Top 7 nền tảng freelancer phổ biến nhất hiện nay (trong nước và quốc tế)

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

September 17

Khi bắt đầu sự nghiệp freelancing của mình, có lẽ hầu hết dân freelancer chúng mình đều thừa nhận rằng việc tìm kiếm khách tiềm năng trên các nền tảng freelancer là vô cùng nhanh chóng và thuận tiện. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn về các nền tảng giao dịch công việc cho freelancer được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa. Bài viết của mình hôm nay chủ yếu giới thiệu tổng quan về 7 nền tảng freelance cho hầu hết các ngành nghề. Mình sẽ cố gắng chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm để các bạn có thể cân nhắc lựa chọn loại hình nền tảng phù hợp cho cá nhân. Trong top 7 nền tảng mình chia sẻ hôm nay, hầu hết chúng đều là những website uy tín, có độ tin cậy cao cho cả các freelancer và khách hàng. Các bạn hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn một hoặc hai trong số những nền tảng dưới đây để bắt đầu hoặc tiếp tục phát triển sự nghiệp freelance của mình. Nếu bạn có thể sử dụng ngoại ngữ tốt, mình có gợi ý 5 nền tảng mà bạn có thể kiếm được nguồn khách hàng và các dự án từ nước ngoài. Nếu bạn chưa tự tin về khoản tiếng Anh thì chỉ trong nước thôi, chúng ta cũng có 2 nền tảng tiêu biểu nhất là Vlance và FreelancerViet. Mỗi nền tảng mình nêu dưới đây đều có cách làm việc và tiềm năng cũng như mức độ cạnh tranh khác nhau. Các bạn hãy theo dõi hết bài viết này để nắm được thêm nhiều thông tin hữu ích nhé. Chúng ta bắt đầu thôi!

1. Freelancer

Freelancer.com là một trong những nền tảng giao dịch việc làm dành cho freelancer đầu tiên trên thế giới. Nền tảng này được thành lập năm 2009 tại Úc. Website này chủ yếu phục vụ thị trường lao động tự do và các khách hàng tiềm năng ở Úc. Dần dần, sau đó nền tảng này được mở rộng ra nhiều nước khác trên thế giới. Tính đến nay, nền tảng Freelancer đã kết nối gần 62,500,000 freelancer và khách hàng trên 247 quốc gia trên toàn cầu. Khi tham gia hoạt động ở đây, các khách hàng có thể đăng tin tuyển dụng và cũng giống như cách hoạt động của Upwork, các freelancer có thể gửi thư chào giá và đấu thầu cho công việc đó. Thông qua trang web này, khách hàng có thể tìm được những freelancer làm việc ở rất nhiều mảng như phát triển phần mềm, viết lách, nhập liệu, thiết kế, khoa học kỹ thuật, bán hàng và marketing, kế toán và dịch vụ pháp lý.

Công việc trên Freelancer có hai hình thức chính. Một là công việc thanh toán lương cố định theo dự án. Ưu điểm là nhà tuyển dụng biết chính xác chi phí của dự án và người làm nghề tự do biết chính xác họ sẽ trả trước bao nhiêu tiền. Thông thường, khoản thanh toán sẽ được nhận vào cuối dự án, nhưng nếu một dự án dài hạn kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, một freelancer có thể yêu cầu thanh toán theo các mốc được chỉ định trong suốt quá trình làm việc. Hai là công việc trả lương theo giờ. Khách hàng có thể đặt ra mức thù lao tương ứng với miêu tả công việc và thanh toán cho các freelancer dựa theo số giờ mà họ làm. Nên tảng Freelancer rất tiện vì có một ứng dụng theo dõi và ghi nhớ thời gian làm việc của các freelancer. Ứng dụng này còn có thể ghi lại màn hình làm việc của freelancer để khách hàng tiện theo dõi tiến độ công việc.

