Fiverr 101 – Tổng quan về Fiverr từ A-Z dành cho người mới

Hoa Thảo // Freelancing

0 Comments

November 4

Như các bạn đã biết, freelancer chúng ta có rất nhiều công cụ hỗ trợ để tìm kiếm công việc và làm việc online. Như mình đã chia sẻ với các bạn về Upwork trong những bài viết trước, freelancer hoàn toàn có thể thoải mái linh động về thời gian và không bị giới hạn địa lý ngăn cản việc mở rộng thị trường giao dịch công việc. Hôm nay, mình muốn giới thiệu với các bạn một nền tảng việc làm freelance nữa cũng khá phổ biến. Đó chính là Fiverr. Nếu như trên các nền tảng khác, bạn phải đi tìm kiếm công việc và ứng tuyển, báo giá và đợi kết quả tuyển dụng từ khách hàng thì Fiverr hoạt động ngược lại hoàn toàn. Trên Fiverr, khách hàng sẽ tự tìm đến bạn thông qua những tin bạn đăng về dịch vụ của bản thân. Bạn sẽ không mất công đi tìm kiếm hay dành thời gian viết thư chào giá nữa. Một khi khách hàng tìm đến bạn trên Fiverr, tỉ lệ nhận được công việc cũng đã khá cao rồi. Đương nhiên, nó cũng còn phụ thuộc vào việc kỹ năng của bạn có đáp ứng được công việc đó hay không và dịch vụ của bạn có phù hợp với yêu cầu của khách hàng hay không. Không dài dòng nữa, chúng mình hãy cùng tìm hiểu về Fiverr nhé.

1. Fiverr là gì?

Fiverr là một trong những thị trường giao dịch việc làm online lớn nhất trên thế giới cho cả người bán là những freelancer và các khách hàng. Trên nền tảng này, chúng ta được làm quen với một thuật ngữ chuyên môn để gọi các dịch vụ cung cấp bởi các freelancer. Nó được gọi là “gig”. Mỗi “gig” là một loại dịch vụ cụ thể. Các freelancer có thể chọn và thiết lập mức giá cho dịch vụ theo như mong muốn của họ. Ngoài ra, các freelancer còn có thể tạo ra các gói gig bao gồm các dịch vụ kèm theo để khách hàng có thể chọn lựa và tăng thêm thu nhập so với mỗi dịch vụ riêng lẻ như trên. Tuy nhiên, các freelancer trên Fiverr cũng rất linh hoạt trong việc điều chỉnh các gói dịch vụ theo yêu cầu của từng khách hàng. Vì vậy, khách hàng trên Fiverr rất dễ chọn lựa những freelancer làm việc cùng mình và đàm phán công việc với họ để đạt được kết quả tốt nhất.

Nền tảng này được thành lập năm 2010 và có trụ sở ở Israel. Lúc đầu tiên, nó có tên gọi là Fiverr vì mỗi gig trên nền tảng này đều đồng giá $5. Ngày này, Fiverr đã trở thành nền tảng giao dịch việc làm freelance trên 160 quốc gia và mức giá của mỗi gig đều được nâng lên rất cao. Điều này tạo điều kiện cho rất nhiều các freelancer có thể làm việc tại nhà mà không bị giới hạn về mặt địa lý hay giờ giấc mà vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập khá cao. Vào năm 2013 và năm 2014, Fiverr cũng đã lần lượt ra mắt nền tảng ứng dụng của mình trên hệ điều hành iOS và Android. Việc này càng giúp ích cho các freelancer trong vấn đề liên lạc và phản hồi nhanh chóng tới khách hàng mà không cần phải ngồi trước laptop cả ngày để trực tin nhắn. Đối với các doanh nghiệp có mong muốn tìm kiếm các freelancer phù hợp và tài năng, Fiverr cũng có ra mắt dịch vụ Fiverr Business vào năm 2020 để giúp các nhóm doanh nghiệp tìm kiếm và quản lý công việc với các freelancer.

