền tảng thấp hơn, thanh toán nhanh hơn, số tiền thưởng cao hơn trong các cuộc thi và khả năng hiển thị nhiều hơn cho khách hàng.

99designs là một nền tảng tuyệt vời để có được nguồn thu nhập khá. Có hai cách để kiếm tiền: thông qua các dự án trực tiếp với khách hàng hoặc bằng cách tham gia các cuộc thi. Ngoài ra, còn có nhiều cách khác để tối đa hóa nền tảng và kiếm nhiều tiền hơn. Dưới đây là một số cách bạn có thể làm theo để nâng cao hồ sơ, tối ưu hóa hiệu suất và tìm thêm các dự án.

1

Theo dõi khách hàng để biết thêm nhiều dự án sau khi chiến thắng cuộc thi: Sau khi chiến thắng một cuộc thi, bạn có thể giữ liên lạc với khách hàng để tiếp tục kết hợp những dự án khác. Hãy cập nhật hồ sơ của bạn để khách hàng có thể cập nhật thông tin về công việc của bạn và kết nối với bạn cho các dự án sắp tới của họ.

2

Sử dụng tính năng lời mời qua email: 99designs sẽ khấu trừ 20% hoặc tối đa là $100 phí giới thiệu khách hàng đối với $500 thù lao đầu tiên của bạn từ khách hàng mới. Nhưng bạn có thể được miễn phí này nếu bạn sử dụng tính năng lời mời qua email. Với tính năng này, bạn có thể mời khách hàng hiện tại của mình tham gia nền tảng 99designs mà không bị mất phí giới thiệu khách hàng.

3

Tham gia cuộc thi về những loại hình thiết kế phù hợp: Có 1.500 cuộc thi ở nhiều hạng mục khác nhau trên nền tảng. Tham gia cuộc thi ở hạng mục phù hợp với kỹ năng của bạn với số lượng người tham gia ít nhất để tăng cơ hội chiến thắng. Nếu bạn là nhà thiết kế cấp trung bình đến cấp cao nhất, bạn có đặc quyền tham gia các cuộc thi công khai hoặc riêng tư không giới hạn.

4

Bán các thiết kế không đoạt giải trong cuộc thi: Bạn có thể tham gia các cuộc thi và tạo ra các thiết kế độc đáo. Ngay cả khi tác phẩm của bạn không được chọn, bạn vẫn giữ bản quyền của tác phẩm của mình và có thể bán tác phẩm đó trên các nền tảng khác. Bạn có thể thêm sản phẩm đó vào portfolio của mình và quảng cáo nó cho các khách hàng tiềm năng khác.

6. 5 tip bắt đầu công việc mà freelancer mới trên 99deisgns cần biết

1

Như các bạn cũng biết, các phần mềm dành cho thiết kế như Adobe có giá rất đắt. Thử thách lớn nhất đối với nhiều freelancer mới bắt đầu chỉ đơn giản là do phần mềm thiết kế Adobe đắt như thế nào. May mắn thay, có một số phương án để bạn có thể sử dụng phần mềm mà không tốn quá nhiều chi phí. Lựa chọn đầu tiên là tham gia một lớp học. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn một khóa học với những phần mềm được cài đặt sẵn mà còn giúp bạn có cơ hội xem liệu thiết kế đồ họa có phù hợp với bạn hay không. Một lựa chọn khác cho những người đang học đại học ngành thiết kế là khám phá và tận dụng nguồn tài nguyên của trường với các phần mềm được cài đặt sẵn. Thậm chí, bạn có thể nhờ bạn bè của mình học ở ngành đồ họa gửi lời mời sử dụng phòng thí nghiệm của trường đó và sử dụng chúng với tư cách là một khách mời. Cách cuối cùng là sử dụng những bản thử nghiệm của các phần mềm đó. Mặc dù có thể nó không giúp bạn tiến xa hơn trong các cuộc thi, nhưng chí ít thì bạn cũng được trải nghiệm và thực hành một số kỹ năng cơ bản với các loại phần mềm.

2

Những người gắn bó với nghề thiết kế đồ họa không phải là những người chọn nghề vì các đặc quyền, lương bổng hay các khía cạnh có thể làm việc tại nhà. Trong các khóa học online liên quan đến thiết kế từ những nhà thiết kế nổi tiếng, ở phần đầu tiên, họ luôn luôn nói đến những điều hoặc những con người đã truyền cảm hứng sáng tác cho họ. Đúng vậy đấy các bạn nhé. Những nhà thiết kế luôn đi tìm cảm hứng sáng tác và điều mà họ coi trọng nhất trong công việc này chính là tìm được cảm hứng thật sự để biến những tác phẩm của họ trở nên hoàn thiện hơn. Một mẹo hay cho những nhà thiết kế mới bắt đầu là hãy thực sự tìm hiểu kỹ, thử nghiệm và xem liệu ngọn lửa cảm hứng đó có thể được thắp lên hay không. Hãy thử nhìn vào các thiết kế chiến thắng trong các cuộc thi và xem liệu bản thân mình có bản năng muốn làm tốt hơn hay không. Hoặc các bạn có thể thử xem xét và nghiên cứu portfolio của các nhà thiết kế vĩ đại trong quá khứ xem nó có truyền cảm hứng gì cho bạn không?

