Top 7 công việc freelance đơn giản dành cho các bạn mới bắt đầu

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

October 4

Xin chào các bạn! Lại là mình đây. Chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích về công việc freelancer rồi nhỉ. Chắc hẳn bây giờ các bạn đang cảm thấy rất ngưỡng mộ những freelancer lâu năm với mức thu nhập cao đúng không? Nhưng các bạn có biết rằng, để trở thành những người làm việc tự do với lối sống thoải mái mà vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình thì họ cũng đã bước những bước nhỏ lúc ban đầu như các bạn bây giờ thôi đấy. Chúng ta hãy cứ để “Top 8 công việc freelancer thu nhập cao nhất hiện nay” ở đây để làm mục tiêu phấn đấu cho bản thân. Còn hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn những công việc đơn giản nhất, kể cả bạn chưa có bất cứ kinh nghiệm hay định hướng gì khi bắt đầu sự nghiệp freelancer nhé.

1. Người viết văn tự do

Nghe tên gọi thì chắc các bạn thấy mông lung về công việc này lắm nhỉ, nhất là đối với các bạn không hay viết lách bao giờ. Nhưng tin mình đi, đây là công việc phổ biến nhất đối với những ai đang muốn bắt đầu trở thành một freelancer.

Lý do đầu tiên, bạn không cần phải có chứng chỉ hay bằng cấp gì khi ứng tuyển cho một dự án writing nào cả. Nhìn chung, khách hàng sẽ không đặt những tiêu chí liên quan đến bằng cấp lên hàng đầu đâu. Cái khách hàng quan tâm nhất là văn phong, cách phân chia bố cục bài viết và kết quả bài viết cuối cùng của bạn mà thôi. Để nắm được những thứ này, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu thông qua nhiều loại sách. Đọc các sản phẩm bài viết của những người có kinh nghiệm cũng là một cách để bạn học được những thứ hay ho và bồi dưỡng thêm kinh nghiệm cho bản thân.

Thứ hai, viết lách là một công việc phổ biến vì bạn có thể nhận viết cho nhiều thể loại, mục đích khác nhau. Khi lướt qua một trong những trang web việc làm freelancer phổ biến nhất, bạn có thể thấy đến hàng chục thể loại dịch vụ viết, có thể kể đến viết blog, viết đơn xin việc, viết luận văn nghiên cứu, viết quảng cáo sản phẩm, viết nội dung các post đăng mạng xã hội, viết kịch bản cho video, viết lời thoại podcast, viết miêu tả công việc hoặc viết tạp chí để xuất bản. Hãy chọn cho mình một loại hình viết mà bạn có hứng thú nhất. Và đương nhiên khi mới bắt đầu, bạn có thể đưa ra mức thù lao không quá cao nhưng những gì bạn thu lại được đó là kinh nghiệm, là danh tiếng nếu bạn muốn gắn bó với nghề này lâu dài.

Các loại hình dịch vụ viết cho freelancer

Vậy nên, bạn đừng chần chừ nữa. Nếu bạn còn đang băn khoăn không biết trở thành freelancer trong mảng nào, đây là một phương án vừa an toàn vừa rộng mở cho bạn nhé.

2. Freelancer chép lời audio/ video

Các bạn đã nghe đến công việc này bao giờ chưa? Chính xác thì nhiệm vụ của việc chép lời audio/ video là nghe tệp audio hoặc video và chuyển thể toàn bộ nội dung đó thành dạng văn bản. Bạn phải đảm bảo rằng nội dung, ngữ pháp và từ ngữ là chính xác. Vậy những ai sẽ cần sử dụng đến dịch vụ này. Từ kinh nghiệm và quan sát của mình, hầu hết những nhà nghiên cứu xã hội sẽ cần thuê người thực hiện hoạt động này sau khi họ thu thập được dữ liệu là các bản ghi âm cuộc phỏng vấn nghiên cứu. Hoặc có thể là các bác sĩ cần ghi chép lại chính xác những gì diễn ra hay quá trình trao đổi với bệnh nhân để lưu trữ và nghiên cứu thêm. Một đối tượng nữa thường hay sử dụng dịch vụ này đó chính là các luật sư. Mục đích chung của những khách hàng này là có được file văn bản của những trao đổi đã được nói ra để dùng các phương pháp phân tích định lượng phục vụ cho nghiên cứu của họ.

