Freelancer 101 – Tất tần tật về nghề freelancer mà bạn cần biết và làm thế nào để bắt đầu

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

September 14

Cho đến tháng 6 năm 2022, ước tính có khoảng 20 triệu freelancer trong phân khúc có tay nghề cao trong khu vực Đông Nam Á. Còn ở Việt Nam, ngày càng nhiều người lựa chọn làm việc tự do, nhất là gen Y (những người sinh từ năm 1976 đến 1995). Bạn đã bao giờ nghe tới khái niệm công việc này chưa? Freelancing là một xu hướng nghề nghiệp được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây bởi những lợi thế và sự không giới hạn so với những công việc toàn thời gian truyền thống trước kia. Nhưng liệu trở thành một freelancer làm việc tự do có phải luôn thuận lợi, suôn sẻ như bạn nghĩ? Nếu các bạn muốn bắt đầu với sự nghiệp trở thành một freelancer chuyên nghiệp, chúng ta hay cùng tìm hiểu nhé!

Freelancer là gì? Freelance là gì?

Freelancer là một người làm việc tự do. Freelance là một dạng nghề nghiệp mô tả tính chất công việc của các freelancer hay những người làm việc tự do. Nếu như một người công nhân phải làm việc cố định trong một nhà máy xí nghiệp hay một nhân viên văn phòng làm việc cố định cho một công ty tại công sở trong một khung thời gian cố định 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần thì một freelancer lại không bị bó buộc về không gian, thời gian làm việc cũng như công ty mà anh ấy/cô ấy làm việc. Thay vì làm việc cho một công ty, những người làm việc tự do có xu hướng tự làm chủ, cung cấp dịch vụ của họ trên cơ sở hợp đồng hoặc dự án. Các công ty thuộc mọi loại hình và quy mô có thể thuê freelancer để hoàn thành một dự án nào đó, nhưng các công ty đó không có trách nhiệm đóng thuế, bảo hiểm y tế, lương hưu và các khoản đóng góp cá nhân khác cho một freelancer.

Freelancer - Freelancing là gì?

Hiện nay, có rất nhiều loại công việc tự do, nhưng các freelancer có xu hướng là những người lao động tri thức có trình độ cao về kỹ năng và kiến thức trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như nhà thiết kế, nhà văn, lập trình viên, dịch giả, quản lý dự án. Những freelancer này có xu hướng dựa vào internet để thực hiện công việc của họ. Tuy nhiên, có một nhóm khác gồm các freelancer thường được phân loại là “gig workers” hoặc “các nhà thầu độc lập”. Người dọn dẹp, công nhân xây dựng và nhân viên lái xe sẽ thuộc loại này.

Vì họ làm việc cho chính họ, các freelancer cũng phải tự trang trải và sắp xếp các khoản chế độ mà một người lao động bình thường được hưởng như nghỉ lễ và nghỉ phép. Đồng thời, những người lao động tự do có thể tự sắp xếp giờ làm việc và công việc phù hợp với lối sống của họ.

Lợi ích gì khi trở thành một freelancer?

Với số lượng người làm nghề tự do đang tăng lên hàng năm, nhiều người cho rằng quyết định làm freelancer là một thay đổi tích cực trong cuộc đời. Dưới đây là một số lợi thế thường được nhắc đến khi từ bỏ công việc cố định và trở thành một freelancer.

Linh hoạt quyết định làm việc như thế nào, khi nào và ở đâu

Một trong những đặc quyền lớn nhất của việc trở thành freelancer là bạn không phải xin phép bất kỳ ai để làm việc ở nhà, bắt đầu làm việc muộn hoặc làm việc trong khi bạn đi du lịch. Bạn được tự quyết định giờ làm việc của mình và bạn cũng được chọn nơi làm việc. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể làm việc nhiều hay ít tùy ý, và bạn có thể chọn những dự án có ý nghĩa đối với mình. Những người lao động tự do có thể tập trung vào công việc mình yêu thích mà không bị phân tán bởi công việc toàn thời gian như các cuộc họp và các vấn đề khác trong văn phòng.