Quay về với dịch vụ Fiverr mà những freelancer có thể làm việc được, mình sẽ giải thích qua cách thức làm việc cho những bạn chưa biết. Nếu bạn là một freelancer, bạn có thể tạo tài khoản và hoàn thiện profile của mình trên Fiverr. Sau đó, bạn có thể đăng những dịch vụ hay còn gọi là gig lên nền tảng này. Và cuối cùng, khách hàng sẽ tự tìm đến bạn nếu profile và gig của bạn đủ hấp dẫn. Thường thì các freelancer làm việc trên Fiverr cũng rất linh hoạt và thoải mái với khách hàng. Nếu khách hàng có bất kể yêu cầu gì nằm ngoài các gói gig mà freelancer cung cấp, họ cũng rất sẵn lòng đàm phán với khách hàng về chi tiết và giá cả cho các dịch vụ kèm theo. Nhìn chung thì quy trình làm việc trên Fiverr cũng khá đơn giản. Ở các phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những chi tiết khác của nền tảng này.

2. Ưu / nhược điểm

Ưu điểm
  • Cũng như các nền tảng việc làm freelance khác, Fiverr cũng sẽ có những điểm lợi và tồn tại một số hạn chế. Nói đến ưu điểm của Fiverr, đầu tiên chúng ta phải nói đến tính linh hoạt về mặt kinh tế. Nếu bạn nào còn chưa xác định trở thành một freelancer toàn thời gian thì Fiverr chính là nơi các bạn có thể làm việc như một freelancer bán thời gian. Bạn có thể kiếm được một khoản thu nhập vừa phải nếu làm việc ở đây. Trung bình thì mức thu nhập trên Fiverr không quá cao so với các nền tảng khác. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng cũng sẽ đưa ra những yêu cầu không quá cao. Bạn có thể nhận những công việc vừa với sức và thời gian của bản thân. Nền tảng này cho phép bạn nhận những công việc đơn giản để thử sức trong thời gian đầu tập làm freelancer.
  • Ưu điểm thứ hai của Fiverr đấy là bạn không cần phải ngồi tìm kiếm công việc hằng ngày và gửi thư chào giá. Mỗi trang web dành cho freelancer có cách làm việc khác nhau. Nơi thì đưa ra danh sách freelancer và dịch vụ rõ ràng, khách hàng chỉ cần lựa chọn và đàm phán công việc. Nơi thì khách hàng đưa ra đề nghị vị trí công việc, còn freelancer phải cạnh tranh nhau và đấu giá cho công việc đó. Đôi khi, việc đầu giá cũng rất mất thời gian và công sức vì bạn phải tìm hiểu kỹ công việc và yêu cầu rồi viết một bức thư chào giá cho từng vị trí cụ thể khác nhau. Để thu hút được khách hàng và được chấp nhận cho vị trí mong muốn, bạn lại phải tốn rất nhiều thời gian để viết một bức thư chào giá có tính cạnh tranh cao. Ngược lại, khi làm việc trên Fiverr, bạn sẽ không cần làm tất cả những điều đó vì khách hàng sẽ tự tìm đến bạn. Vì vậy, nhiều khi bạn cũng không cần phải hạ giá dịch vụ của mình xuống để chiều lòng khách và níu kéo để kiếm được một công việc.
  • Hơn thế, trên Fiverr có rất nhiều danh mục công việc, chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây. Nhưng đây là một điểm cộng cho bạn nào muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực. Tất cả mọi công việc từ thiết kế logo, sáng tác nhạc, viết lách, trợ lý ảo đều có sẵn trong Fiverr, điều này rất tốt vì bạn có thể chọn lựa các công việc và ký hợp đồng hợp tác với khách hàng theo sở thích của mình. Bạn có thể làm việc với các dự án khác nhau và giao dịch với những khách hàng khác nhau. Nó mang lại cho bạn cơ hội để thực hành đàm phán với khách hàng và đáp ứng những nhu cầu dự án của họ.
