Để gia nhập vào thế giới thương mại điện tử và bắt đầu một mô hình kinh doanh trực tuyến thì cũng không quá khó như nhiều bạn từng nghĩ. Thực chất, đó cũng chỉ là một công việc mang tính chất tiếp thị quảng cáo và buôn bán trong một thế giới phát triển nhanh chóng nhờ có mạng Internet. Nhiều người cho rằng nếu chỉ kinh doanh quy mô nhỏ thì không cần thiết quá nhiều bước chuẩn bị. Nhưng để công việc thuận lợi và phát triển lâu dài, bạn vẫn cần xây dựng một nền tảng thật vững chắc ngay từ ban đầu. Vì vậy, hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn 10 bước bài bản nhất để bắt đầu một doanh nghiệp online quy mô nhỏ.
1. Phác thảo ý tưởng
Bất kể một doanh nghiệp thành công nào cũng đều bắt đầu từ một ý tưởng độc đáo. Nhưng độc đáo thôi chưa đủ, bạn còn cần có câu trả lời thấu đáo cho những vấn đề sau để có cái nhìn toàn diện về việc xây dựng một doanh nghiệp. Bạn nên trả lời được tối thiểu các câu hỏi dưới đây để hoàn thiện ý tưởng của bạn hơn nhé.
- Doanh nghiệp của bạn sẽ làm về cái gì?
- Khách hàng của bạn là ai?
- Thị trường mục tiêu của bạn là gì?
- Sản phẩm/ dịch vụ chính mà bạn muốn cung cấp là gì?
- Đối thủ của bạn là những ai?
Đương nhiên, theo mình, chuyện lên ý tưởng cho doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào việc trả lời được những câu hỏi trên. Điều quan trọng là bạn phải luôn nhớ được giá trị cốt lõi và mục đích chính để bạn thành lập một doanh nghiệp ngay lúc ban đầu. Tất cả đều dựa vào câu hỏi “Tại sao”. Thế nên, trước khi trả lời các câu hỏi liên quan đến mặt hàng hay khách hàng, bạn hãy nghĩ đến lý do khiến bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh online. Câu hỏi này nên được trả lời một cách đơn giản, thực tế và sáng tạo. Để tìm ra được đáp án cho nó, bạn có thể nhìn vào những vấn đề ngoài thế giới hay vấn đề mà chính bạn gặp phải và đưa ra những giải pháp mà có thể biến thành ý tưởng kinh doanh.
2. Tìm kiếm nhu cầu và thị trường
Chúng ta vừa có được ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu một doanh nghiệp online. Bây giờ, chúng ta sẽ sang đến bước chuẩn bị đầu tiên. Bước này sẽ quyết định phần lớn sự thành bại của một doanh nghiệp online. Đúng vậy đấy, bạn phải tìm ra nhu cầu và thị trường trước tiên. Có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trau chuốt cho sản phẩm độc đáo của họ và sau đó, họ mới tập trung vào tìm thị trường. Nhưng bạn đừng dại mà làm vậy. Thị trường luôn là thứ mà bạn cần phải tập trung vào đầu tiên. Để tìm được hướng đi cho bước này, mình có đưa ra một số gợi ý như sau:
- Bạn hãy hỏi mọi người xem họ gặp phải những vấn đề gì? Xác đinh họ là ai và đưa ra giải pháp phù hợp với nhóm người đó. Internet là một thế giới mở cho tất cả mọi người, bạn có thể vào các diễn đàn online để xem vấn đề mà nhiều người mắc phải thông qua những thắc mắc của họ.
- Một cách khác là bạn có thể tham khảo các bên đối thủ cạnh tranh tiềm năng xem họ đang cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì. Bạn hãy tận dụng những thông tin và học hỏi từ đó nhé.