Về mặt chi phí mà người dùng phải trả cho nền tảng, mình thấy nó cũng không chênh quá nhiều so với những nền tảng freelance khác. Nếu bạn là một freelancer, thông thường, bạn sẽ phải trả 10% hoặc $5 cho một công việc thanh toán lương cố định (loại công việc số 1 mà mình nêu trên). Còn đối với công việc được trả lương theo giờ thì bạn phải trả 10% cho mỗi lần thanh toán. Nếu bạn là khách hàng thì cũng phải trả phí đấy nhé. Nhưng chi phí đối với khách hàng thường sẽ thấp hơn. Trung bình cho mỗi công việc thì chỉ mất 3% giá trị thanh toán thôi.

So với mức phí trên Upwork thì Freelance có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn. Tuy nhiên, nền tảng làm việc này cũng vẫn còn một số hạn chế đối với các freelancer, nhất là các freelancer mới vào nghề. Khi những người làm nghề tự do mới làm quen với nền tảng này, rất có thể họ sẽ không kiếm được số tiền xứng đáng - thường ít hơn nhiều so với mức lương tối thiểu. Mục đích cho việc hạ giá dịch vụ trong những lần đầu tiên làm việc trên Freelancer là để thu hút được khách hàng tốt hơn và kiếm được công việc đầu tiên. Riêng mình thấy thì mức phí cho các dự án tính theo giờ khá cao, nhất là đối với các bạn freelancer mới. Một điểm bất lợi nữa của Freelancer là những freelancer phải trả phí thậm chí trước khi họ nhận được thanh toán từ khách hàng. Nếu bạn chỉ đăng ký gói thành viên miễn phí trên Freelancer, bạn chỉ có thể đăng ký 8 gói công việc trên nền tảng này. Đôi lúc, tài khoản của bạn có thể bị cấm mà không có lý do rõ ràng được thông báo từ Freelancer. Mình nhận thấy một số nhược điểm trên nền tảng này khá bất lợi và không bảo vệ quyền lợi của các freelancer. Các bạn có thể cân nhắc tìm hiểu kỹ hơn trước khi quyết định.

2. Fiverr

Tiếp đến, mình sẽ giới thiệu với các bạn một nền tảng rất nổi tiếng trong cộng đồng freelancer. Đó chính là Fiverr. Chắc hẳn các bạn ai cũng từng nghe qua tên nền tảng này khi tìm hiểu về công việc freelance rồi nhỉ? Tuy nhiên, cách hoạt động của Fiverr lại rất khác so với hầu hết các nền tảng freelance khác. Xuất hiện trên thị trường freelance từ năm 2010, cho đến nay, Fiverr đã có hơn 3 triệu công việc được đăng ký bởi các freelancer. Các dịch vụ được cung cấp bởi các freelancer trên Fiverr rất đa dạng. Chúng ta có thể tìm thấy vô vàn các loại hình dịch vụ nằm trong 9 nhóm chính bao gồm: thiết kế đồ họa, marketing online, viết và dịch thuật, sản xuất video và hoạt hình, sản xuất nhạc và âm thanh, lập trình và công nghệ, kinh doanh, đời sống và các trend theo xu hướng.

Danh mục công việc trên Fiverr

Lúc mới hoạt động, các dịch vụ của freelancer trên nền tảng này chỉ có giá $5. Vì vậy, nó mới có cái tên Fiverr. Cho đến năm 2014, cơ chế hoạt động này mới được xóa bỏ vì sự phát triển của thị trường freelancer cũng như nhằm đảm bảo chất lượng của các công việc được hoàn thiện trên nền tảng. Ngược lại với các nền tảng khác, Fiverr là nơi các freelancer đăng tin về dịch vụ mà mình cung cấp. Khách hàng sẽ là người đi dạo quanh thị trường vô vàn các dịch vụ đó để tìm kiếm và chọn lựa ra freelancer phù hợp để hoàn thành công việc của mình nhất. Fiverr đóng vai trò như người trung gian để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên freelancer có nguồn thù lao xứng đáng và khách hàng sẽ hài lòng với kết quả công việc.