  • Cuối cùng, cũng như các nền tảng khác, khi bạn làm việc trên Fiverr, bạn sẽ không mất nhiều chi phí cho việc tạo tài khoản hay quảng cáo bản thân để kiếm được khách hàng. Chỉ cần bạn chịu khó chỉnh sửa và cập nhật profile và portfolio của mình, bạn sẽ được rất nhiều khách hàng chú ý đến nhờ tài năng thật sự của mình. Hơn nữa, khi tham gia vào Fiverr, bạn cũng không cần phải lo nghĩ quá nhiều về việc khách hàng có trả tiền cho mình hay không. Fiverr sẽ đảm bảo cho bạn việc 100% khách hàng sẽ thanh toán cho tất cả các công việc được thực hiện bởi các freelancer nhờ vào hệ thống thanh toán ký quỹ giống Upwork. Bạn có thể đọc bài viết về Upwork 101 của mình để hiểu hơn nhé.
Nhược điểm
  • Ngược lại, Fiverr vẫn còn có một số hạn chế. Các bạn có thể cân nhắc những điều sau trước khi quyết định tham gia vào cộng đồng Fiverr. Thứ nhất, Fiverr sẽ thu phí dịch vụ từ mỗi dự án bạn hoàn thành, kể cả tiền tip mà khách gửi cho bạn. Số phần trăm mà Fiverr thu từ các freelancer là 20% cho mỗi dự án. Kể cả bạn làm lâu đến thế nào thì phí dịch vụ cũng vẫn là 20% chứ không hề được giảm bớt giống như Upwork hay có gói combo nào khác. So với các nền tảng khác thì mức phí này là khá cao, đặc biệt là khi Fiverr cũng thu phí từ khách hàng nữa.
  • Nhược điểm tiếp theo của Fiverr chính là khó cho những thành viên mới. Mình đã từng đăng ký tài khoản và dịch vụ trên Fiverr nhưng phải mấy tháng rồi không có khách hàng nào chú ý và liên hệ để trao đổi về công việc. Lý do là vì có đến hàng nghìn hàng triệu các freelancer khác cũng cung cấp các dịch vụ giống như bạn. Bạn bỗng nhiên lại có từng đấy đối thủ cạnh tranh. Vậy nên, tỉ lệ có được công việc từ khách hàng cũng thấp đi rất nhiều. Bên cạnh đó, thuật toán của Fiverr có xu hướng đẩy các freelancer có đánh giá tốt lên trong công cụ tìm kiếm của họ khi khách hàng tìm kiếm các dịch vụ. Điều này khiến những người mới bắt đầu khó kiếm được công việc vì hầu hết khách hàng không muốn giành cơ hội cho bạn khi họ có thể làm việc với một người đã có kinh nghiệm và những chứng thực về khả năng.
  • Một nhược điểm khác của Fiverr đấy là bạn sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng đó. Fiverr có những chính sách nghiêm ngặt bắt buộc bạn phải tuân theo. Các chính sách như vậy bao gồm việc cấm liên hệ với những khách hàng bên ngoài Fiverr. Do đó, bạn không thể xây dựng danh sách khách hàng hoặc người mua lặp lại trở thành mạng lưới của bạn bên ngoài nền tảng vì Fiverr có thể hủy kích hoạt tài khoản của bạn mà không cần báo trước. Fiverr cũng có quyền nâng khoản phí đối với các freelancer lên bao nhiêu tùy ý mà không cần sự chấp thuận từ phía các freelancer.
  • Một điểm không hay cuối cùng của Fiverr mà mình nhận thấy và các bạn cũng nên lưu ý đó là tệp khách hàng không quá uy tín. Hầu hết người mua trong Fiverr đều dễ dàng làm việc. Tuy nhiên, có một số người rất khó làm việc cùng, bạn sẽ không biết họ muốn gì và họ cũng quá tỉ mỉ. Cũng có một số khách hàng sẽ bắt đầu có những chiêu trò lừa đảo. Nếu bạn cảm thấy cuộc giao dịch với khách hàng đó có vấn đề gì đó, tốt hơn là kết thúc cuộc trò chuyện thay vì đối phó với họ và đặt mình vào tình huống khó khăn.