3. Lựa chọn sản phẩm của bạn
Đã đến lúc chúng ta chuyển sự tập trung tới ngôi sao của doanh nghiệp rồi. Đó chính là sản phẩm hoặc dịch vụ chủ đạo. Đừng lo lắng quá, bạn đã thực hiện một phần nhiệm vụ này trong các bước trước đó rồi. Đó là đảm bảo rằng sản phẩm bạn sắp bán là sản phẩm phù hợp với tiềm năng sinh lời cao. Nói cách khác, bước này yêu cầu bạn phải tiến thêm một bước nữa trong việc giải quyết vấn đề được đưa ra trong ý tưởng mà bạn nghĩ ra lúc đầu. Chính xác thì bạn sẽ làm gì để giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng mối quan tâm của mọi người? Việc đó sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào? Những câu hỏi bạn cần phải trả lời được liệt kê dưới đây.
- Sản phẩm/ dịch vụ của bạn là gì?
- Sản phẩm/ dịch vụ của bạn sẽ vận hành thế nào?
- Mối quan hệ giữa sản phẩm/ dịch vụ của bạn với người tiêu dùng là gì?
- Sản phẩm/ dịch vụ mà bạn định cung cấp đã đủ tốt để nổi bật được trên thị trường chưa?
4. Nghiên cứu thị trường
Giờ là lúc các bạn cần có cái nhìn tổng quát giữa ý tưởng, thị trường và sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Tóm lại, bạn phải tiến hành nghiên cứu thị trường. Một nghiên cứu thị trường bao gồm nhiều phần. Điều quan trọng là sản phẩm/ dịch vụ chính của bạn phải được tung ra thị trường một cách hoàn hảo. Để đảm bảo được điều đó, bạn phải dành thời gian để kiểm chứng và xem xét sản phẩm/dịch vụ của mình, xem xét và đánh giá một số sản phẩm xu hướng, nghiên cứu từ khóa, dự tính phản ứng của khách hàng tiềm năng đối với sản phẩm/ dịch vụ của bạn và còn rất nhiều điều mà bạn có thể làm để hiểu sâu hơn về thị trường hiện tại mà bạn sắp tham gia.
Bạn có thể dễ dàng thực hiện việc nghiên cứu thị trường thông qua hai cách này. Cách thứ nhất, bạn hãy xây dựng một website đơn giản dạng landing page để giới thiệu với khách hàng về sản phẩm/ dịch vụ sắp ra mắt cả mình và xem khách hàng có hứng thú và sẵn sàng chi trả không. Cách thứ hai là bạn có thể thực hiện bài kiểm tra “coffee shop”. Tất cả những gì bạn cần làm là tới một quan cafe. Trước đó, bạn hãy chuẩn bị một số biển báo nhỏ để thông báo với mọi người rằng họ có thể đổi lấy một loại đồ uống miễn phí bằng việc dành ra vài phút với bạn. Qua đó, bạn có thể thu thập những ý kiến của họ về sản phẩm/ dịch vụ của bạn và nhiều thông tin hữu ích khác.
5. Tìm hiểu đối thủ của bạn
Để tung các sản phẩm của mình ra thị trường, bạn phải xác định thương hiệu và vị trí phân khúc của mình trong đó. Phân tích đối thủ cạnh tranh của bạn để xem họ đang làm như thế nào cũng là một cách tốt và chuẩn bị trước cho những thách thức. Bạn có thể đặt những câu hỏi theo danh sách dưới đây:
- Đối thủ của bạn là ai?
- Họ đang giải quyết những vấn đề gì cho mọi người xung quanh?
- Khách hàng của họ là ai?
- Sản phẩm/ dịch vụ của họ là gì?
- Mọi người phản hồi thế nào về sản phẩm/ dịch vụ của họ?