Hiện nay, có những freelancer vẫn giữ mức giá $5 cho mỗi gói công việc. Tuy nhiên, họ cũng sẽ có những dịch vụ bonus thêm để tăng mức thu nhập cho mỗi công việc. Những dịch vụ đi kèm thường rất hấp dẫn và thu hút khách hàng. Hình thức công việc trên Fiverr chủ yếu là làm theo gói công việc chứ không có loại công việc làm và trả lương theo giờ như trên Upwork hay Freelancer. Nếu chịu khó dành thời gian tham khảo qua các dịch vụ trên Fiverr, các bạn sẽ thấy giá dịch vụ mà các freelancer khác đưa ra hiện giờ dao động rất lớn. Có những gói công việc có trị giá $5, nhưng cũng có những gói công việc lên đến hàng nghìn đô.

Giờ, mình sẽ nói qua về mức phí dành cho các freelancer nhé. Bạn có thể tạo tài khoản và post dịch vụ của mình miễn phí trên Fiverr. Bạn chỉ cần trả phí cho mỗi công việc mà bạn hoàn thành thôi. Mức phí cho mỗi gói công việc là 20%. Mỗi khi bạn hoàn thành một gói công việc và được xác nhận bởi khách hàng, khoản thù lao sẽ được chuyển ngay về tài khoản của bạn. Các freelancer sẽ không còn phải trải qua cảnh đợi chờ một hai tháng để nhận được thanh toán từ khách hàng nữa.

Với tư cách là một freelancer, khi đăng dịch vụ trên Fiverr, bạn sẽ không cần phải đi tìm kiếm khách hàng và đấu giá cho từng công việc nữa. Khách hàng sẽ tự tìm đến với bạn nếu profile của bạn đủ sức thu hút. Tuy nhiên, nền tảng này cũng tồn tại một số điểm yếu sau mà bạn nên cân nhắc. Freelancer mới trên nền tảng này rất khó để có được những công việc đầu tiên. Lý do là vì có hàng nghìn freelancer khác cũng cung cấp những dịch vụ giống nhau. Khách hàng thì lại có xu hướng tin tưởng những freelancer đã có kinh nghiệm làm việc và đánh giá trên nền tảng rồi. Hơn nữa, đôi lúc khách hàng trên Fiverr rất khó làm việc cùng. Đơn giản vì nhiều lúc họ chỉ lên Fiverr để tìm hiểu về mảng công việc đó thôi chứ cũng chả có yêu cầu công việc cụ thể nào. Vậy nên, bạn cũng cần tỉnh táo khi trao đổi công việc với khách hàng.

3. Upwork

Upwork cũng là một trong những nền tảng giao dịch việc làm freelance lớn và uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Đã có đến 10 triệu freelancer và gần 5 triệu khách hàng đã tin dùng nền tảng này để trao đổi, giao dịch và làm việc. Giống như cách hoạt động của Freelancer, các freelancer có thể dễ dàng đăng ký tài khoản trên Upwork và tìm kiếm rồi gửi thư chào giá cho từng công việc. Những bước này hoàn toàn miễn phí đối với các freelancer. Các bạn chỉ phải trả tiền trích từ khoản thù lao mà các bạn nhận được sau khi hoàn thành một công việc nào đấy trên Upwork. Mình sẽ bật mí luôn về mức phí mà các bạn phải trả cho Upwork sau khi sử dụng toàn bộ những dịch vụ trên nền tảng. Phí sử dụng sẽ được tính theo từng mốc đối với mỗi khách hàng khác nhau của bạn. Nếu tổng thu nhập của bạn từ một khách hàng dưới $500, bạn sẽ phải trả cho Upwork 20%. Nếu tổng thu nhập của bạn từ cùng khách hàng đó trên $500 và dưới $10,000 thì bạn sẽ phải trả 10% cho mỗi dự án mà bạn hoàn thành. Nếu tổng thu nhập của bạn từ vị khách đó đạt mốc trên $10,000, bạn sẽ chỉ phải thanh toán 5% giá trị lương của bạn sau mỗi lần xong dự án của vị khách đó. Vì vậy, nếu bạn làm tốt và giữ chân được khách hàng của mình, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền phí cho Upwork đó.