Tự quyết định mức thu nhập

Là một freelancer, bạn không cần phải yêu cầu sếp của bạn tăng lương. Trái lại, bạn có thể tự quyết định mức thu nhập của mình. Bạn có thể chọn mức độ công việc bạn muốn đảm nhận tương ứng mức thu nhập mà mình sẽ kiếm được. Một freelancer cũng giống như một nhà thầu độc lập, bạn có toàn quyền quyết định mức giá hay thù lao mong muốn khi chào giá dịch vụ của mình cho khách hàng. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể đàm phán về mức thù lao của mình dựa trên kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân. Nhìn chung thì đại đa số freelancer nhận thấy rằng họ có thể tăng thu nhập của mình theo thời gian khi họ làm nhiều việc hơn và có được danh tiếng tốt hơn.

Động lực lớn lao để phát triển bản thân mỗi ngày

Làm việc tự do có nghĩa là bạn đảm nhận các dự án khác nhau từ nhiều khách hàng. Mỗi dự án mang lại một cái gì đó mới cho bạn và tạo cơ hội để mở rộng kỹ năng của bạn. Bạn có thể sẽ thấy mình học được những điều mới khi bạn làm việc. Đối với công việc toàn thời gian truyền thống, bạn có thể cảm thấy trì trệ hơn vì không phải lúc nào cũng có thể liên tục học hỏi và phát triển. Làm việc tự do mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn. Là một freelancer, bạn có thể chọn cách thức, thời điểm để nâng cao chuyên môn của mình thay vì chờ đợi khóa đào tạo hàng năm của công ty. Nhiều khóa học và cơ hội trực tuyến có sẵn ở đó, và bạn có thể tự do dành thời gian cho những khóa học này khi bạn thấy phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể chủ động tìm tòi, học hỏi và trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng mới thông qua các nguồn tài nguyên gần như vô tận trên internet chẳng hạn như Youtube. Những hiểu biết và kỹ năng mới sẽ phục vụ cho công việc của bạn, giúp bạn mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, và cuối cùng giúp bạn gia tăng thu nhập. Tóm lại, khi là một freelancer bạn có cơ hội và động lực để phát triển bản thân mỗi ngày và qua mỗi dự án, và điều này là vô giá.

Một số hạn chế khi trở thành freelancer

Những freelancer sẽ làm gì khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch? Điều quan trọng là phải nhận thức được một số tình huống kém thuận lợi mà bạn có thể gặp phải nếu quyết định trở thành một freelancer, để bạn có thể chuẩn bị cho mình và thực hiện các bước cần thiết.

Ảnh minh họa: Những khó khăn mà các freelancer thường gặp

Freelancer sẽ chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình


Bất cứ khi nào bạn gặp vấn đề với khách hàng, nhận được khiếu nại hoặc đối mặt với việc không được thanh toán, bạn sẽ không có hỗ trợ về mặt pháp lý hoặc nhân sự. Việc tự giải quyết những vấn đề này đôi khi có thể khiến bạn kiệt sức. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ của những vấn đề này là ký hợp đồng làm việc tự do trước khi giao dịch với khách hàng mới hoặc nhận bảo hiểm cho người làm nghề tự do. Tham gia hiệp hội những người làm nghề tự do cũng có thể là một cách tuyệt vời để tiếp cận sự hỗ trợ từ bên ngoài và các nguồn hữu ích.

Đôi lúc, làm việc tự do có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn


Nếu bạn làm việc ở nhà mọi lúc và ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, bạn có thể cảm thấy cô đơn rất nhanh. Mọi người có xu hướng gặp khó khăn nhất khi họ phải đối mặt với những thách thức kinh doanh và phải gánh vác mọi trách nhiệm một mình. Để vượt qua những cảm giác tiêu cực này, ngày càng có nhiều freelancer tham gia các không gian làm việc chung (coworking space). Không gian làm việc chung cho phép những freelancer thoát khỏi sự cô lập và tách biệt cuộc sống gia đình của họ với cuộc sống công việc. Các nhóm kết nối mạng là một cách khác để các freelancer gặp gỡ những người cùng chí hướng từ các cấp độ chuyên môn khác nhau, mang đến cơ hội học hỏi, chia sẻ và tạo các mối quan hệ kinh doanh mới.