3. Các loại hình công việc trên Fiverr

Fiverr chia nhóm các công việc thành 9 nhóm chính. Chúng bao gồm đồ họa và thiết kế, marketing nền tảng số, viết lách và dịch thuật, sản xuất video và hoạt hình, sản xuất nhạc và hiệu ứng âm thanh, lập trình và công nghệ, kinh doanh, đời sống và công việc thịnh hành.

Nhóm công việc chính trên Fiverr

Trong mỗi nhóm lớn đều có rất nhiều các nhóm công việc nhỏ để các freelancer cân nhắc những kỹ năng phù hợp mà có thể đăng ký trên Fiverr. Ngược lại, khi khách hàng muốn tìm kiếm freelancer làm việc cùng mình, hệ thống phân chia nhóm công việc cũng giúp ích rất nhiều cho việc tra cứu. Trong số 9 nhóm công việc chính trên Fiverr, có lẽ lượng công việc liên quan đến ngành đồ họa và thiết kế chiếm số lượng nhiều nhất.

Công việc đồ họa và thiết kế

Chúng ta có thể nhìn thấy có đến 12 nhóm nhỏ các công việc như thiết kế logo và nhận diện thương hiệu, thiết kế website và ứng dụng, thiết kế game, vẽ diễn họa minh họa, thiết kế sản phẩm marketing, thiết kế bao bì, thiết kế kiến trúc và nội thất, thiết kế thời trang và trang sức, thiết kế các sản phẩm thị giác như ảnh, bài thuyết trình, resume hay thiết kế các sản phẩm in ấn như áo, cốc, flyer, menu, thiệp mời. Nhóm công việc nổi thứ 2 trên Fiverr chính là nhóm nghề sản xuất video và hoạt hình. Trong nhóm này, bạn có thể thể hiện tất cả những kỹ năng kinh nghiệm mà bạn có trong việc chỉnh sửa video, sản xuất video quảng cáo hoặc video âm nhạc, sản xuất các trích đoạn mở đầu và kết thúc cho một kênh YouTube, thiết kế nhân vật hoạt hình 2D hoặc 3D và các phim hoạt hình từ các nhân vật đó luôn. Đây là một cơ hội rất lớn cho bạn thử sức trong lĩnh vực này.

Nhóm nghề sản xuất video và hoạt hình

Một mảng khác cũng rất được các freelancer ưa chuộng và chọn để làm việc, các bạn có đoán ra được không? Có thể chính các bạn cũng đang làm công việc freelance đó đấy. Đấy chính là các công việc liên quan đến dịch vụ viết và dịch thuật. Công việc này là một trong những công việc phổ biến trên Fiverr cũng như nhiều nền tảng khác vì nó dễ dàng cho những bạn freelancer mới bắt đầu cũng như tính đa dạng về các loại dịch vụ mà bạn có thể cung cấp.

Việc viết lách và dịch thuật trên Fiverr

Chúng ta có thể kể đến công việc phổ biến nhất là viết các bài viết blog và nội dung quảng cáo online. Sau đó, bạn có thể thấy được rất nhiều loại hình viết từ đơn giản như viết CV hoặc resume, viết thư xin việc, viết profile trên LinkedIn đến các loại hình viết yêu cầu có kinh nghiệm lâu năm và mất nhiều công sức nghiên cứu hơn trong từng công việc cụ thể như viết sách online, viết lời thoại cho một video, một podcast hay một bài phát biểu, phát triển nội dung khóa học trực tuyến, viết miêu tả công việc, miêu tả sản phẩm, viết nội dung cho website, viết hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, các bạn còn có thể cung cấp các dịch vụ dịch thuật đa ngôn ngữ và đọc soát lỗi văn bản nữa đấy.