6. Học về luật kinh doanh online
Có nhiều yếu tố có thể tạo ra thành công hoặc phá vỡ công việc kinh doanh của bạn nếu bạn không nhận thức được chúng. Nhìn chung thì nếu bạn không sẵn sàng học hỏi, bạn không thể trở thành một doanh nhân chứ đừng nói đến việc bắt đầu kinh doanh trực tuyến. Đương nhiên, đối với các công việc kinh doanh online, các luật lệ có lẽ sẽ đơn giản hơn kinh doanh truyền thống. Thế nhưng, vẫn có một số luật kinh doanh mà các bạn sẽ phải biết và tuân thủ. Chúng bao gồm:
- Quyền riêng tư và bảo mật
- Bản quyền và quyền kỹ thuật số
- Hình thành doanh nghiệp
- Doanh số bán hàng quốc tế
- Thuế bán hàng trực tuyến
7. “Xây dựng” cửa hàng online
Ai cũng biết rằng trong thời đại thông tin này, mọi thứ đều đa dạng, bao gồm cả khách hàng của bạn cũng như nhu cầu và mong muốn của họ. Nếu bạn hiểu khách hàng của mình, bạn sẽ biết trải nghiệm mua sắm tổng thể đã thay đổi cuộc chơi thực sự giữa các doanh nghiệp như thế nào trong thương mại trực tuyến. Do đó, mình sẽ hỗ trợ bạn xây dựng và tạo ra trải nghiệm mua sắm lý tưởng cho khách hàng của bạn. Và, bước đầu tiên bạn có thể làm là tham khảo một số nền tảng thương mại điện tử như Magento, Shopify để hiểu rõ hơn về các bước bên dưới.
Xây dựng nội dung bán hàng thu hút và có hồn
Nội dung hấp dẫn là nội dung mà ngay ban đầu có thể thu hút những người ghé qua website bán hàng của bạn. Khách hàng lúc ban đầu cũng chỉ là những người lướt qua trang web. Kể từ lúc đầu tiên họ ghé xem trang web của bạn đến lúc họ quyết định bỏ tiền mua một sản phẩm nào đó cũng là cả một quá trình. Vì vậy, những nội dung bạn đăng trên trang web quyết định phần lớn người xem đó có trở thành khách hàng hay không. Bạn hãy nhớ viết từ quan điểm của khách hàng, luôn hướng dẫn họ trong suốt quá trình bán hàng và giúp họ trả lời câu hỏi “Tôi được lợi gì từ sản phẩm/ dịch vụ này?”.
Thiết kế giao diện website
Có một điểm chính bạn phải chú ý ở đây chính là giữ cho website của bạn trông đơn giản và thân thiện với người dùng. Khách truy cập vào trang web của bạn không lâu và bạn phải thu hút sự chú ý của họ trong vòng vài giây đầu tiên. Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải giữ cho định hướng và thông điệp bạn muốn truyền tải tới khách hàng của mình rõ ràng và đơn giản.
Tối ưu SEO
Search Engine Optimization (SEO) có thể hiểu đơn giản là quá trình nhận được lưu lượng truy cập từ các kết quả tìm kiếm một cách miễn phí, không phải trả tiền trên các công cụ tìm kiếm. Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng gõ vào các công cụ tìm kiếm như Google những câu hỏi “làm thế nào”, “là cái gì”, “khi nào”, “tại sao” hàng ngày. Thông thường, chúng ta sẽ click vào trong vòng 10 kết quả tìm kiếm đầu tiên. Vì vậy, việc tối ưu SEO để đẩy vị trí trong danh sách kết quả tìm kiếm lên cao sẽ tăng cơ hội mọi người lướt qua và truy cập vào website của bạn. Như vậy cũng là một cách tốt để thu hút và tăng cơ hội bán hàng hơn. Chúng ta đều biết rằng Internet có nghĩa là kiến thức và thông tin. Mọi người sử dụng Internet để tìm thông tin họ muốn và cần. Vì vậy, một thủ thuật khác là cung cấp thông tin miễn phí cho người xem. Đây chính là một cách hữu hiệu để đẩy cơ hội lọt top kết quả tìm kiếm trên Google.
