Freelancer.com – Nơi bạn có thể bắt đầu và phát triển sự nghiệp freelance

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

November 9

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đi tiếp tới một nền tảng freelance nữa cũng khá phổ biến. Các bạn đã nghe nói đến Freelancer.com bao giờ chưa nhỉ? Nền tảng này cũng được thành lập quanh khoảng thời gian thành lập của Upwork và Fiverr. Sau gần 10 năm, mỗi nền tảng đều có sự phát triển với những đặc điểm riêng và thu hút rất nhiều người dùng. Freelancer.com hoạt động gần giống với Upwork. Freelancer sẽ đi tìm công việc và khách hàng chứ không phải ngược lại như cách hoạt động của Fiverr. Đương nhiên, mỗi nền tảng có những đặc điểm thú vị khác nhau. Freelancer.com còn có cả tính năng tổ chức và tham gia các cuộc thi để tìm kiếm công việc. Điều này không có trên Upwork. Vậy hôm nay, chúng ta cũng nhìn kỹ hơn những điều hay và dở của nền tảng này. Mình mong sau bài viết này, các bạn sẽ có thêm một sự lựa chọn khác để bắt đầu cũng như phát triển sự nghiệp freelancer của mình.

1. Freelancer.com là gì?

Freelancer.com là một thị trường việc làm trực tuyến chuyên cung cấp các dịch vụ cho khách hàng và freelancer trên toàn cầu hợp tác về mặt công việc. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cần trợ giúp về một số mảng kỹ năng đặc thù nào đó cho các dự án ngắn hạn hoặc dài hạn có thể đăng các dự án đó và cho phép các freelancer gửi hồ sơ dự thầu bao gồm profile cá nhân và thư chào giá để ứng tuyển cho công việc. Đối với khách hàng hoặc người mua dịch vụ, Freelancer.com cung cấp quyền truy cập ngay lập tức vào nền tảng bao gồm sẵn một số lượng lớn các freelancer với những kỹ năng cụ thể mà không cần đặt quảng cáo việc làm hoặc cung cấp không gian làm việc hay bảo hiểm. Đối với người làm việc tự do hoặc nhà cung cấp dịch vụ, Freelancer.com cung cấp nguồn cơ hội việc làm freelance từ bán thời gian đến toàn thời gian liên tục mà không gặp bất kỳ rắc rối và chi phí nào liên quan đến quảng cáo dịch vụ của mình.

Nền tảng này được thành lập năm 2009 và có trụ sở chính tại Sydney, Australia. Cho đến nay, Freelancer.com đã có thêm các trụ sở khác ở các thành phố lớn như Vancouver, London, Buenos Aires, Manila, và Jakarta nhằm đáp ứng nhu cầu của các freelancer trên toàn thế giới. Freelancer.com là nền tảng giao dịch của 62,764,263 tài khoản lao động tự do và khách hàng. Hầu hết người dùng của Freelancer.com đến từ Ấn Độ, Mỹ, Philippines, Pakistan và Anh nhưng đó cũng chỉ là đại diện cho lượng người dùng trên tổng số 247 vùng lãnh thổ, cả những thị trường đang phát triển và phát triển trên thế giới. Theo thống kê của Freelancer.com, ba nhóm công việc thường xuyên nhận được yêu cầu từ khách hàng nhất là công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 34%, thiết kế, truyền thông và kiến trúc chiếm 31% và viết và nội dung chiếm 13%.

