Nếu để so sánh những freelancer đang làm việc một cách tự do, hạnh phúc theo ý muốn của họ thì có đến hàng tá những người khác cũng đặt chân vào thế giới việc làm tự do để rồi cuối cùng lại bị đánh bại trước khi thành công và vội vàng rút lui trở về với công việc văn phòng như thường nhật của họ. Mình thấy việc thay đổi giữa công việc tự do và công việc cố định toàn thời gian là hoàn toàn bình thường. Không phải ai cũng sẵn sàng trở thành người làm việc tự do và không có gì sai khi thử làm công việc này rồi quyết định làm việc khác. Có rất nhiều lý do để chúng ta có thể tạm thời làm những công việc tự do và sau đó quay trở lại làm việc toàn thời gian do tình hình khách quan như suy thoái kinh tế hay dịch bệnh, hoặc những lý do cá nhân khác như tranh thủ thời gian học thêm các kỹ năng để mở rộng sang một lĩnh vực mới trong ngành của bạn. Mình chỉ thấy tiếc cho những bạn lẽ ra có thể xây dựng sự nghiệp tự do thành công lại phạm phải những sai lầm buộc họ phải quay trở lại con đường đi làm từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Vì vậy, hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn những lỗi sai mà các freelancer mới vào nghề dễ mắc phải.
Bắt đầu công việc tự do mà không có đủ số tiền tiết kiệm cần thiết
Tại thời điểm bạn chấm dứt một công việc cố định, nguồn thu nhập hằng tháng của bạn sẽ không còn đều đặn được như trước nữa. Bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần và kinh tế cho những tháng tiếp theo. Theo các chuyên gia tài chính, mỗi người chúng ta đều nên có một khoản tiết kiệm tương ứng với khoản chi tiêu của mình từ 3 đến 6 tháng để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp kể cả khi bạn không bắt đầu làm những công việc tự do. Nếu bạn có kế hoạch cho một công việc kinh doanh tự do nào đó thì khoản vốn để chuẩn bị cho công việc sẽ không liên quan đến khoản tiết kiệm cá nhân này. Bạn sẽ phải có một kế hoạch tài chính chuẩn bị riêng cho việc kinh doanh. May mắn thay, nếu bạn định làm việc tự do và không có kế hoạch thuê bất kỳ nhân viên nào thì bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc trả lương hoặc là thuê văn phòng. Nhưng nếu bạn muốn phát triển lâu dài với công việc freelance thì bạn vẫn cần có kế hoạch về tài chính để đầu tư cho các thiết bị làm việc một cách chuyên nghiệp khi bạn nhận được nhiều hợp đồng công việc từ các khách hàng. Vì vậy, bạn hãy cố gắng dự đoán các chi phí có khả năng tăng lên trong vài tháng đầu tiên và lập kế hoạch cho cả cá nhân và công việc.
Không xác định và thiết lập lại các mục tiêu công việc
Rốt cuộc thì tại sao bạn lại chọn trở thành một freelancer? Câu hỏi này tưởng chừng dễ trả lời và đơn giản nhưng nó lại có sức mạnh giúp bạn vượt qua những ngày đầu làm việc tự do. Mục tiêu của bạn khi làm freelancer có thể là để kiếm nhiều tiền hơn khi làm một công việc cố định hay vì bạn coi trọng sự độc lập, lịch trình làm việc linh hoạt. Đôi khi mục tiêu của bạn sẽ chỉ đơn giản là kiếm một khoản tiền để trang trải cuộc sống và để ra một khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng. Bất kể mục tiêu của bạn là gì thì bạn cũng cần đặt ra một lịch trình cụ thể để hiện thực hóa chúng. Bạn hãy bám sát lịch trình này để biết được tiến độ công việc và mục tiêu của bạn. Bạn hoàn toàn có thể đổi lại hoặc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của các mục tiêu để phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường lao động tự do. Bên cạnh đó, một tip mà mình thấy rất hữu ích đó chính là viết ra kế hoạch thực hiện chi tiết. Kể cả khi bạn làm công việc tự do một mình thì một kế hoạch chi tiết có thể giúp bạn đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng. Nó cũng có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng bạn hãy coi trọng bản thân và công việc của chính mình.
Vội vàng lún sâu vào công việc freelance
Có một lời khuyên chân thành đó là bạn nên bắt đầu công việc tự do như một “nghề tay trái” khi vẫn đang tiếp tục công việc cố định full-time của mình. Tại sao mình lại nói vậy? Thứ nhất, đây là cơ hội cho phép bạn thử các loại công việc và khách hàng khác nhau để xác định xem bạn thích cái nào nhất. Thứ hai, việc này cho phép bạn phạm sai lầm trong công việc freelance và sửa chữa chúng mà không cần phải lo đến việc bạn có đủ tiền để trả tiền điện tiền nước và tiền sinh hoạt cá nhân hay không. Cuối cùng, đây chính là lúc bạn tích cóp cả về mặt kinh tế lẫn kinh nghiệm trước khi chính thức chuyển hướng đi cuộc đời mình. Cách tốt nhất để tiết kiệm khi bạn dự định làm công việc tự do là dành dụm thu nhập của bạn từ bất kỳ công việc làm thêm nào mà bạn đảm nhận trong khi bạn vẫn có một công việc toàn thời gian.
Bỏ qua bước ký hợp đồng với khách hàng
Những thỏa thuận đạt được qua các cuộc nói chuyện với khách hàng cũng có thể chấp nhận được. Nhưng để hiện thực hóa và bắt tay vào việc thì tốt hơn hết là bạn nên có một thỏa thuận bằng văn bản, hay chúng ta còn gọi là ký hợp đồng giữa lao động tự do và đối tác. Lý do tại sao phải ký hợp đồng thì chắc hẳn bạn cũng biết rồi đấy. Đương nhiên, nếu chỉ dựa vào mỗi bản hợp đồng thì chưa chắc bạn đã đòi được thù lao trong trường hợp đối tác cứ nhất định không chịu chi trả sau khi bạn hoàn thành công việc. Nhưng lúc đó, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền và có thể thực hiện theo luật pháp vì đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý nếu cần phải thuê luật sư hoặc các bên trung gian để xử lý vấn đề thanh toán. Nhưng bạn cũng cần phải cân nhắc xem liệu những gì bạn phải tốn công tốn sức có xứng đáng với giá trị hợp đồng và khoản thù lao đó hay không. Trên thực tế, đối với công việc tự do, các hợp đồng tồn tại để xác định kỳ vọng của cả hai bên, giữ cho cả hai bên thực luôn trung thực và đảm bảo rằng không có bất ngờ nào xảy ra trong quá trình làm việc.
Freelancer nên ký hợp đồng chính thức với khách hàng
Không có hệ thống quản lý thu chi
Bạn nên biết rằng, các freelancer thành công luôn theo dõi và quản lý những việc mà mình cần phải làm bao gồm thanh toán các khoản chi phí cần thiết đúng hạn và thống kê cả các khoản mà bản thân mình thu được. Là một người làm việc tự do, bạn không nhất thiết phải chi tiền cho một phần mềm kế toán chuyên nghiệp, bạn chỉ cần có một hệ thống để tự theo dõi tất cả những thông tin và số tiền là quá đủ rồi. Đối với freelancer như chúng ta, một file Excel với đầy đủ các cột thông tin thu, chi và số tiền là quá đủ để có thể nắm rõ được tài chính liên quan đến công việc rồi. Hoặc đương nhiên nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể sử dụng những phần mềm quản lý tài chính miễn phí để giúp quản lý được những thông tin này.
Không lập ra tiêu chuẩn cho tệp khách hàng
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về một khách hàng tốt trong mỗi ngành nghề khác nhau. Nhưng theo mình, một người khách hàng tốt là người mà cung cấp công việc bạn muốn làm và đủ khả năng để làm và cũng là người đồng hành cùng bạn để công việc đạt được kết quả tốt nhất. Khi bạn có một khách hàng tốt thì việc giao tiếp giữa bạn và khách hàng cũng rất trôi chảy. Hơn nữa, mỗi khi kết thúc công việc, khách hàng đó sẽ luôn thanh toán thù lao cho bạn đầy đủ và đúng hạn như trong hợp đồng công việc. Trong quá trình làm việc bạn sẽ không tránh khỏi những lúc gặp phải các khách hàng không đáp ứng đủ các tiêu chí mình vừa kể trên. Nhưng mọi chuyện cũng sẽ không có vấn đề gì quá to tát nếu bạn có thể quyết định được khi nào nên dừng hợp tác với những khách hàng như vậy. Dần dần, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để nhận ra những dấu hiệu của một khách hàng không nên hợp tác trong tương lai.
Đưa ra mức giá quá thấp hoặc quá cao cho dịch vụ của mình
Đối với một freelancer, việc thiết lập giá cho dịch vụ của mình đôi khi cũng khá phức tạp. Nếu bạn đưa ra một mức giá quá cao thì rất khó để cạnh tranh với các freelancer khác và khả năng nhận được công việc là khá thấp. Ngược lại, nếu bạn định giá dịch vụ của mình quá thấp thì bạn sẽ bị áp lực khá lớn về mặt tài chính và cả tinh thần làm việc dẫn đến việc bạn không thể hoàn thành công việc của mình ở mức tốt nhất được. Nếu bạn trở thành freelancer trong cùng một mảng với công việc bạn đã từng làm trước đó thì việc thiết lập giá có vẻ sẽ dễ hơn một chút vì bạn đã có tiếp cận với thị trường đó rồi. Phần khó nhất trong phần định giá có lẽ là phải đánh giá được cả mức đầu tư cho thiết bị làm việc, các loại bảo hiểm sức khỏe và khoản tích cóp khi “về hưu” mà hầu như bất kể một freelancer nào cũng phải tự lo. Các khoản này cũng nên được chia nhỏ và tính toán để bạn có thể đưa ra mức giá hợp lý nhất cho dịch vụ mà mình cung cấp. Cuối cùng, khi bạn đã làm công việc này với tư cách là freelancer một thời gian, bạn hoàn toàn có quyền nâng mức giá đó lên vì kinh nghiệm trong công việc của bạn đã tăng lên và bạn xứng đáng nhận được mức thù lao tương ứng với khả năng của bản thân.
Freelancer cần định giá đúng dịch vụ mà mình cung cấp
Lời kết
Khi bước chân vào thế giới của một freelancer, bạn sẽ cảm thấy hào hứng nhưng cũng rất khó khăn. Sự lẫn lộn và choáng ngợp này sẽ dẫn đến một số sai lầm khá lớn khi mới bắt đầu với công việc tự do như mình đã vừa chia sẻ trong bài này. Tuy nhiên, chúng ta luôn có cách để khắc phục chúng. Và tốt hơn hết thì các bạn nên ngăn chặn chúng ngay từ đầu. Nếu bạn chưa biết gì về nghề freelancer, bạn có thể tham khảo bài viết Freelancer 101 của mình để hiểu rõ hơn nhé. Bạn hãy cứ bám sát theo những hướng dẫn của mình về việc định giá dịch vụ, lên kế hoạch kinh doanh, quản lý thời gian, hợp đồng và các khoản thu chi thì bạn đã có thể yên tâm rằng mình có một khởi đầu tốt khi là một freelancer rồi.