Nguồn thu nhập từ freelancing sẽ có lúc không ổn định


Khối lượng công việc và thu nhập của bạn có thể thay đổi theo từng tháng và có thể khó dự đoán, đặc biệt là trong giai đoạn đầu kinh doanh của bạn. Thu nhập dao động lớn có thể gây khó khăn cho việc thiết lập và ổn định ngân sách. Trừ khi bạn có một kế hoạch quản lý để đảm bảo doanh thu hàng tháng định kỳ. Việc cố định các khoản thanh toán thường xuyên có thể là một thách thức. Phản hồi từ khách hàng là rất tốt nhưng điều đó thường không đồng nghĩa với việc có thêm thêm thù lao về mặt tài chính. Thu nhập hàng tháng của bạn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khối lượng công việc bạn quản lý cũng như thiện chí từ khách hàng của bạn!

Tại sao freelancing đã, đang và sẽ trở thành trào lưu/ xu thế trên thế giới?

Theo số liệu thống kê của Statisca từ năm 2017 tới 2028 cho thấy sự tăng trưởng đều đặn và liên tục lực lượng lao động là các freelancers. Hiện tại chỉ tính riêng tại Mỹ đã có khoảng hơn 73 triệu freelancer. Vậy điều gì đã làm nên sự gia tăng trong số lượng người chọn làm freelancer?

Number of Freelancer in the US (Source: Statista)

Công nghệ mới giúp kết nối nhanh hơn và hiệu quả hơn

Các công nghệ mới giúp việc tìm kiếm công việc theo dự án trở nên dễ dàng hơn. Các nền tảng freelance như Upwork và Fiverr tồn tại với mục đích duy nhất là kết nối các công ty, cá nhân, và nhà tuyển dụng với các freelancer tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất Những nền tảng này giúp 50% freelancer có thể tìm thấy các dự án mới trong ba ngày hoặc ít hơn, trong khi 25% các freelancer có thể tìm được việc trong vòng ít nhất là 24 giờ.

Một lối sống và làm việc mới đã xuất hiện

Một trong những lý do khác cho sự tăng trưởng của ngành freelancing đó chính là đại dịch COVID-19. Theo số liệu của Career Outlook năm 2019, 69% chuyên gia sẵn sàng làm việc tự do hoặc hợp đồng. Con số này đã được tăng lên so với 62% vào năm 2018. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, thị trường việc làm trên toàn cầu đã thay đổi hoàn toàn. Với cuộc sống và công việc kinh doanh bị đảo lộn, thị trường việc làm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cùng với bóng tối, một tia hy vọng xuất hiện và làm việc từ xa được coi như một vị cứu tinh cho mọi loại hình kinh doanh. Các động lực thay đổi đã xóa mờ những rào cản lâu đời đối với việc sắp xếp công việc linh hoạt. Những người thuộc vào nhóm nhân sự bị cắt giảm trong đại dịch đã tìm ra cách mới và có vẻ thú vị hơn cho cuộc sống của họ. Giờ đây, rất nhiều công việc và loại hình công việc khác nhau được hoàn thành bởi những freelancer làm việc từ xa tới nửa vòng trái đất, mang lại một phong cách làm việc mới hiệu quả hơn, thú vị hơn, cởi mở và tự do cùng với một lối sống phong phú và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Covid-19 như một cú hích thúc đẩy sự chuyển dịch về cách thức chúng ta sống và làm việc nhanh hơn, mạnh mẽ hơn hơn bao giờ hết.