Để bàn đến sự đa dạng về các loại công việc cho freelancer, có lẽ Upwork đi đầu trong tất cả các nền tảng. Có đến gần 10 mảng công việc chính trên Upwork. Trong số đó, phần lớn công việc được post lên thuộc nhóm việc liên quan đến IT, thiết kế sáng tạo hay viết lách và dịch thuật. Trong mỗi nhóm công việc lớn lại có đến gần 100 các đầu công việc cụ thể. Vì vậy, các bạn có thể tìm kiếm công việc phù hợp với mình một các dễ dàng. Một đặc điểm nữa của Upwork đó là sự đa dạng về mức giá. Tuy là cùng một công việc dịch thuật chẳng hạn, bạn có thể thấy mức lương dao động khá lớn. Đó là vì thành phần các freelancer tham gia vào nên tảng này cũng rất đa dạng, có những freelancer mới vào nghề và cả những freelancer lão luyện với kinh nghiệm và kỹ năng rất tốt. Vậy nên, nếu bạn kiên trì thì bạn cũng sẽ rất có tương lai khi làm việc trên Upwork. Ngươc lại, chính vì có nhiều freelancer giàu kinh nghiệm như vậy, bạn sẽ phải cạnh tranh khá nhiều để kiếm được một công việc khi mới bắt đầu tham gia nền tảng này. Hơn nữa, khi chọn lựa một freelancer để hợp tác cùng, khách hàng trên Upwork rất chú trọng đến review về freelancer đó. Thế nên, bạn đừng nản chí trong những ngày đầu, hãy cứ kiên trì và nghĩ ra nhiều cách để thu hút những vị khách tiềm năng.

4. 99designs

Trong số các nền tảng việc làm freelancer, có lẽ 99designs là một nền tảng độc đáo nhất vì nó chỉ tập trung các công việc liên quan đến thiết kế và các công việc liên quan đến nghệ thuật thị giác khác. Trong danh sách phân chia nhóm công việc của 99designs, chúng ta có thể thấy các công việc chỉ liên quan đến thiết kế như thiết kế logo và nhận diện thương hiệu, thiết kế giao diện website và ứng dụng, kinh doanh và quảng cáo, thiết kế thời trang và phụ kiện may mặc, vẽ ứng dụng minh họa, thiết kế bao bì và nhãn dán, thiết kế và minh họa sách, báo, tạp chí.

Các loại hình công việc trên 99designs

Khi đăng ký tham gia 99designs, bạn không chỉ kiếm được công việc và khách hàng phù hợp mà bạn còn có thể được học hỏi và truyền cảm hứng thiết kế thông qua các cuộc thi trên cộng đồng toàn những nhà thiết kế giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết. Kinh nghiệm để có thể làm việc và phát triển khi quyết đinh trở thành một freelancer thiết kế trong một lĩnh vực cụ thể nào đó là bạn hãy trau dồi kỹ năng và sự sáng tạo của bản thân. Bên cạnh đó, bạn nên tạo một website portfolio cá nhân và cập nhật liên tục những tác phẩm của mình lên đó. Như vậy sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn cũng như tiện cho việc giao dịch và giới thiệu bản thân với những khách hàng ở mọi nơi trên thế giới.

Còn về chi phí cho việc sử dụng nền tảng này thì có chút phức tạp hơn các nền tảng freelancer thông thường khác. Có hai loại phí bạn cần phải thanh toán: phí giới thiệu khách hàng và phí hoạt động trên nền tảng. Về phí giới thiệu khách hàng, nếu bạn kết nối được với khách hàng bằng cách chiến thắng trong cuộc thi của 99designs cho mỗi dự án cụ thể, bạn sẽ không phải trả phí này cho 99designs. Còn không thì bạn sẽ phải trả phí giới thiệu cho 99designs. Đối với một khách hàng mới đc giới thiệu, bạn sẽ phải trả 20% cho $500 thu nhập đầu tiên từ khách hàng đó. Tuy nhiên, 20% chỉ giới hạn tối đa là $100. Và sau khi tổng thu nhập của bạn từ vị khách đó vượt quá $500, bạn sẽ không phải thanh toán khoản phí giới thiệu cho 99designs nữa. Thứ hai, về phí nền tảng, bạn sẽ phải phải thanh toán với tất cả các dự án mà bạn tham gia với cụ thể là: 5% đối với nhà thiết kế cao cấp, 10% đối với nhà thiết kế trung cấp và 15% đối với nhà thiết kế mới vào nghề. Vậy nên, bạn hãy trau dồi kỹ năng của bản thân và kiên trì xây dựng kinh nghiệm làm việc trên 99deigns để có được những ưu đãi tốt hơn nhé.