Để mình nói chi tiết hơn về cách hoạt động của Freelancer.com nhé. Nó vận hành cũng tương tự như Upwork thôi. Nền tảng này cho phép khách hàng đăng tin tuyển dụng lên để các freelancer thành viên có thể gửi thư chào giá và cạnh tranh nhau cho công việc đó. Thỉnh thoảng, Freelancer.com cũng cho phép các thành viên tổ chức và tham gia các cuộc thi có phần thưởng. Các freelancer và khách hàng xây dựng profile của mình trên nền tảng. Sau đó, họ tham gia các cuộc thi. Nếu freelancer nào thắng thì có thể có được công việc. Đương nhiên, các freelancer khi thắng sẽ phải hoàn thành công việc trong cuộc thi đó và sẽ nhận được mức thù lao đáng ngưỡng mộ kèm với những đánh giá phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Mỗi freelancer sẽ được phép gửi thư chào giá với một số lượng có giới hạn nhất định. Những lượt gửi này sẽ được thêm vào tài khoản của bạn định kỳ. Freelancer.com cũng cung cấp một loạt các loại hình tài khoản. Bạn có thể thoải mái lựa chọn sử dụng từ tài khoản miễn phí đến tài khoản đăng ký loại chuyên nghiệp.

2. Ưu / nhược điểm của Freelancer.com

Ưu điểm

  • Đến với ưu điểm đầu tiên của Freelancer.com, chúng ta có thể kể đến độ đa dạng của các nhóm công việc. Đương nhiên, bất kể nền tảng freelance nào cũng có những công việc với kỹ năng rất khác nhau. Nhưng để so sánh với các nền tảng khác, Freelancer.com có đến tận 16 nhóm công việc khác nhau và có những nhóm nghề rất khác biệt với các công việc freelance thường thấy. Trên các nền tảng khác, chúng ta luôn có các công việc liên quan đến công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa hay viết lách và dịch thuật. Các bạn vẫn sẽ tìm thấy những nhóm công việc đó trên Freelancer.com. Nhưng đặc biệt hơn, ở đây còn có các công việc liên quan đến kỹ thuật, khoa học, tìm kiếm nguồn hàng, sản xuất và vận chuyển. Nghe tên thì thấy chúng có vẻ giống các công việc toàn thời gian kiểu truyền thống hơn nhỉ. Chúng ta sẽ tìm hiểu trong những phần phía dưới nhé.
  • Một điểm cộng tiếp theo chính là bạn có thể tìm kiếm công việc ngay sau khi tạo tài khoản. Ngược lại với cách làm việc trên Fiverr, bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm công việc mà khách hàng đã đăng tin trên nền tảng đó. Bộ lọc dữ liệu tìm kiếm của Freelancer.com cũng góp phần lớn trong công cuộc giúp bạn tìm được công việc phù hợp bằng hệ thống phân loại ngành nghề, kỹ năng, mức độ khó dễ và cả mức lương mong muốn nữa. Chỉ cần có vậy, bạn có thể dễ dàng gửi thư chào giá ứng tuyển cho một công việc mà bạn thích. Việc nền tảng hoạt động theo dạng cung cấp bảng công việc thế này có thể hấp dẫn hơn đối với một số freelancer. Mình cũng đánh giá cao cách làm việc này vì nó chủ động hơn về mọi mặt từ việc quản lý thời gian, sắp xếp các công việc khác và cả nguồn thu nhập của bạn nữa. Nhất là đối với các bạn freelancer mới, đây cũng là một cách để các bạn thử nhiều nghề và định hướng bản thân mình thích lĩnh vực freelance cụ thể nào nhất.
  • Ưu điểm thứ ba của nền tảng này có lẽ là việc thiết lập tài khoản rất nhanh chóng và dễ dàng. Bạn chỉ cần đăng ký tài khoản và tìm một bức ảnh làm ảnh đại diện và thế là xong. So với các nền tảng freelance khác, việc thiết lập tài khoản để sẵn sàng sử dụng trên Freelancer.com trở nên rất nhanh gọn vì giao diện sử dụng rất thân thiện và tối giản. Freelancer.com cũng cắt bỏ các bước rườm rà không cần thiết như làm bài test hay phỏng vấn để được sử dụng nền tảng. Thêm một điểm nữa, để bắt đầu kiếm việc làm, bạn sẽ không phải mất công tạo gig giống như trên Fiverr. Việc tạo các gig cũng khá mất thời gian vì bạn sẽ phải nghĩ cách trình bày dịch vụ của mình sao cho thu hút, chọn ảnh và các sản phẩm mẫu. Điều này có thẻ sẽ mất thời gian và khó cho những bạn nào mới bắt đầu bước chân vào con đường freelancer. Thế nên, Freelancer.com có lẽ là nền tảng phù hợp nhất cho các bạn mới vì sự thân thiệt, dễ sử dụng và ít cạnh tranh hơn so với các nền tảng freelance khác.