4. Phí Fiverr? Tiềm năng thu nhập?

Mình cũng đã nhắc đến ở đoạn trên rồi đúng không nhỉ? Bạn sẽ được tham gia đăng ký tài khoản trên Fiverr miễn phí. Sau đó, bạn hoàn toàn có thể hoàn thiện profile cá nhân và đăng ký mở một dịch vụ trên nền tảng này. Khách hàng có thể tìm thấy dịch vụ của bạn thông qua công cụ tìm kiếm mà bạn không mất một khoản phí nào để quảng cáo cả. Chỉ sau khi bạn hoàn thành một đơn hàng và nhận được thanh toán từ khách hàng, Fiverr mới trừ thẳng phần phí dịch vụ và trả lại cho các freelancer 80% giá trị đơn hàng mà bạn đã thống nhất với khách hàng trước đó. Vậy nên, nói một cách dễ hiểu hơn, Fiverr sẽ thu 20% giá trị của mỗi đơn hàng mà bạn nhận được thanh toán. Ví dụ như đơn hàng mà bạn đàm phán với khách và chốt giá là $100. Sau khi bạn hoàn thành và khách hàng xác nhận đơn hàng đã hoàn thành và không cần chỉnh sửa gì thêm, Fiverr sẽ tự động chuyển về tài khoản trên Fiverr của bạn $80. Vậy là bạn mất 20% phí dịch vụ tương ứng với $20 trong trường hợp này.

Kể cả bạn làm lâu năm hoặc khách hàng quay lại với bạn, phần phí này của Fiverr cũng không được giảm đi. Theo cá nhân mình đánh giá thì đây là một mức phí khá cao so với các nền tảng khác. Như các bạn biết thì ở trên Upwork, phí dịch vụ sẽ được giảm đi theo từng mốc thu nhập của bạn từ cùng một vị khách. Mức ở giữa cũng chỉ khoảng 10%. Còn ở Fiverr, mức phí đã cao mà còn phải duy trì mãi mãi trong quá trình làm việc thông qua đó. Đây có lẽ cũng là một điểm trừ lớn nhất của Fiverr so với các nên tảng khác. Hãy tưởng tượng đơn hàng của bạn nếu ở mức $10 thôi chẳng hạn, thì bạn chỉ mất $2 phí dịch vụ cho Fiverr. Nhưng nếu bạn là một freelancer lâu năm giàu kinh nghiệm, mỗi đơn hàng của bạn trị giá $1000 thì bạn đang phải mất $200 cho Fiverr rồi đúng không. Quả là một số tiền lớn đấy. Chưa kể Fiverr cũng có thu phí từ phía khách hàng, nhưng phần tỉ lệ sẽ thấp hơn thôi. Vì vậy, mình đã gặp rất nhiều trường hợp freelancer trên Fiverr tìm cách đưa khách hàng quen ra ngoài nền tảng và làm việc trực tiếp với nhau để tiết kiêm được khoản phí khổng lồ đó.

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng khách hàng sẽ trả phí cho dịch vụ của mình, các freelancer phần lớn vẫn sử dụng Fiverr để đảm bảo an toàn cho nguồn thu của mình. Nhất là có những freelancer xác định làm việc lâu dài trên nền tảng này. Họ cố gắng duy trì các dự án và mối quan hệ với khách hàng thông qua Fiverr. Khi tay nghề và kinh nghiệm của họ tốt rồi, họ có thể thiết lập mức giá cho dịch vụ của mình xứng đáng với chất lượng. Ví dụ với công việc thiết kế website, những freelancer mới vào nghề có thể chỉ kiếm được $200 hoặc $300 cho mỗi đơn hàng. Nhưng các freelancer tay nghề cao có thể kiếm tới $5000 hoặc $7000 cho một đơn hàng cơ.