Vậy tại sao các khách hàng lại không tự làm những công việc đó nhỉ? Họ có mong muốn gì khi thuê những dịch vụ freelance như chúng ta? Các khách hàng trả tiền cho dịch vụ này vì nó đòi hỏi sự tập trung đến chi tiết cũng như tốc độ đánh máy nhanh. Đây là một công việc freelance rất phù hợp với bạn nào kiên nhẫn, tỉ mỉ, chú ý đến tiểu tiết cũng như có thể đánh máy nhanh và cẩn thận. Để chép lời audio/ video, bạn cũng có thể sử dụng những phần mềm hỗ trợ để tiết kiệm thời gian. Nhưng cuối cùng, chất lượng bản chép đó có chất lượng tốt hay không lại phụ thuộc vào độ cẩn thận của bạn. Ở Việt Nam, nhu cầu cho công việc này chưa hẳn là nhiều. Nhưng nếu bạn tìm kiếm trên thế giới, có rất nhiều nguồn công việc như vậy. Nếu bạn có khả năng tốt về ngoại ngữ, đây chính là cơ hội dành cho bạn.

Việc làm chép lời audio/ video

3. Nhân viên nhập dữ liệu

Công việc nhập dữ liệu rất phù hợp với một freelancer đang bắt đầu vì toàn bộ công việc đều được thực hiện tại nhà và trên máy tính hoặc laptop của bạn. Bạn cũng có thể sắp xếp thời gian và nhận làm những công việc này tùy lúc bạn muốn. Nhiệm vụ chính của công việc này chính là tìm kiếm và nhập dữ liệu trên một file Excel hoặc Google Sheets. Cũng khá giống với việc chép lời file âm thanh, bạn có thể hợp với công việc nhập liệu này nếu bạn là người có con mắt tinh tường nhanh nhạy. Bên cạnh đó, một tính cách để phù hợp với công việc này chính là không ngại làm những tác vụ lặp đi lặp lại. Công việc nhập dữ liệu có thể là một công việc khá nhàm chán vì bạn chỉ làm đi làm lại những thao tác y hệt nhau rất nhiều lần. Nhưng đây có thể coi là công việc dễ làm và dễ sinh lời nhất cho các freelancer mới vào nghề đấy. Bạn có thể tham khảo những mức giá cho các công việc nhập liệu freelancing ở đây.

Nhập dữ liệu freelance trên thế giới

Công việc freelance nhập dữ liệu ở Việt Nam

Các bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy tin tuyển dụng nhập liệu trong các nhóm việc làm cho freelancer trên Facebook. Nhưng mình có một lời khuyên nho nhỏ cho các bạn mới đấy là nên kiểm tra kỹ tính xác thực của công việc trước khi nhận làm một gói nhập liệu nào đấy nhé. Hoặc để an toàn hơn, các bạn nên tìm kiếm việc trên các trang web cho freelancer uy tín như Vlancer, Upwork (nếu bạn có ngoại ngữ tốt) hay tạo một dịch vụ trên Fiverr.

4. Quản lý hệ thống mạng xã hội

Nếu bạn là một người thích sử dụng Instagram, Facebook và Twitter thì việc trở thành người quản lý mạng xã hội sẽ là một trong những công việc tự do dễ dàng nhất dành cho bạn! Truyền thông qua mạng xã hội đang trở nên phổ biến hơn và nhiều doanh nghiệp đang thuê ngoài các dịch vụ này vì họ muốn tìm những nhân sự chuyên nghiệp trong mảng này. Thường những freelancer hoặc agency chuyên nghiệp trong công việc này sẽ đảm nhận quản lý mạng xã hội của nhiều bên. Như vậy, họ mới nhanh chóng xây dựng được kinh nghiệm làm việc thực tế trong việc quảng cáo truyền thông qua mạng xã hội đối với nhiều loại hình dịch vụ hay sản phẩm khác nhau. Đối với công việc này, bạn có thể chỉ cần tập trung vào một loại hình mạng xã hội thôi. Ví dụ như Facebook chẳng hạn. Đầu tiên, để trở thành một chuyên gia mạng xã hội Facebook bạn cần hiểu chuyên sâu về phương thức quảng cáo của Facebook Ads.