Giải pháp nhân lực chứng minh tính hiệu quả cao

Sự linh hoạt liên quan đến công việc tự do cũng mang đến những cơ hội mới cho các nhà tuyển dụng. Các yêu cầu của dự án ngày càng phát triển, các yêu cầu theo mùa trong công việc, hoặc các dự án hoặc triển khai ngắn hạn chỉ là một vài lý do tại sao các nhà tuyển dụng nhận thấy giá trị của việc thuê một freelancer. Thay vì sử dụng một nhân viên toàn thời gian, thuê một freelancer tạm thời có thể là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Có đến 70% các doanh nghiệp ở Mỹ đã sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi các freelancer. Trong số đó, 81% các doanh nghiệp đó có kế hoạch thuê freelancer trong những lần tiếp theo. Ngoài ra 83% các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ của freelancer đều đồng ý cho rằng các freelancer đem lại lợi ích lớn và giúp đỡ rất nhiều cho doanh nghiệp của họ.

Tiềm năng thu nhập và con đường phát triển khi trở thành một freelancer

Okay, chúng ta đã có hiểu biết nhất định về nghề freelancer, tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu tiềm năng thu nhập khi trở thành một freelancer nhé. Liệu thu nhập trong nghề này và tiềm năng phát triển của nó có đáng để chúng ta theo đuổi như một sự nghiệp lâu dài hay không?

Nhìn chung, tại hầu hết các quốc gia thì những người làm freelancer kiếm được nhiều tiền hơn người lao động trung bình. Nghiên cứu trước đây của Upwork đã chỉ ra rằng 60% người làm nghề tự do đã rời bỏ công việc toàn thời gian để trở thành người làm nghề tự do kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc trước đây của họ.

Theo kinh nghiệm bản thân và quan sát của mình thì tiềm năng thu nhập của một freelancer là không giới hạn. Nói không giới hạn là bởi với đặc tính của nghề freelancer chúng ta hoàn toàn có thể tự quyết định mức thu nhập mà chúng ta kiếm được. Giới hạn ở đây chỉ là kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, khả năng đảm nhận khối lượng công việc, và thời gian dành cho công việc của bạn mà thôi. Tất nhiên là mức thu nhập sẽ có sự phân hóa theo các lĩnh vực khác nhau, nhưng về cơ bản, thu nhập của một freelancer sẽ tăng theo thời gian khi chúng ta tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng lực, tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng và gây dựng được một danh tiếng nhất định. Nếu như khi mới bắt đầu các bạn có thể kiếm được vài chục vài trăm đô mỗi tháng thì con số này có thể lên tới nhiều ngàn khi bạn trở thành một freelancer dày dạn kinh nghiệm ở tầm chuyên gia, đặc biệt đối với những lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao như IT, lập trình, luật, blockchain,…

Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể về mức thu nhập của một số freelancer người Việt chúng ta.

Không rõ liệu những con số trên có đủ hấp dẫn với bạn hay không, còn đối với mình thì mình thực sự ấn tượng với mức giờ công cũng như khoản thu nhập mà các freelencer này kiếm được. Đây chính xác là một trong những công việc trong mơ đối với nhiều người Việt chúng ta phải không nào? Còn gì hơn khi chúng ta kiếm đô la ngay trên chính quê hương mình một cách ung dung, tự do tự tại như vậy mà lại là nhiều đô, rất nhiều nữa. Tuyệt vời phải không các bạn?

Okay, cứ cho là tiềm năng thu nhập là không giới hạn đi. Điều tiếp theo chúng ta quan tâm là khả năng phát triển sự nghiệp freelancing thì sao?