Thiết kế website với thu nhập cao trên Fiverr

Vì vậy, với mức thu nhập cao như vậy, để bỏ ra 20% phí cho Fiverr và đổi lại sự an toàn chắc chắn là mình sẽ nhận được khoản thanh toán từ khách hàng thì các bạn thấy có xứng đáng không?

5. Các bước trở thành freelancer và kiếm tiền trên Fiverr

Để trở thành một freelancer làm việc trên Fiverr, điều đầu tiên là bạn phải đăng ký trở thành thành viên trên nền tảng này. Sau khi vào trang chủ của Fiverr theo đường link này, bạn hãy chọn “Join”.

Đăng ký thành viên trên Fiverr

Bạn có thể chọn liên kết Fiverr với tài khoản Facebook, Google, Apple của bạn hoặc bạn có thể nhập email mà bạn muốn. Sau đó, bạn hãy hoàn thiện profile của mình. Hãy làm cho profile của bạn trông thật thu hút và chuyên nghiệp. Bạn có thể sử dụng ảnh thật của mình, như vậy sẽ tăng tính xác thực cho tài khoản của bạn. Bạn có thể nêu ra những kinh nghiệm của bản thân và đưa thêm vào một số dẫn chứng về các sản phẩm bạn đã làm trước đây.

Sau đó, bạn hãy đăng ký một loại hình dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp cho khách hàng. Phần miêu tả gói dịch vụ cần chi tiết, rõ ràng thì mới có thể gây ấn tượng với khách hàng được. Bạn hãy nêu rõ cả thời gian giao hàng, những dịch vụ bonus trong gói dịch vụ chính. Khách hàng sẽ dễ dàng cân nhắc trong việc chọn lựa hơn nhờ những thông tin đó. Nếu bạn có tìm hiểu qua về SEO, bạn sẽ hiểu những gì mình chia sẻ tiếp theo đây. Đây là một mẹo rất quan trọng nếu bạn muốn kiếm tiền trên Fiverr. Fiverr sử dụng bộ nguyên tắc đã xác định trong khi hiển thị các kết quả cụ thể về SEO. Nếu bạn muốn có thứ hạng tốt, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng từ khóa mục tiêu ít nhất 3-4 lần trong phần mô tả và sử dụng nó một cách thông minh trong tiêu đề.

Fiverr Dashboard

Sau khi hoàn thành các bước đó, bạn có thể kiểm soát toàn bộ các công việc của bạn trên Fiverr thông qua trang Dashboard chứa rất nhiều thông tin. Bạn cũng có thể chọn làm việc trên Fiverr workspace. Đây là một trang quản lý toàn bộ các thông tin về gói dịch vụ, đơn hàng, khách hàng của bạn. Trên đây cũng lưu trữ toàn bộ hóa đơn cho các công việc bạn đã hoàn thành, giúp bạn kiểm soát nguồn thu của mình tốt hơn. Nó cũng có cả một bộ theo dõi thời gian và tiến trình công việc của bạn nữa.

Phương thức nhận thanh toán trên Fiverr

Còn về việc nhận thanh toán từ Fiverr, hiện tại bạn sẽ có 2 sự lựa chọn. Một là kết nối với tài khoản Paypal của bạn. Bạn chỉ cần nhập đúng thông tin tài khoản của mình, Fiverr sẽ tự động kết nối. Sau đó, mỗi lần bạn muốn rút tiền từ Fiverr, bạn chỉ cần thực hiện những thao tác lệnh rất đơn giản trên trang web hoặc ứng dụng Fiverr. Bên cạnh đó, Fiverr vừa có thêm tính năng thanh toán mới đang được khuyên dùng.