Nhược điểm

  • Giờ mình sẽ chuyển sang một số điểm yếu của Freelancer.com. Đầu tiên, mặc dù giao diện nền tảng rất dễ sử dụng và thận thiện với người dùng nhưng mình phải thừa nhận là trông nó khá lỗi mốt. Một số tính năng trên trang web này nhìn như kiểu thiết kế website của những năm 2010. Hơn thế nữa, các bạn sẽ thấy rất khó tìm được phần các câu hỏi thường gặp nơi cung cấp rất nhiều thông tin hướng dẫn sử dụng nền tảng này. Không phải vì họ không có đâu mà phần đấy bị sắp xếp theo cách rất khó tìm ra được. Chính vì giao diện của nền tảng khá lỗi thời nên nó không được chú trọng nhiều về phần hình ảnh thị giác. Nếu bạn là một khách hàng vào Freelancer.com để tìm kiếm freelancer cho mình, bạn sẽ cảm thấy trang web này rất thiếu hình ảnh minh họa và các thông tin để có thể thuyết phục đâu là freelancer phù hợp với bạn vì các freelancer không thể trình bày portfolio của họ trên nền tảng này.
  • Một nhược điểm mình thấy khá là quan trọng cần phải nêu lên để các bạn cân nhắc. Đấy là bạn bị giới hạn lượt gửi thư chào giá trên Freelancer.com. Nếu bạn đăng ký gói thành viên Plus, mỗi tháng bạn sẽ được gửi 100 lượt thư chào giá. Nghe thì có vẻ nhiều nhỉ nhưng tính trung bình ra mỗi ngày bạn chỉ được gửi 3 bức thư chào giá. Mà mỗi lần gửi thư chào giá chưa chắc bạn đã nhận được công việc đó đâu nhé. Vậy nên, theo tính toán của mình, nếu mỗi ngày bạn đấu giá 3 lượt thì có lẽ may ra một tuần bạn nhận được 1 hoặc 2 công việc gì đấy thôi. Còn nếu bạn chỉ sử dụng tài khoản miễn phí, cứ 5 ngày bạn sẽ nhận được 6 lượt gửi thư chào giá. Khi đó, tỉ lệ bạn nhận được việc lại càng thấp hơn nữa. Một tuần làm việc mà chỉ đấu giá có 6 công việc thì có lẽ may mắn lắm bạn mới nhận được một hợp đồng dự án trong tuần đó. Vì vậy, đây cũng là một điểm hạn chế cho các bạn freelancer mới chưa muốn bỏ quá nhiều chi phí cho khâu kiếm việc làm.
  • Cũng giống như nhiều nền tảng freelance khác, Freelancer.com có xu hướng thiên vị khách hàng và có những khó khăn đối với người dùng mới. Trước tiên, thuật toán trên Freelancer.com ưu tiên đẩy kết quả tìm kiếm của khách hàng thành những freelancer đã làm việc lâu năm trên nền tảng và có nhiều đánh giá tích cực từ các dự án trước đó. Điều này hiển nhiên sẽ trở thành điểm bất lợi cho bất kể freelancer mới để kiếm được những công việc đầu tiên. Thêm một điểm bất lợi đối với các freelancer nữa chính là hệ thống gửi thư chào giá trên nền tảng này. Giống như Upwork, tỉ lệ cạnh tranh công việc rất cao. Có những công việc sau 10 phút đăng lên đã có gần 50 lượt đấu giá. Nếu bạn là một freelancer thì điều bạn có thể làm để thắng được gói dự án này là gì? Các bạn sẽ có xu hướng hạ mức lương mong muốn xuống thấp để cạnh tranh với các freelancer khác. Vậy là bạn sẽ có mức thu nhập thấp đi nhưng ngược lại, khách hàng lại được lợi trong trường hợp này.

3. Các loại hình công việc trên Freelancer.com

Bên trên, mình đã chia sẻ với các bạn là Freelancer.com có rất nhiều nhóm công việc phải không? Nền tảng này có đến tận 16 nhóm việc làm khác nhau.

Các nhóm công việc trên Freelancer.com

Chúng được chia thành các nhóm liên quan đến công nghệ và phần mềm; ứng dụng cho các thiết bị di động; viết lách và sản xuất nội dung; thiết kế, truyền thông và kiến trúc; nhập liệu và hành chính; kỹ thuật và khoa học; tìm kiếm nguồn hàng và sản xuất; bán hàng và marketing; đóng gói và vận chuyển; dịch vụ viễn thông; giáo dục; doanh nghiệp, kế toán, nhân sự và pháp chế; dịch thuật và ngôn ngữ; thương mại và dịch vụ; sức khỏe và dược phẩm; và công việc cho bất kỳ đối tượng nào. Nghe thật là đa dạng phải không nào các bạn.

Đương nhiên, phần lớn các công việc trên nền tảng này cũng vẫn là các công việc freelance phổ biến liên quan đến công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, viết lách và dịch thuật. Nhưng có những ngành nghề rất lạ phải không nào? Các bạn có háo hức tìm hiểu về chúng như mình không? Chúng ta sẽ đến với các công việc kỹ thuật và khoa học trước nhé. Nếu bạn truy cập vào website của Freelancer.com và xem danh sách các công việc kỹ thuật và khoa học, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì có đến hàng chục nhóm nghề nhỏ trong phần này. Trong số đó, có các đầu công việc thuộc top đã có giao dịch giữa các freelancer và khách hàng như thiết kế chương trình thuật toán, các phần mềm như AutoCAD hay Solidworks, hệ thống CAD/ CAM, khai phá dữ liệu, thiết kế hệ thống sản xuất, thiết kế kỹ thuật. Bên cạnh đó, vẫn còn có rất nhiều đầu việc khác ít cạnh tranh hơn như phân tích dữ liệu, lên lịch trình dự án, công nghệ sinh học và các dự án kỹ thuật khác.

Các công việc vận chuyển trên nền tảng

Bên cạnh đó, Freelancer.com còn có mục các công việc đến đóng gói và vận chuyển. Các công việc như thế này đã đa dạng hóa các ngành nghề freelancer. Các công việc được thực hiện không chỉ online mà ngay trong cuộc sống hằng ngày rất thực tế nhưng vẫn mang những nét đặc trưng tính chất của cách làm việc freelance. Các bạn có thể thấy một số dịch vụ như xuất nhập khẩu, dropshipping, đóng gói và vận chuyển, vận chuyển quốc tế. Các công việc này được thực hiện offline nhưng chỉ mang tính chất làm một lần, theo từng gói dự án chứ freelancer không phải ký hợp đồng dài hạn với khách hàng. Tuy nhiên, những topic công việc thế này thường cũng không có nhiều lắm trên một nền tảng freelaner online.

4. Phí thành viên cho freelancer trên nền tảng Freelancer.com?

Đối với những người lao động tự do như chúng ta, Freelancer.com cung cấp 4 gói dịch vụ với 2 hình thức thanh toán theo tháng hoặc theo năm. Các bạn có thể tham khảo giá các gói dịch vụ này ở bảng dưới đây.