3

Một cách nhanh chóng nhất để học được và có động lực học các kỹ năng là lập biểu đồ so sánh khoảng cách từ những kỹ năng hiện tại của bạn đến những kỹ năng của những người được đánh giá tốt hoặc những nhà thiết kế có tay nghề cao. Nhiều người trong số họ sử dụng các chương trình Adobe để thực hiện công việc thiết kế của họ. Nếu bạn có cùng một phần mềm đó, điều gì ngăn cản bạn tiếp thu các kỹ năng của họ? Hãy thử dành thời gian mô phỏng những thiết kế của họ. Bạn hãy cố gắng mô tả lại cả những hiệu ứng và kỹ thuật trong những tác phẩm thiết kế đó để thực hành về mặt tay nghề. Qua quá trình đó, bạn có nhiều thời gian và cơ hội để tự mày mò, nghiên cứu và rút ra nhiều kinh nghiệm hơn cho công việc của mình sau này đấy.

4

Nếu bạn đang cố gắng vươn lên từ vạch mốc trong thế giới thiết kế ở bất kể lĩnh vực nào, một trong những cách tốt nhất để bắt đầu là tham gia càng nhiều các cuộc thi càng tốt. Nếu ngay từ ban đầu, bạn đã vội vàng tìm kiếm một công việc trong khi kinh nghiệm và kỹ năng của bạn chưa có nhiều thì có khả năng rất cao là bạn chỉ nhận được những công việc với mức thu nhập thấp. Đồng thời bạn sẽ học được rất ít kinh nghiệm từ những công việc như vậy và cũng không có được những sản phẩm chất lượng để xây dựng portfolio của riêng mình. Vì vậy, hãy tham gia vào các cuộc thi để học hỏi từ những nhà thiết kế khác nữa và phát triển bản thân một cách tích cực hơn.

5

Lúc mới bắt đầu quá trình làm việc, bạn sẽ nhận được rất nhiều những phản hồi đánh giá từ phía khách hàng. Với tư cách là một nhà thiết kế, đôi khi bạn sẽ thấy nhận xét của khách hàng không mang tính chuyên nghiệp về mặt thiết kế vì họ không có nhiều kiến thức chuyên môn bằng bạn. Nhưng nếu bạn không thích chúng và chịu khó lắng nghe thì bạn sẽ không thể tiến xa hơn được. Điều quan trọng đối với các nhà thiết kế mới bắt đầu là phải nhận ra những nhận xét này như một cơ hội để phát triển kỹ năng giao tiếp với khách hàng và nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Ngoài ra, đôi khi khách hàng cũng có thể chỉ ra những ý tưởng hay mà bạn không nghĩ đến được đâu.

Lời kết

Chúng ta đã đi qua hết các mục chính và các thông tin quan trọng về một nền tảng freelance khá đặc biệt. Nếu bạn nào đã xác định được mảng kỹ năng mà mình muốn dùng để làm việc là thiết kế thì 99designs là một điểm đến không thể thiếu trong quá trình phát triển sự nghiệp của các bạn. Trên 99designs, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về loại các sản phẩm mà bạn muốn thiết kế. Hơn nữa, nền tảng này chủ yếu dựa trên các cuộc thi. Đương nhiên, bạn vẫn có thể chọn làm các dự án trực tiếp với khách hàng, nhưng khách hàng vẫn khá ưu tiên tính năng tạo ra các cuộc thi để chọn ra nhà thiết kế với sản phẩm ưng ý nhất. Với tư cách là một nhà thiết kế freelance, việc tham dự các cuộc thi cũng rất có lợi cho bạn. Bạn sẽ có được nhiều trải nghiệm và học hỏi được kinh nghiệm từ các nhà thiết kế khác. Hơn nữa, bạn sẽ có được nhiều tác phẩm để cho vào portfolio hơn. Về sau nhìn lại, bạn có thể thấy công sức bỏ ra như vậy hoàn toàn không hề phí phạm. Vậy nên, các bạn hãy cố gắng tích cực tham gia và học hỏi trên cộng đồng thiết kế hàng đầu thế giới này nhé.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>