Đó chính là Stripe. Cổng thanh toán này chấp nhận các loại thẻ tín dụng và hệ thống thanh toán bù trừ tự động ACH. Với hình thức này, tất cả các khoản thù lao của bạn trên Fiverr sẽ được tự động chuyển về tài khoản sau 2-5 ngày mà bạn không phải thực hiện bất kỳ một bước nào nữa. Các bước làm việc trên Fiverr rất đơn giản phải không nào các bạn. Với nền tảng này, bạn sẽ không cần phải làm gì nhiều trong việc quản lý, thống kê hay theo dõi các đơn hàng. Bạn chỉ cần tập trung thu hút khách hàng và hoàn thành tốt các dự án đã nhận thôi.

6. 7 điều nên làm và nên tránh freelancer mới trên Fiverr cần biết

Nên

  • Đầu tiên, bạn hãy tận dụng tính năng “Buyer Request” trên Fiverr. Đây là một điểm khởi đầu tuyệt vời cho hầu hết mọi người trên Fiverr. Như mình đã chia sẻ ở trên, rất khó để chúng ta có thể kiếm được công việc đầu tiên trên Fiverr. Với tính năng “Buyer Request”, khách hàng có thể tìm đến bạn một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ thường bị trả giá thấp hơn mức trung bình. Vì vậy, bạn nên ngừng sử dụng tính năng này ngay sau khi bạn kiếm được những đánh giá đầu tiên và bắt đầu thu hút được nguồn khách hàng tự nhiên trên Fiverr.
  • Thứ hai, bạn cũng nên học cách từ chối khách hàng. Nếu khách hàng hỏi bạn có thể viết một bài viết về chủ đề mang tính chất xúc phạm một nhóm người nào đó hoặc giả vờ làm luật sư và viết một bức thư tới ai đó thì chính là lúc bạn phải đưa ra lời nói không ngay. Bạn có thể dễ dàng chấp nhận bất kỳ công việc nào, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải đặt ra ranh giới về những gì bạn sẽ làm và sẽ không làm. Hãy thiết lập chúng trước sau đó đừng thỏa hiệp. Việc phá vỡ ranh giới sẽ không chỉ đẩy bạn vào những trường hợp mà bạn không thoải mái mà bạn còn khó có thể làm tốt nhất công việc của mình nếu bạn không thích. Khách hàng sẽ nhận thấy điều đó một cách dễ dàng thôi. Chấp nhận công việc bạn không thích sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai cả.
  • Bạn cần phải quản lý thời gian làm việc của mình một cách nghiêm khắc để cân bằng cuộc sống và công việc. Lúc mới sử dụng Fiverr, các bạn sẽ thấy rất thích việc check từng thông báo từ Fiverr. Vì mỗi thông báo đến từ Fiverr hay khách hàng trên Fiverr cũng có nghĩa là nó liên quan đến thu nhập của bạn. Vì vậy, các bạn sẽ có xu hướng trả lời bất kể tin nhắn nào và xử lý bất kể vấn đề gì ngay lúc đó. Thời gian làm việc của bạn sẽ bị phụ thuộc vào người khác. Việc phản hồi tin nhắn công việc cũng là một cách cải thiện dịch vụ của bạn. Nhưng nếu kéo dài như vậy thì không có lợi cho sức khỏe và cuộc sống cá nhân của bạn đâu. Vì vậy, bạn nên tự đặt ra một khoảng thời gian làm việc cho mình. Nếu bạn nhận được tin nhắn công việc vào đêm khuya, bạn chỉ cần nhắn lại là hiện tại tôi đang không tiện để trả lời vấn đề này ngay, tôi sẽ xử lý nó vào sáng ngày mai. Vậy là quá đủ cho dịch vụ khách hàng của bạn rồi đó.
  • Tiếp theo, mình muốn chia sẻ một kinh nghiệm nữa. Cũng giống như các nền tảng khác, giao tiếp chính là chìa khóa của thành công. Sử dụng công cụ nhắn tin giúp bạn hiểu chính xác khách hàng muốn gì và họ muốn công việc diễn ra như thế nào. Mặc dù thuật toán xếp hạng tìm kiếm của Fiverr là bí mật được bảo vệ cẩn thận, nhưng việc bị hủy bỏ một đơn hàng nào đó không phải là tin tốt. Đặc biệt nếu bạn muốn nằm trong danh sách các freelancer được xếp hạng đầu tiên trong tìm kiếm. Bạn sẽ muốn cố gắng hết sức để tránh điều này. Bất cứ điều gì không rõ ràng về yêu cầu của khách hàng? Bạn hãy gửi tin nhắn. Nếu bạn dự tính thời gian hoàn thành công việc bị hoãn lại? Hãy nhắn tin thông báo cho khách hàng.