Header

Basic

Plus

Professional

Premier

Monthly plan

$4.95

$9.95

$29.95

$59.95

Annual Plan

$4.45

$7.95

$24.95

$49.95

Giá các gói dịch vụ trên được tính theo Đô la Mỹ. Nếu bạn chọn đăng ký dịch vụ theo năm thì nhìn chung bạn sẽ được giảm giá 20%. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tài khoản và hoạt động trên nền tảng này một cách miễn phí. Tuy nhiên, như vậy thì bạn sẽ bị giới hạn khá nhiều tính năng. Nếu bạn chọn một trong những hình thức thành viên như bên trên mình vừa đề cập tới, bạn sẽ có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ trên Freelancer.com hơn.

Giá các gói dịch vụ trên được tính theo Đô la Mỹ. Nếu bạn chọn đăng ký dịch vụ theo năm thì nhìn chung bạn sẽ được giảm giá 20%. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tài khoản và hoạt động trên nền tảng này một cách miễn phí. Tuy nhiên, như vậy thì bạn sẽ bị giới hạn khá nhiều tính năng. Nếu bạn chọn một trong những hình thức thành viên như bên trên mình vừa đề cập tới, bạn sẽ có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ trên Freelancer.com hơn.

1

Tăng số lượng lượt gửi thư chào giá: bạn càng gửi nhiều thư chào giá thì tỷ lệ bạn nhận được việc càng cao. Nó cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của bạn sẽ cao hơn.

3

Bạn có thể rút tiền nhanh với chức năng rút tiền hằng ngày: bạn không đọc nhầm đâu. Nó chính là hằng ngày đấy. Những yêu cầu rút tiền của bạn sẽ được xử lý rất nhanh gọn chỉ trong 1 ngày thôi.

5

Được tham gia chương trình Freelancer Được Yêu Thích: chỉ cần bạn đăng ký gói Basic là bạn đã có thể tham gia chương trình này. Đây là một chương trình cho các freelancer thành viên. Bạn sẽ nhận được những ưu tiên mà có thể giúp phát triển sự nghiệp freelance xa hơn.

7

Xuất hóa đơn ngoài nền tảng: với tính năng này, bạn có thể gửi hóa đơn tới khách hàng mà bạn nhận dự án ở ngoài. Sau đó khách hàng sẽ thanh toán cho bạn thông qua Freelancer.com. Nền tảng sẽ giúp các bạn toàn bộ việc kiểm soát thanh toán và thu nhập.

2

Bạn được tham gia vào nhiều loại hình công việc hơn: ví dụ như tài khoản Premier cho phép bạn liệt kê tận 400 kỹ năng trong profile của bạn, nghĩa là bạn có thể gửi thư chào giá cho nhiều dự án có các kỹ năng tương ứng với bạn.

4

Có quyền tiếp cận tới những dự án có giá trị cao: một số tài khoản cao cho phép bạn gửi thư chào giá tới các dự án hàng chục nghìn đô hoặc ít nhất cũng là từ $1500 trở lên.

6

Có khả năng cập nhật hoạt động của khách hàng: với tính năng này, bạn có thể thêm khách hàng bạn yêu thích vào một list. Từ đó bạn sẽ nhận được thông báo mỗi khi khách hàng này đăng một công việc mới.

8

Tận hưởng ưu đãi miễn phí một số dịch vụ: nếu bạn là một thành viên trả phí trên Freelancer.com, bạn có thể tham dự các cuộc thi mà không cần phải bỏ ra một khoản phí tham gia.

5. Các bước trở thành freelancer và kiếm tiền trên Freelancer.com

Như chúng ta đã biết, Freelancer.com cho phép khách hàng và các freelancer làm việc cùng nhau trong các dự án trực tuyến và ngoại tuyến trên nhiều hạng mục thông qua các dự án và cuộc thi. Việc đăng ký thành viên trên nền tảng này rất dễ dàng và được cho là nhanh hơn nhiều so với các nền tảng khác. Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào trang chủ của Freelancer.com. Sau đó, bạn hãy chọn “Sign up”.

Đăng ký thành viên trên nền tảng Freelancer.com

Việc đăng ký thành viên trên này hoàn toàn là miễn phí các bạn nhé. Bạn có thể chọn đăng ký bằng tài khoản Facebook hoặc tài khoản email. Chính vì việc đăng ký thành viên đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với tất cả các điều khoản và quy định của nền tảng, bạn nên tìm hiểu trước những vấn đề này trước khi đăng ký. Sau khi kết nối với tài khoản Facebook hoặc email, bạn sẽ phải thiết lập username hay gọi là tên người dùng. Các bạn lưu ý username chỉ được chọn một lần và không được thay đổi lại. Username trên Freelancer.com bị giới hạn trong vòng 16 ký tự bao gồm cả chữ và số và phải bắt đầu bằng một chữ cái. Tiếp theo, bạn sẽ phải chọn loại hình tài khoản là khách hàng hay là freelancer. Điều này thì bạn có thể thay đổi trong quá trình làm việc.

Chọn loại hình thành viên (freelancer hoặc khách hàng)

Bước cuối cùng, bạn chỉ cần xác minh tài khoản email và hoàn thiện nốt các thông tin khác trong tài khoản của mình. Vậy là bạn đã hoàn thiện xong quá trình đăng ký và có thể bắt đầu khám phá các công việc trên nền tảng này được rồi đấy.

Khác với Upwork, Freelancer.com cung cấp 2 hình thức để bạn có thể kiếm được công việc. Một là bạn có thể chọn tham gia các cuộc thi do khách hàng tạo nên. Hai là bạn có thể trực tiếp gửi thư đấu giá cho một vị trí công việc mà khách hàng đăng tin trên nền tảng. Mình sẽ cung cấp thêm cho các bạn một số thông tin về hai loại hình này để các bạn có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho bản thân.

Đối với các cuộc thi, các freelancer có thể nộp bài dự thi dựa theo những gì khách hàng mô tả trong cuộc thi lúc ban đầu. Đương nhiên, cũng sẽ có rất nhiều các freelancer khác gửi bài dự thi cho cuộc thi đó. Với hình thức này, khách hàng có thể xem và đánh giá chính các tác phẩm của những freelancer đó. Bạn có thể nhận được những đánh giá xếp hạng cũng như phản hồi từ khách hàng cho tác phẩm dự thi của mình. Trong quá trình này, bạn có thể bàn bạc với khách hàng để hiểu rõ hơn về công việc cũng như mong muốn của vị khách đó. Các cuộc thi thường là lựa chọn tốt hơn cho công việc liên quan đến thiết kế hoặc hình ảnh, đặc biệt nếu bạn chưa làm việc với một khách hàng nào trên Freelancer.com. Nếu bạn thắng cuộc thi này, bạn sẽ có cơ hội kiếm được cơ hội việc làm đầu tiên. Nhưng nếu không, bạn cũng có được nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ với khách hàng này. Biết đâu cơ hội làm việc sẽ đến với bạn sau này thì sao.

Còn về các dự án, khách hàng thường có yêu cầu công việc rất cụ thể và chi tiết. Họ cũng mong muốn tìm kiếm và làm việc với các freelancer giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Lúc này, bạn sẽ không gửi đi các sản phẩm của mình nữa mà sẽ gửi đi những bức thư chào giá. Các bước này thì hoàn toàn giống như cách làm việc trên Upwork. Nếu thư chào giá của bạn đủ ấn tượng và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, bạn sẽ bắt đầu đàm phán thêm về các chi tiết của công việc và bắt đầu quá trình hợp tác với khách hàng đó trong một dự án. Bạn sẽ nhận được thanh toán cho gói công việc ngay khi khách hàng xác nhận sản phẩm cuối cùng đã đạt yêu cầu của họ.

Sau mỗi cuộc thi hay một gói dự án hoặc một mốc trong dự án như đã thỏa thuận với khách hàng, tiền lương sẽ được chuyển vào tài khoản của bạn trên nền tảng. Khi đó, bạn có thể thực hiện các lệnh chuyển tiền từ tài khoản Freelancer.com sang tài khoản ngân hàng của bạn. Có 4 hình thức rút tiền trên nền tảng này:

Rút tiền nhanh: cách này có thể chuyển thẳng tiền đến tài khoản ngân hàng của bạn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, tính năng này chỉ được áp dụng ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Rút tiền qua ngân hàng: cách này bạn có thể chuyển tiền đến ngân hàng nhưng sẽ phải đợi từ 5-7 ngày sau khi làm lệnh rút tiền. Với phương pháp này, bạn cần phải rút tối thiểu $500 trong một lần và chỉ áp dụng cho USD. Các này thì bạn sẽ bị mất $25 tiền phí.

Paypal: đương nhiên không thể thiếu được cổng thanh toán Paypal rồi. Bạn sẽ phải cung cấp và xác minh tài khoản Paypal của mình. Sau đó, bạn có thể dễ dàng nhận được tiền trong vòng 1 ngày. Mỗi lần bạn sẽ phải rút tối thiểu $30.

Skrill: cách này chỉ áp dụng cho các đồng EUR và GBP. Đây cũng là một phương pháp rút tiền nhanh không mất phí. Mỗi lần bạn cũng phải rút tối thiểu 30 EUR hay 30 GBP.

Trước mỗi lần thanh toán, bạn nhớ lưu ý kiểm tra lại toàn bộ thông tin ngân hàng mà bạn đã cung cấp cho Freelancer.com. Để xác minh cho việc rút tiền, bạn sẽ nhận được một mã xác minh gửi về điện thoại. Bạn nhớ chú ý và nhập đúng mã để hoàn thiện yêu cầu rút tiền. Một lưu ý nho nhỏ đó là đối với lần đầu tiên rút tiền, bạn sẽ phải đợi 15 để Freelance.com xác mình tài khoản của bạn. Những lần sau đó, thời gian xử lý yêu cầu sẽ nhanh hơn rất nhiều.

6. 8 điều nên làm và nên tránh freelancer mới trên Freelancer.com cần biết

Đầu tiên, hãy tạo ấn tượng tốt bằng một bản profile ấn tượng. Ngay khi bạn gửi thư chào giá đi, bạn hãy làm cho mình nổi bật so với những freelancer còn lại. Bạn hãy cố gắng trình bày giới thiệu về bản thân một cách chuyên nghiệp và điều chỉnh những đề xuất của bạn cho phù hợp với những gì dự án yêu cầu. Một số tip nhỏ cho một bức thư chào giá đấy là nêu rõ bạn sẽ cung cấp những gì, chi phí bao nhiêu và thời gian hoàn thành công việc là bao lâu.

Bạn có thể chủ động đề xuất khách hàng các mốc thanh toán quan trọng trong dự án. Nếu đó là một dự án dài và việc thanh toán dựa vào sản phẩm cuối cùng, bạn hãy chia nhỏ dự án ra và yêu cầu thanh toán theo từng giai đoạn nhỏ. Freelancer.com có cung cấp tính năng “Proposed Milestones” để bạn và khách hàng cùng đàm phán và quyết định các mốc quan trọng của dự án cũng như việc thanh toán cho từng mốc đó.

Một việc nữa mà bạn cần làm đấy là kiểm tra lý lịch của khách hàng. Trước khi chọn hợp tác với một freelancer nào đó, khách hàng thường cân nhắc một số yếu tố như là lý lịch cá nhân, lịch sử và kinh nghiệm làm việc. Vậy thì bạn cũng nên làm điều tương tự khi chọn khách hàng tiềm năng của mình. Điều này hoàn toàn công bằng khi làm một freelancer. Bạn hãy xem phần giới thiệu về nhà tuyển dụng của các dự án hoặc cuộc thi mà bạn đang có ý định tham dự để nắm được khái quát ý về tài khoản thành viên đó, việc thanh toán có minh bạch không và đánh giá về khách hàng từ những freelancer làm việc cùng họ trước đó.

Bạn hãy luôn thực hiện tất cả các giao dịch liên quan đến công việc và khách hàng trên nền tảng Freelancer.com. Điều này đảm bảo bạn sẽ nhận được sự bảo vệ tốt nhất có thể trong trường hợp xảy ra khúc mắc hay tranh chấp với khách hàng. Freelancer.com sẽ xem xét tất cả quá trình trao đổi công việc giữa bạn và khách hàng để đưa ra kết quả đúng cho một cuộc tranh chấp. Vậy tại sao chúng ta lại phải tìm kiếm và sử dụng một bên thứ ba trong khi bạn cũng vẫn có thể nhắn tin và yêu cầu thanh toán theo từng mốc trên Freelancer.com?

Hãy cố gắng giữ liên lạc với khách hàng mọi lúc mọi nơi. Như mình luôn nói với các bạn, giao tiếp là chìa khóa để thành công trong lĩnh vực freelancing. Vì vậy, các bạn hãy chuẩn bị các phương án để duy trì kết nối tới khách hàng kể cả khi bạn không ở nơi làm việc của mình. Freelancer.com rất thấu hiểu điều này và nền tảng cũng đã cho ra mắt ứng dụng trên các thiết bị di động để bạn vẫn có thể trò chuyện với khách hàng khi đang di chuyển bên ngoài hoặc đi cà phê.

Có một điểm lưu ý mà bạn nên tránh đấy là đừng quá tham công tiếc việc. Việc bạn nhận nhiều dự án hơn để kiếm được nhiều tiền hơn cũng đồng nghĩa với việc giảm chất lượng chỉ để hoàn thành khối lượng công việc mà bạn đã nhận. Cách làm này có thể ảnh hưởng tới phản hồi của khách hàng và có thể làm tổn hại đến danh tiếng lâu dài của bạn trên nền tảng làm việc này.

Trước khi bắt đầu tham gia và chính thức làm việc trên bất cứ nền tảng nào chứ không chỉ Freelancer.com, các bạn cũng nên tìm hiểu kỹ các luật lệ trên nền tảng đó. Một số quy định chung mà bạn không nên thực hiện như không hoàn thành gói công việc đã nhận hay sử dụng những sản phẩm có bản quyền. Ngoài ra, có rất nhiều quy định khác đối với freelancer khi hoạt động trên nền tảng này. Bạn nên nghiên cứu kỹ và tránh để không bị ảnh hưởng đến công việc lâu dài của mình.

Cuối cùng, hãy luôn nỗ lực để công việc đạt kết quả tốt nhất trong tất cả các dự án mà bạn tham gia. Nếu việc cố gắng nỗ lực hết mình trong tất cả các dự án trở thành thói quen thì điều đó cuối cùng sẽ đồng nghĩa với việc bạn xây dựng được một thương hiệu đầy uy tín. Khách hàng sẽ tiếp tục quay lại với bạn và nguồn khách hàng của bạn sẽ được mở rộng hơn rất nhiều mà bạn không nhận ra.

Lời kết

Chúng ta đã đi qua hết những thông tin chung cũng như những điểm cần lưu ý khi bắt đầu sử dụng nền tảng Freelancer.com. Nhìn chung, việc khởi động sự nghiệp freelancer trên website này khá đơn giản về hình thức. Bạn có thể nhanh chóng đăng ký một tài khoản và bắt đầu tìm kiến công việc mà không mất nhiều thời gian. Nhưng cũng như những nền tảng khác, các bạn sẽ thấy khá khó khăn để cạnh tranh và kiếm được khách hàng ngay lúc đầu tiên. Một điểm lợi của Freelaner.com chính là các cuộc thi. Việc chăm chỉ tham gia các cuộc thi cũng là một cách để bạn từng bước tiến xa hơn trong cộng đồng này. Qua các cuộc thi, bạn có thể biết được trong thực tế, khách hàng mong muốn những gì. Thêm đó, bạn cũng có thêm được nhiều mối quan hệ có lợi cho công việc của bạn về sau.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>