Một khi đã tích lũy được kinh nghiệm và danh tiếng nhất định chúng ta sẽ không khó để nhận ra giá trị của bản thân mình. Và tin vui là khách hàng tiềm năng cũng sẽ đánh giá cao chúng ta cũng như mong đợi sự giúp đỡ của chúng ta. Họ sẽ mời chúng ta làm việc trong các dự án của họ. Bạn sẽ nhận được rất nhiều lời mời làm việc, rất nhiều đấy. Khi đó, một sự thật vui vẻ là chúng ta sẽ không nhận hết việc và đâu đó chúng ta bị ngợp. Bạn sẽ có quyền lựa chọn dự án nào hay khách hàng nào mình muốn tham gia và làm việc cùng, và bạn chính là một freelancer ở tầm chuyên gia thực thụ. Sẽ có nhiều hướng đi mới để bạn có thể mở rộng phát triển sự nghiệp freelancing của mình, và một trong số đó là thành lập một agency. Có thể bạn chưa biết, đa số các agency đều được thành lập và phát triển bởi một hay một nhóm freelancer thâm niên trong lĩnh vực của mình. Từ đây, các bạn xây dựng đội ngũ, xây dựng công ty và mở rộng phát triển thành một business thực sự. Một đại dương mênh mông sẽ ở ngay trước mắt cho con tàu agency của bạn ra khơi và chinh phục.

Tôi có phù hợp làm freelancer hay không?

Bạn có phù hợp để trở thành một freelancer không?

Okay, như vậy là bạn đã có một vốn hiểu biết kha khá về nghề freelancer cũng như tiềm năng thu nhập mà nó mang lại. Câu hỏi dành cho bạn là “Liệu tôi có phù hợp làm freelancer hay không?” Thực ra, có nhiều định nghĩa về việc trở thành một freelancer hay người làm việc tự do và bạn nên dành thời gian để tìm hiểu xem freelancing có dành cho mình hay không. Bạn có thể tự đánh giá một chút về bản thân xem mình có phù hợp với công việc này không nhé.

  • Bạn thích tự quản lý? Tự do có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Một số công nhân thích được “quản lý” bởi những người khác, như một cách để giải phóng bản thân cho những công việc mà họ yêu thích. Nhưng nếu sở thích của bạn là sự độc lập đi kèm với việc quản lý bản thân, bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để trở thành một freelancer thành công.
  • Bạn đang tìm kiếm sự cải tiến? Nếu bạn thường xuyên hình dung ra cách cải thiện quy trình và sản phẩm, thì việc trở thành một người làm việc tự do có thể mang  đến cho bạn cơ hội để đưa những ý tưởng của bạn thành hành động.
  • Bạn có chuyên môn? Sử dụng sở thích và kiến thức chuyên môn của bạn để xây dựng nền tảng nghề nghiệp là rất phù hợp với một freelancer - đặc biệt nếu bạn có thể tận dụng các kỹ năng của mình để đáp ứng nhu cầu của một thị trường chưa có nhiều người cung cấp dịch vụ đó.
  • Bạn có thể thực hiện các dự án phụ bên cạnh công việc chính? Mặc dù công việc tự do có thể là một nguồn thu nhập chính tuyệt vời, nhưng nó cũng có thể là một nguồn thu nhập phụ tuyệt vời nếu bạn đang tìm kiếm thêm thu nhập. Bạn có thể tiến một bước xa hơn trên con đường làm việc tự do bằng cách làm việc để biến “lợi ích phụ” của bạn thành một sự nghiệp tự do toàn diện.
  • Bạn là một người đàm phán giỏi? Đàm phán là một phần tất yếu của việc trở thành một freelancer và là chìa khóa để bạn nhận được mức thù lao tương xứng cho công việc của mình. Tất nhiên, giỏi đàm phán là một kỹ năng có thể học được, vì vậy đừng bao giờ lo sợ nếu bạn vẫn đang học hỏi. Đàm phán mức lương cho công việc tự do đòi hỏi một cách tiếp cận hơi khác so với đàm phán mức lương và lợi ích cho một công việc truyền thống.

Chuẩn bị những gì để trở thành một freelancer thành công?

Okay, giả sử rằng bạn phù hợp với nghề freelancer. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì để trở thành một freelancer thành công và nên bắt đầu như thế nào?