Không nên

  • Thứ tư, bạn đừng vội tin vào những hứa hẹn trong lần đầu làm việc với một khách hàng mới. Đây là một chiêu bài mặc cả mà tất cả các khách hàng trên Fiverr đều dùng để thương lượng giá cả với các freelancer. Đừng hạ giá dịch vụ của mình vội nhé! Đó thường chỉ là một chiến thuật và không có gì đảm bảo vị khách hàng đó sẽ quay lại. Nếu họ trở thành khách hàng quen với đôi ba lần quay lại và quá trình làm việc suôn sẻ, thì tại thời điểm này, bạn có thể cân nhắc xem xét đưa ra cho họ một mức giá ưu đãi để giữ chân khách hàng đáng giá.
  • Thứ sáu, bạn đừng giảm giá dịch vụ của mình. Khách hàng luôn muốn được giảm giá trong mỗi lần đàm phán. Những khách hàng yêu cầu giảm giá đã cho bạn biết mối quan tâm chính của họ chính là giá cả. Họ không quan tâm đến việc bạn hoàn thành một công việc tốt. Họ muốn một sản phẩm tiết kiệm. Vì họ là người tiết kiệm, họ thường sẽ khiến bạn đau đầu theo những cách khác. Họ có thể yêu cầu sửa đổi thêm nhưng sẽ không muốn trả tiền cho chúng. Hay họ cũng muốn thêm những thứ ngoài phạm vi của thỏa thuận vì họ muốn nhận nhiều hơn cho số tiền mà họ bỏ ra. Nếu bạn đồng ý giảm giá, bạn phải làm nhiều việc hơn từ tất cả các yêu cầu bổ sung của họ. Đừng làm điều đó.
  • Và cuối cùng, đừng suy nghĩ quá nhiều. Hãy cứ bắt tay vào việc thôi. Nhìn chung, Fiverr là một nơi ổn áp để bắt đầu sự nghiệp freelancer của bạn. Chỉ cần bạn nhận thức được cách nền tảng đó và người dùng hoạt động nghĩa là bạn sẽ có thể tận dụng tối đa trải nghiệm của mình với nó. Hãy đăng ký tài khoản và bắt tay vào việc ngay thôi!

Lời kết

Vậy là chúng ta đã đi qua hết các phần chính cần biết về nền tảng Fiverr rồi. Đương nhiên, nó có phần khác với các nền tảng việc làm freelance thông thường. Ở đây, bạn sẽ không phải đi tìm khách hàng. Nhưng ngược lại, cũng có khá nhiều thách thức, khó khăn cho các bạn mới bắt đầu. Hầu hết, tất cả các nền tảng dành cho freelancer đều khá coi trọng việc các khách hàng trước đánh giá bạn thế nào. Bạn có kiếm được nhiều khách hàng sau này không phụ thuộc rất nhiều vào những đánh giá tích cực. Vì vậy, khi làm việc trên các nền tảng freelancer nói chung hay Fiverr nói riêng, các bạn nên cố gắng để có được những phản hồi tốt cho dịch vụ của mình. Mình biết là để kiếm được công việc đầu tiên trên các nền tảng freelancer đều rất khó vì các bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều các freelancer giàu kinh nghiệm trên khắp thế giới. Nhưng các bạn đừng nản chí vội nhé. Mình sẽ có những chia sẻ về các bí kíp khiến giai đoạn đầu tiên ấy dễ dàng hơn trong những bài viết sau.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm: