Chào các bạn! Lại là mình đây. Sau bài viết hôm trước về Upwork, các bạn đã thử đăng kí tài khoản và hoàn thiện bộ hồ sơ cá nhân trên đó chưa? Mình mong là các bạn đã thử làm hết các khâu cơ bản này. Và sau đó, liệu các bạn đã gửi thử một vài chiếc proposal đi chưa nhỉ? Nếu các bạn gửi rồi mà đến vài hôm vẫn chưa nhận được công việc nào thì đó cũng là điều bình thường thôi. Đừng buồn và nản chí vội. Mình hiểu cảm giác đấy vì cũng đã từng trải qua rồi. Những ngày đầu tiên mà công việc chưa có tiền triển gì thì lo lắng cũng phải thôi mà. Nhưng các bạn có nhớ mình đã chia sẻ những gì hôm trước không? Bất kể freelancer nào khi mới tham gia nền tảng Upwork đều rất khó kiếm được công việc đầu tiên. Nhưng khi có được rồi thì sau đó công việc lại tiến triển rất thuận lợi. Thế nên, hôm nay mình ở đây để giúp các bạn. Dưới đây, mình đưa ra một số những tip nho nhỏ nhưng cũng là bí quyết mà mình đã rút ra được từ quá trình làm việc trên Upwork cũng như các nền tảng việc làm freelance khác. Để duy trì được công việc trên nền tảng Upwork lâu dài và trở thành một freelancer thành công, bạn cần làm những gì? Hãy cùng mình lướt qua đôi dòng dưới đây nhé.
1. Hãy tư duy như một vị khách
Khi bạn bắt đầu đăng ký tài khoản trên Upwork và xây dựng portfolio, bạn sẽ thấy rất khó để làm mình nổi bật lên trong nền tảng này. Thứ nhất, có rất nhiều các freelancer cũng cung cấp những dịch vụ như bạn. Thứ hai, bạn chưa có bất kể đánh giá của khách hàng cũ nào làm cơ sở để các khách hàng mới xem xét. Nhưng khi mà có hàng nghìn, hàng triệu các freelancer khác cùng làm việc trên Upwork, việc làm hồ sơ của bạn trở nên độc đáo có thể quyết định tới việc bạn có thu hút được khách hàng và nhận được công việc hay không. Một cách hữu hiệu nhất để làm được điều này chính là xây dựng hồ sơ đấu thầu hay còn gọi là lời offer công việc chính xác như những gì khách hàng mong muốn. Bằng cách phân tích kỹ lưỡng những mong muốn cụ thể của khách hàng đối với một dự án, bạn có thể tự mình lập chiến lược để có thể giải quyết những mong muốn của khách hàng một cách tốt nhất. Nếu bạn chịu khó đầu tư thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng mọi thứ, bạn có thể phù hợp với mục tiêu của khách hàng và khiến bản thân trở nên hấp dẫn đối với họ, đồng thời cũng loại bỏ được nhiều đối thủ cạnh tranh đấy!
2. Đưa ra mức thù lao phải chăng cho từng công việc
Đặt giá thầu cho dự án là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà các freelancer phải đối mặt, nhất là đối với các bạn mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường Upwork. Có rất nhiều freelancer mà mình biết đã rất vật lộn để đưa ra được một mức giá hợp lý. Đôi khi, họ sợ nếu đưa ra mức giá quá cao thì không thể cạnh tranh với các freelancer khác. Và vì thế, các freelancer thường có xu hướng đánh giá thấp dịch vụ của họ và đưa ra một mức giá rẻ hơn so với những gì họ cung cấp được cho khách hàng. Bạn có biết lời khuyên cho trường hợp này là gì không? Bạn hãy tự biết giá trị của mình! Cách tốt nhất để bạn đưa ra được mức giá đấu thầu phù hợp nhất đó là cân đối với ngân sách của khách hàng chứ không phải nhìn vào định giá của những freelancer khác. Hãy nhìn vào khách hàng của mình và thể hiện giá trị của mình với mức giá phù hợp và công bằng với cả hai bên.
3. Nâng cấp chất lượng công việc của bạn
Bạn đã có được giá chào thầu tốt và xứng đáng với dịch vụ của mình rồi. Bây giờ nhiệm vụ của bạn là làm cho công việc của mình thật nổi bật và xuất sắc. Đương nhiên, là một freelancer trách nhiệm, chắc chắn bạn sẽ hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất rồi. Nhưng để tiến xa hơn, bạn luôn cần phải nâng cấp hiệu quả công việc và đảm bảo rằng khách hàng của bạn sẽ hài lòng với kết quả công việc đó. Để làm được những điều này, bạn sẽ cần bổ sung thêm những kỹ năng mềm khác như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng kiểm soát chất lượng công việc tốt hơn hay có thể bạn cũng nên học thêm một kỹ năng mới gì đấy mà có thể sử dụng như một dịch vụ bonus trong gói công việc của bạn chẳng hạn. Hãy cố gắng cung cấp những gì tốt nhất cho khách hàng và cải thiện bất kể điều gì nhằm làm nổi bật dịch vụ của bạn trên Upwork.
4. Giao tiếp với khách hàng là chìa khóa thành công
Trong quá trình làm việc, chắc chắn sẽ có lúc bạn có những câu hỏi cần làm rõ với khách hàng của mình về dự án. Việc giữ liên lạc thường xuyên giữa bạn và khách hàng của bạn là điều cần thiết để đảm bảo rằng bạn có thể đáp ứng đúng những yêu cầu của khách hàng và cho ra được sản phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất. Việc giữ liên lạc cũng thể hiện mức độ chăm sóc khách hàng của bạn vô cùng tuyệt với vì nó thể hiện rằng bạn muốn hoàn thiện đúng công việc được giao và kiểm tra để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng. Khách hàng có thể nhận thấy được sự chu đáo của bạn đối với công việc cũng như hướng tới mối quan hệ hợp tác trong công việc lâu dài. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới việc bạn có giữ chân được khách hàng hay không, họ có tìm đến bạn trong những dự án tiếp theo hay không, và quan trọng nhất là bạn sẽ nhận được feedback như thế nào trên Upwork.
5. Hãy chắc rằng bạn sẽ nhận được những đánh giá tốt từ khách hàng
Như mình đã chia sẻ với các bạn trong bài viết Upwork 101, Upwork là một nền tảng đề cao những đánh giá của những khách hàng trước đó. Vì vậy, để có thể xây dựng uy tín và có được nhiều khách hàng hơn trên Upwork, bạn cần thu thập thật nhiều feedback tích cực từ những khách hàng của mình. Làm thế nào để nhận được chúng sao? Bạn hãy mạnh dạn hỏi khách hàng của mình thôi! Sau khi hoàn thành các công việc của bạn, hãy yêu cầu đánh giá từ khách hàng của bạn. Những vị khách đã làm việc quen trên Upwork sẽ luôn để lại cho bạn một feedback tốt sau mỗi dự án vì họ đã quen với việc đấy rồi. Nhưng nếu bạn nhắc họ một câu thì cũng có mất gì đâu phải không nào. Mình xin nhấn mạnh lại, feedback là cơ sở cần thiết để xác định uy tín của bạn đối với những khách hàng tương lai. Bằng cách thực hiện công việc có chất lượng tốt, giao tiếp thường xuyên và đặt giá thầu hợp lý, bạn sẽ có xác suất cao hơn để được khách hàng xếp hạng tốt trên Upwork.
Lời kết
Trên đây là một số tip nho nhỏ giúp các bạn nhanh chóng trở thành một freelancer thành công trên Upwork. Thực ra, chỉ cần các bạn chăm chỉ làm việc, có trách nhiệm, làm việc có chiến lược, bỏ công sức nghiên cứu tìm tòi một chút, chắc chắn bạn sẽ thành công thôi. Có thể đối với các bạn freelancer mới còn không biết nên triển khai công việc thế nào cho thuận lợi nhất sẽ rút ra được một số kinh nghiệm từ bài viết này. Còn các bạn freelancer lâu năm thì thấy sao? Có thể có những bạn còn nhiều kinh nghiệm hơn mình. Nhưng đôi lúc đọc những chia sẻ của một freelancer khác cũng giúp bạn có động lực hơn làm việc và tìm ra cách hoàn thiện công việc của mình hơn phải không? Mình mong những chia sẻ này sẽ phần nào đóng góp cho các bạn trên con đường sự nghiệp freelance. Hẹn các bạn ở một bài viết khác nhé!