Xác định mục tiêu của bạn

Hãy bắt đầu với lý do tại sao bạn muốn bắt đầu làm việc tự do. Mỗi ngày, bạn sẽ cần phải thúc đẩy bản thân tìm kiếm khách hàng và làm công việc đặc biệt cho họ - và bước đầu tiên là hiểu “lý do tại sao” của chính bạn. Lý do tại sao bạn muốn trở thành một freelancer sẽ là kim chỉ nam cho việc bạn có thành công hay không. Làm freelancer bán thời gian hoặc như một công việc phụ là một cách tuyệt vời để bắt đầu. Khi có ít áp lực hơn để tạo ra thu nhập ngay lập tức, bạn có thể suy nghĩ kỹ hơn về loại công việc bạn làm và khách hàng mà bạn làm cùng.

Chọn kỹ năng thế mạnh để bạn có thể bắt đầu ngay

Cho dù bạn đang lên kế hoạch để trở thành một freelancer toàn thời gian hay bán thời gian thì sự nghiệp freelancing của bạn đều sẽ được xây dựng dựa trên những kỹ năng độc đáo mà bạn có thể cung cấp cho khách hàng. Những kỹ năng đó là tài sản lớn nhất của bạn. Vì vậy, bạn cần xác định các kỹ năng khác nhau mà bạn đã xây dựng trong nhiều năm mà người khác có thể không có và muốn trả tiền cho bạn để sử dụng. Kỹ năng của bạn không chỉ giới hạn ở những gì bạn được trả tiền để làm. Vượt xa những thứ đó là những thứ bạn đã tự học hoặc thậm chí là sở thích của bạn. Hãy suy nghĩ về mọi thứ và tạo ra danh sách các kỹ năng ấy. Tuy nhiên sau cùng, bạn vẫn phải tìm hiểu và chọn ra một số kỹ năng nhất định mà có tiềm năng với cả bạn thân bạn và nhu cầu của thị trường lao động.

Xác định tệp khách hàng của bạn

Khi bạn đã xác định được các kỹ năng sẽ mang lại lợi nhuận và thú vị nhất cho mình, đã đến lúc suy nghĩ xem ai sẽ trả tiền cho bạn để sử dụng chúng. Hãy nghĩ về những kỹ năng bạn đã chọn để bắt đầu kinh doanh tự do. Ai cần kiểu hỗ trợ đó? Và ai là người mà bạn muốn làm việc với những người cần sự giúp đỡ đó? Ví dụ bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, tổ chức phi lợi nhuận, nhà hàng. Cuối cùng, tương tự như ở trên, bạn hãy liệt kê danh sách những khách hàng tiềm năng mà bạn muốn làm việc cùng. Bước đầu tiên để thực sự làm việc với những khách hàng mơ ước của bạn là nhận ra rằng bạn muốn làm việc với họ. Sau đó, theo thời gian, bạn có thể xây dựng danh tiếng và các mối quan hệ giúp bạn đạt được điều đó.

Định giá cho dịch vụ của bạn

Khi bạn đã xác định rõ ràng dịch vụ và thị trường mục tiêu của mình, đã đến lúc bạn phải đặt ra mức giá. Mục tiêu là tối đa hóa số tiền bạn được trả mà không bị mất đi các cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách xem xét các đối thủ cạnh tranh của bạn trên thị trường. Họ tính phí gì cho các dịch vụ freelancing tương tự? Mức giá cho dịch vụ của bạn nên được tính theo giờ hoặc theo từng dự án mà bạn sẽ nhận làm.

4 cách để bắt đầu trở thành một freelancer


Okay, sau khi đã hình dung về công việc freelancer cũng như chuẩn bị những điều cần thiết để trở thành một freelancer thành công thì bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu xem chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào nhé. Dưới đây mình chia sẻ 4 cách bắt đầu để bạn có thể gia nhập được ngay cộng đồng những người làm việc tự do.

Chuyển đổi công việc văn phòng hiện tại sang hình thức làm việc từ xa (remote job)

Đây đơn giản chỉ là sự chuyển đổi cách thức bạn làm việc. Bạn có thể thỏa thuận với công ty mình đang làm việc để thực hiện công việc hiện tại của mình với danh nghĩa là một chuyên gia hay một nhà thầu độc lập thay vì là nhân viên của công ty. Với hình thức này thì bạn sẽ làm việc tại nhà (hoặc bất kể đâu bạn muốn), còn công việc và giao tiếp thì chủ yếu qua mạng internet. Bạn có thể đàm phán phạm vi công việc, mức thù lao (được trả cố định hoặc theo kết quả công việc dựa trên giá trị làm lợi cho công ty).