Phí dịch vụ cho freelancer trên 99designs

5. FreeUp

FreeUp là một nền tảng việc làm freelance có gốc ở Mỹ và đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, so với các nền tảng khác như Upwork hay Fiverr, người dùng chủ yếu trên FreeUp vẫn nằm trong phạm vi nước Mỹ. Có một số điểm cộng của FreeUp đã được cam kết bởi chính nền tảng này. Chúng ta có thể kể đến hàng trăm công việc dành cho freelancer được post mỗi tuần, hệ thống hỗ trợ 24/7 dành cho freelancer, các hội thảo online nhằm hỗ trợ các freelancer xây dựng mô hình kinh doanh cá nhân và một đội ngũ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người dùng để trở thành một freelancer thành công. Xét về tính đa dạng thì FreeUp hoàn toàn có thể cạnh tranh với rất nhiều nền tảng khác vì các công việc thuộc đủ nhóm ngành nghề.

Công việc đa dạng trên FreeUp

Có vẻ như FreeUp rất quan tâm đến chất lượng công việc và nhân sự cũng như văn hóa làm việc trên nền tảng này. Để trở thành một freelancer làm việc được trên FreeUp, các bạn không chỉ cần đăng ký tài khoản như những nền tảng khác đâu. Bạn sẽ phải học và qua được bài kiểm tra về Văn hóa và Cộng đồng Freeup. Bạn sẽ được cung cấp nội dung khóa học cũng như điều khoản sử dụng nền tảng. Nếu bạn qua được bài test này, bạn sẽ bước tiếp tới vòng phỏng vấn với FreeUp. Bạn sẽ được sắp xếp thời gian với người phỏng vấn từ FreeUp và gặp gỡ họ qua Zoom trong 15 đến 20 phút để nói về kinh nghiệm làm việc của bạn, những kỹ năng mà bạn sẽ dùng để làm việc trên FreeUp, những phương tiện giao tiếp và công việc kinh doanh tự do của bạn. Bạn cũng có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào để tìm hiểu sâu hơn về công việc trên FreeUp. Sau 24 tiếng, bạn sẽ nhận được kết quả của buổi phỏng vấn. Nếu bạn vượt qua và đạt tất cả những tiêu chí của FreeUp đề ra cho một freelancer, bạn sẽ được một nhân viên của FreeUp hỗ trợ việc thiết lập tài khoản profile và giới thiệu bạn trên thị trường việc làm online. Từ đây, bạn có thể làm việc và nhận thanh toán hàng tuần. Bạn sẽ không phải trả khoản phí nào khi đăng ký và tìm việc làm thông qua FreeUp. Bạn cũng sẽ được tự đưa ra mức thù lao mong muốn với khách hàng của bạn. Khoản tiền này được gọi là A. Khoản tiền mà khách hàng phải trả cho bạn thông qua FreeUp là B. Phí cho FreeUp được tính bằng 20% của A (tối thiểu là $2).

6. FreelancerViet

Chúng mình sẽ chuyển qua xem xét thị trường freelancer online ở Việt Nam xem thế nào nhé. Gần đây, xu hướng chuyển sang làm freelancer trong nước cũng rõ rệt hơn. Vì vậy, các nền tảng hỗ trợ giao dịch công việc cho freelancer cũng phổ biến và được phát triển tốt hơn. Đầu tiên, chúng ta phải kể đến FreelancerViet.vn. Đây là nền tảng trong nước đầu tiên hỗ trợ cho freelancer và kết nối họ với khách hàng nhằm tìm kiếm những công việc với mức lương hợp lý. Tính đến nay, đã có khoảng 600 nghìn thành viên tham gia hoạt động trên nền tảng này. Trong số đó, có đến tận 500 nghìn thành viên là các freelancer Việt Nam. Thêm nữa, đã có hơn 300 nghìn công việc được tuyển dụng và hoàn thành bởi các freelancer trên FreelancerViet.

Để bắt đầu tham gia hoạt động trên nền tảng này, bạn cũng phải đăng ký làm thành viên và hoàn thành đầy đủ các thông tin trong profile liên quan đến học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm, các dự án đã từng làm, mức thu nhập mong muốn và các đánh giá từ quản lý hoặc đồng nghiệp cũ như những nền tảng khác trên thế giới. Sau đó, bạn có thể thoải mái tìm kiếm công việc được đăng trên nền tảng này. Nếu thấy được công việc phù hợp, bạn có thể viết thư chào giá và gửi tới khách hàng tiềm năng. Nhưng mình có một lưu ý nhỏ với các bạn đó là freelancer sẽ phải mua credit hoặc đăng ký gói VIP mới có thể gửi thư chào giá tới khách hàng. Đây có thể là một điểm hạn chế rất lớn ở nền tảng này vì chưa chắc bạn đã nhận được công việc đó sau khi trả tiền để gửi đi thư báo giá. Hơn nữa, khi dạo qua nền tảng này, bạn sẽ thấy được số lượng công việc cho freelancer trên đây rất hạn chế. Dù sao, đây vẫn là nền tảng tích hợp đăng tin tuyển dụng của cả hai loại hình công việc toàn thời gian và việc làm tự do. Phần lớn, những tin đăng tuyển ở đây vẫn thiên về những công việc toàn thời gian hơn. Các freelancer vẫn chưa hoạt động năng nổ trên nền tảng này lắm vì nguồn công việc chưa đa dạng.

Chắc các bạn cũng tò mò xem mức chi phí cho hoạt động trên nền tảng này là bao nhiêu phải không? Mình không để các bạn phải đợi lâu đâu. Theo thông tin trên website của FreelancerViet, có hai gói thành viên cho các bạn lựa chọn. Đầu tiên là gói Basic cho 1 tháng hoạt động giao dịch. Gói này có giá 200,000/ tháng và bao gồm 10 lần gửi báo giá. Loại thứ 2 là gói Premium. Gói này có thời hạn 3 tháng với giá 260,000. Trong 3 tháng này, bạn có 45 lần báo giá. Nếu bạn chưa dùng hết số lần báo giá trong thời gian của gói, bạn sẽ không được phép sử dụng chúng ngoài thời hạn của gói nữa. Vì vậy, bạn cần có kế hoạch hợp lý khi tham gia hoạt động trên nền tảng này.

Phí dịch vụ trên FreelancerViet

Mặt khác bù lại, bạn không còn phải mất thêm chi phí gì sau khi hoàn thành gói công việc mà bạn trúng được. Toàn bộ số tiền lương mà bạn đàm phán và nhận được từ khách hàng sẽ là của bạn tất. Một điểm nữa rất có lợi cho các freelancer “thuần Việt” đấy là không có bất kỳ rào cản nào về mặt ngôn ngữ. Phương thức nhận thanh toán cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần thêm phương thức rút tiền là thông tin tài khoản của bạn. Mỗi lần muốn rút lương từ tài khoản trên FreelancerViet, bạn chỉ cần thao tác đơn giản trên trang web là đã nhận được số tiền đó trong tài khoản ngân hàng của mình.

7. Vlance

So với nền tảng FreelancerViet, Vlance là một nền tảng mới dành cho các freelancer. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy thì hoạt động của nền tảng này tương đối tích cực hơn. Số lượng công việc trên nền tảng này cũng rất nhiều và đa dạng về ngành nghề. Các bạn có thể thấy có đến tận 10 nhóm công việc trên trang web này. Trong số đó, nhóm có số lượng việc làm nhiều nhất tập trung vào IT và lập trình, viết lách và dịch thuật, marketing và bán hàng. Đây có thể coi là phiên bản Việt hóa của Upwork vì tỷ lệ công việc chia theo các nhóm cũng y hệt nhau vậy.

Cách thức vận hành của Vlance cũng giống như các website kết nối việc làm cho freelancer khác. Đầu tiên, các bạn cũng phải tạo một tài khoản và hoàn thiện profile cá nhân thật chi tiết để tạo điểm đáng tin đối với khách hàng. Sau đó, bạn hãy vào phần tìm việc làm cho freelancer và tham khảo những công việc phù hợp với kỹ năng của mình. Cho đến bước này thì bạn chưa mất phí gì cho Vlance cả. Nhưng nếu bạn muốn gửi thư chào giá tới khách hàng, bạn sẽ phải đăng ký gói thành viên FVIP với 360,000/ 3 tháng. Nếu bạn muốn profile của mình nổi bật trên nền tảng này và dễ dàng thu hút được nhiều khách hàng, hay bạn muốn liên hệ trực tiếp với khách hàng đã xác thực số điện thoại và thông tin liên lạc khác trên Vlance, bạn sẽ cần phải đăng ký gói FPRO với giá 560,000/ 3 tháng. Nếu nền tảng này giúp ích nhiều cho công việc freelance, các bạn hoàn toàn có thể cân nhắc việc mua gói tài khoản thành viên cho 6 hoặc 12 tháng. Như vậy sẽ tiết kiệm kha khá đấy.

Có một điểm tương đồng giữa hai nền tảng FreelancerViet và Vlance, đó chính là rất dễ dàng trong việc rút tiền về tài khoản ngân hàng sau khi đã hoàn thành giao dịch công việc trên nền tảng. Tuy nhiên, trên Vlance có ghi chú rõ ràng chi phí và quy định cho mỗi lần rút tiền. Phí rút tiền về ngân hàng Vietcombank là 3,300/ 1 giao dịch. Các ngân hàng khác mất tận 11,000 cho một giao dịch. Đây cũng là một điều đáng để bạn cân nhắc đấy nhé. Một số quy định khác các bạn cần lưu ý là bạn phải rút tối thiểu là 50,000 một lượt. Trong một tuần, bạn không bị giới hạn số lần rút tiền, nhưng bạn cũng nên cân nhắc để tiết kiệm phí rút tiền cho bản thân. Giống nhau là vậy, nhưng mình phát hiện ra là bảo mật của Vlance tốt hơn rất nhiều so với FreelancerViet. Để thực hiện được bất kì giao dịch về tiền nong nào trên Vlance, bạn cần phải xác thực số điện thoại và xác thực căn cước công dân của mình. Sau 14 ngày, bạn mới có thể thực hiện rút tiền từ Vlance về tài khoản ngân hàng. Mình thấy đây là một điểm cộng lớn thể hiện sự phát triển lâu bền của một nền tảng freelancer đáng tin cậy.

Lời kết

Như các bạn thấy đó, làm freelancer bây giờ có rất nhiều lợi thế nhờ có các nền tảng công nghệ số hỗ trợ. Nhờ có vậy, các freelancer mới có thể hạn chế việc di chuyển để tìm kiếm và làm việc với khách hàng. Như trên các nền tảng freelancer toàn thế giới, bạn sẽ bắt gặp những freelancer từ khắp các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản có thể làm việc với khách hàng ở bất kể quốc gia nào khác như Úc, Mỹ, Ý. Đôi khi, mình cũng đã từng nhìn thấy những freelancer Việt xuất hiện trên các nền tảng với tư cách là người cung cấp dịch vụ. Vì vậy, nếu bạn chưa tự tin với vốn tiếng Anh để trao đổi với khách hàng, bạn có thể bắt đầu với các nền tảng freelance trong nước như Vlance hay FreelancerViet để làm quen với cách làm việc kiểu này. Sau đó, dần dần các bạn có thể vươn xa hơn ra môi trường quốc tế để thử sức mình và học hỏi nhiều hơn từ những thị trường freelance khác.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>