Quản lý chiến dịch quảng cáo Facebook

Công việc này không đòi hỏi quá nhiều thời gian đào tạo. Có lẽ, bạn chỉ cần bỏ ra một vài tháng để tìm hiểu từ những người đi trước. Sau đó, bạn có thể tự mầy mò thêm và thực tập thử với nó. Điều thú vị hơn cả là công việc này có thể được thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại. Nó đồng nghĩa với việc bạn có thể tự do thoải mải đi du lịch, đi cafe với bạn bè mà vẫn có thể hoàn thành công việc được. Bạn có thể nhận những job về quản lý Facebook Ads theo chiến dịch ngắn trước đã. Nếu ổn, bạn có thể nhận những dự án dài hạn hơn hoặc những chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội có giá trị lớn hơn để gia tăng uy tín của mình.

5. Dịch giả tự do

Bây giờ, chúng mình cùng đến với một công việc có yêu cầu cao hơn một chút nhé. Công việc này dành cho những bạn nào có thế mạnh về ngoại ngữ. Bạn có thể phát huy thế mạnh sở trường của mình thông qua công việc dịch thuật tự do. Chắc ai trong số chúng ta cũng đều đã từng làm hoặc biết đến công việc này phải không, nhất là dân ngoại ngữ. Nhưng lúc trước, có lẽ các bạn chỉ làm với tư cách là cộng tác viên với một bên nào đó. Còn bây giờ, để đúng nghĩa là một freelancer, có lẽ bạn sẽ nên tìm kiếm công việc với một khách hàng trực tiếp và tự mình đàm phán các yêu cầu cũng như mức thù lao cho dịch vụ dịch thuật mà bạn cung cấp. Để tìm được những công việc kiểu này không hề khó chút nào. Bạn có thể tham khảo những trang web việc làm freelancer mà mình đã chia sẻ ở bài viết Freelancer 101 này để xem thị trường dịch thuật freelance đang đa dạng thế nào nhé.

Freelancer dịch thuật

Công việc dịch thuật freelance cho người mới bắt đầu

Cũng giống như công việt viết lách, có rất nhiều chủ đề, lĩnh vực để dịch. Chúng ta có thể kể đến dịch thuật trong y tế, thiết kế, công nghệ, nghiên cứu học thuật, kinh doanh và vô vàn các topic khác. Các khách hàng nhiều khi có mong muốn bạn đã có kinh nghiệm dịch một mảng gì đó. Nhưng cũng có những khách hàng chấp nhận thuê dịch vụ từ một người mới chưa có kinh nghiệm gì. Đó chính là cơ hội để bạn thử sức trải nghiệm và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Mình mong các bạn sẽ tìm kiếm được và biết nắm bắt những thời cơ như vậy.

6. Trợ lý ảo

Tiếp tục, hôm nay chúng ta sẽ đi tìm hiểu một công việc freelancer khá mới mẻ ở Việt Nam. Có một công việc freelance được gọi là Trợ lý ảo. Nhiều người sẽ nghĩ về công việc làm trợ lý ảo như một thư ký. Thực ra, nó có thể đúng trong một số trường hợp bởi vì các tác vụ được thực hiện bởi trợ lý ảo có phạm vi rất lớn và đó là bất cứ thứ gì khách hàng của bạn cần: từ quản lý lịch trình của họ, email của họ, mạng xã hội, một số thậm chí còn thực hiện các hoạt động liên quan đến kế toán. Vì vậy, bạn càng đa nhiệm, bạn càng phù hợp. Cũng giống như các công việc freelance khác, một trợ lý ảo tự do có thể làm việc với nhiều khách hàng khác nhau, miễn sao họ đảm bảo được chất lượng và tiến độ công việc theo yêu cầu.

Trên các website việc làm freelance uy tín, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các job trợ lý ảo uy tín. Các bạn có thể xem ở đây nhé. Bạn chỉ cẩn chuẩn bị một chiếc laptop, điện thoại và kết nối mạng ổn định là có thể đáp ứng tốt công việc này rồi.

Freelancer trợ lý ảo ở Việt Nam

Bạn sẽ có được kinh nghiệm gì từ công việc này? Đến từ yêu cầu thiết yếu của vị trí này, một trợ lý ảo cần phải biết sắp xếp công việc và thời gian một cách khoa học, hiệu quả. Tiếp theo, họ còn phải đa nhiệm. Tức là có thể hoàn thành các loại tác vụ khác nhau và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Đây chính là cơ hội để bạn rèn luyện tính khoa học kỷ luật cần có để trở thành một freelancer thành công.

7. Freelancer chỉnh sửa ảnh

Đây cũng là công việc cuối cùng mình muốn nói đến trong bài viết này. Công việc này có vẻ đặc thù hơn những công việc trên vì nó yêu cầu các bạn có một chút hiểu biết và kinh nghiệm liên quan đến việc chỉnh sửa ảnh. Công việc freelancing này khác với nhiếp ảnh gia đấy các bạn nhé. Có rất nhiều nhiếp ảnh gia chỉ làm nhiệm vụ chụp ảnh. Sau đó, họ thuê một cá nhân freelancer nào đó làm công tác chỉnh sửa ảnh cho họ. Hoặc các bên tạp chí hay công ty quảng cáo cũng cần có một người chỉnh sửa ảnh sao cho phù hợp với nội dung ấn phẩm trước khi họ xuất bản hoặc in ấn sản phẩm. Nếu bạn là một freelancer mới, công việc này sẽ hợp với bạn vì bạn sẽ không mất tiền đầu tư quá nhiều thiết bị như một nhiếp ảnh gia. Bạn chỉ cần sử dụng những phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop hoặc Gimp. Đôi khi, các bạn còn có thể tận dụng những nền tảng online như Canva hoặc Pixlr nữa nhé. Ban đầu, các bạn có thể nhận những công việc dễ dàng. Dần dần, khi có kinh nghiệm hơn rồi, bạn có thể chuyên môn hoá công việc chỉnh sửa ảnh trong những mảng đặc thù như chỉnh sửa ảnh thời trang hay chỉnh sửa ảnh cho giao diện web.

Lời kết

Trên đây, chúng ta đã đi qua 7 công việc freelance phù hợp nhất cho các bạn mới bắt đầu. Mục đích của mình khi list ra các công việc này nhằm phù hợp với những bạn còn chưa biết bắt đầu làm freelance trong mảng công việc nào. Tất cả các job kể trên đều không yêu cầu quá nhiều về mặt kinh nghiệm, học vấn, thời gian hay thiết bị làm việc. Vậy nên, các bạn có thể trải nghiệm với việc làm freelancer bán thời gian trước khi quyết định trở thành một freelancer fulltime. Hơn nữa, tất cả các công việc hôm nay mình nhắc đến đều có một điểm chung. Chúng đều là những cơ hội để bạn tiếp cận với nhiều kiến thức hơn. Việc nghe chép file audio, nhập dữ liệu, dịch thuật hay làm trợ lý ảo đều giúp bạn tiếp cận với kiến thức, thông tin và có cái nhìn thực tế hơn về một ngành nghề chuyên biệt nào đấy. Bạn hãy lấy đó làm cơ hội để định hướng bản thân thực sự thích gì để phát triển bản thân trở thành freelancer trong ngành nghề đó. Cuối cùng, mình chúc các bạn sẽ có khoảng thời gian trải nghiệm tốt và tìm ra được lối đi cho riêng mình!

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>