Làm thế nào để trở thành một freelancer?

Tìm kiếm công việc từ xa từ mạng lưới quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và gia đình

Với cách này, chúng ta sẽ sử dụng các trang mạng xã hội để post lên tường của mình thông điệp về tìm kiếm công việc từ xa trong lĩnh vực chuyên môn của mình, và sau đó xem những ai sẽ liên hệ bạn để vời bạn về team của họ. Zalo, Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, LinkedIn, đó là các mạng xã hội phổ biến hiện nay mà bạn có thể tận dụng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tiếp cận trực tiếp mạng lưới quan hệ của mình. Mời họ ăn trưa hay cafe và hỏi họ xem họ có biết ai hay công ty nào đang cần người với chuyên môn của bạn hay không. Chìa khóa ở đây là hỏi và hỏi, truyền đi thông điệp, hình ảnh và thương hiệu cá nhân của bạn.

Tìm kiếm công việc làm việc từ xa qua trung gian

Nếu 2 cách trên vẫn chưa giúp được bạn có được công việc từ xa như ý muốn thì các bạn có thể sử dụng các website việc làm từ xa hoặc qua các nền tảng freelance. Hiện tại, theo tìm hiểu của mình thì mình chưa thấy một sàn việc làm từ xa nào trong nước, thế nên nếu bạn nào có khả năng ngoại ngữ tốt và tự tin với kỹ năng nghề nghiệp của mình thì dưới đây mình liệt kê top 1 số nền tảng của nước ngoài cho các bạn tham khảo và thử sức.


- FlexJobs
Dynamite Jobs
- Virtual Vocations (dành riêng tại Mỹ)
- AngelList
- Remote.co
- We Work Remotely

Tìm kiếm công việc freelance qua các nền tảng freelance

Các nền tảng freelance như Upwork và Fiverr đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các công ty, cá nhân, và các nhà tuyển dụng với các freelancer trong nhiều lĩnh vực khác nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là những nguồn tìm việc khó có thể bỏ qua dành cho bất cứ ai muốn bước chân vào nghề freelancer làm việc tự do. Những nền tảng này giúp 50% freelancer có thể tìm thấy các công việc freelance mới trong ba ngày hoặc ít hơn, trong khi 25% các freelancer có thể tìm được việc trong vòng ít nhất là 24 giờ. Dưới đây mình liệt kê top những nền tảng freelance hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới.


- Fiverr.com
- Upwork.com
- Freelancer.com
- FreeUP.net
- 99designs.com (chuyên lĩnh vực design)
- Vlance.vn (sàn freelance số 1 Việt Nam)
- Freelancerviet.vn

Tìm công việc freelancing ở đâu?

Lời kết

Những chia sẻ trên đây có lẽ là những bước đầu tiên cơ bản nhất để bạn có thể bắt đầu một công việc tự do. Bạn có thể thử sức mình ở một vài công việc đầu tiên và tìm ra hướng phát triển phù hợp với bản thân với tư cách là một freelancer. Sẽ có rất nhiều bước tiếp theo để hiện thực hóa một công việc tự do. Điều quan trọng nhất khi bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp freelancing là các bạn có cái nhìn đúng đắn về công việc này, những lợi ích và những khó khăn mà bạn sẽ phải đương đầu. Làm việc tự do có nghĩa là bạn có quyền được chọn lựa những thứ mình thực sự yêu thích và được làm chúng hằng ngày. Vậy nên, bạn hãy tự hỏi chính bản thân mình để xác định được những điều cốt lõi và trang bị cho mình những hiểu biết đúng đắn nhất để trở thành một freelancer thành công nhé. Chúc các bạn sớm gặt hái được thành công và có được một lối sống phong phú và thú vị khi trở thành một freelancer!

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>