8. Bắt tay vào sản xuất
Một khi bạn đã thiết lập xong thị trường, trang web và sản phẩm mà bạn nghĩ đến, đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo đấy là nhập hoặc sản xuất ra sản phẩm để kinh doanh. Vì vậy, làm thế nào bạn có thể tìm nguồn sản phẩm cho cửa hàng online nhỏ của mình? Dưới đây là một số phương pháp:
- Làm việc trực tiếp với nhà sản xuất
- Làm việc với các nhà bán buôn
- Hoặc, chỉ cần làm sản phẩm của riêng bạn
Mình đã từng chia sẻ chi tiết về các bước này trong một bài viết về kinh doanh online trước đây. Các bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể xem ở đây nhé.
9. Một số kỹ năng marketing và gia tăng doanh số bán hàng online
Email marketing
Bạn cần biết rằng một danh sách email là tài sản rất quý bau khi kinh doanh online. Khi xây dựng một cửa hàng online hay một kênh bán hàng online, bạn nên xây dựng dần danh sách khách hàng tiềm năng. Khi bạn có lượng lớn liên hệ từ danh sách này, các chiến dịch quảng cáo qua email sẽ thành công hơn rất nhiều. Để có được danh sách email chất lượng cao, bạn nên tận dụng các liên hệ có được từ khách hàng cũ và cố gắng cải thiện quảng cáo cập nhật cũng như dịch vụ cho sản phẩm của mình.
Bán chéo sản phẩm (Cross-sell) và Bán hàng gia tăng sản phẩm (Upsell)
Đây là hai kỹ năng gia tăng doanh thu mà tất cả những người làm kinh doanh nào cũng sẽ áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Nếu bạn chưa biết đến chúng, hãy tìm hiểu cùng mình nhé. Upsell là chiến lược bán phiên bản cao cấp hơn, đắt tiền hơn của sản phẩm mà khách hàng đã sở hữu hoặc đang mua. Một phiên bản cao cấp có mẫu mã cao hơn, tốt hơn của sản phẩm hoặc cùng một sản phẩm với các tính năng giá trị gia tăng làm tăng giá trị cảm nhận của sản phẩm. Bán chéo là chiến lược bán sản phẩm liên quan đến sản phẩm mà khách hàng đã sở hữu hoặc đang mua. Những sản phẩm như vậy thường thuộc các danh mục sản phẩm khác nhau nhưng sẽ bổ sung cho nhau, chẳng hạn như tất với một đôi giày hoặc pin cho đồng hồ treo tường. Sẽ còn rất nhiều kỹ năng bán hàng khác mà bạn cần biết để nâng cao thu nhập từ việc kinh doanh online. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong những bài viết sau nhé.
10. Học tập từ những chuyên gia và những người kinh doanh online thành công
Kể cả khi bạn đã đưa doanh nghiệp trực tuyến của mình đi vào hoạt động và mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, bạn vẫn nên dành thời gian để học hỏi và cập nhật từ những người đi trước hay những người cùng kinh doanh online đạt được nhiều thành tựu. Những người thành công trong lĩnh vực mà họ lựa chọn thường có một số loại kế hoạch, mục đích, lý tưởng hoặc công thức mà họ sống theo để duy trì lợi thế và đạt được thành công mà họ có. Những phương pháp từng được thử nghiệm và áp dụng là vô giá và chắc chắn là khôn ngoan để thử và bắt chước. Bạn hãy thử nghiên cứu chúng và điều chỉnh để áp dụng được cho bản thân mình xem sao. Điều này cũng giúp bạn tránh khỏi việc vấp phải những sai lầm trong kinh doanh giống những người đi trước. Khi bạn biết trước, bạn sẽ tiết kiệm cả tiền bạc, công sức và thời gian. Đôi khi, khi bạn theo dõi chặng đường thành công của người khác, bạn sẽ thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh và sự bền bỉ khi bắt đầu một doanh nghiệp online của riêng mình. Bạn sẽ không nhanh bị nản chí nhờ vào những tấm gương và hi vọng rằng mình sẽ thành công như họ trong một ngày không xa.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã đi qua hết 10 bước chi tiết để vận hành một mô hình kinh doanh trực tuyến nhỏ. Bây giờ là lúc bạn bắt tay vào ngay bước đầu tiên đi thôi. Bạn hãy cứ bám sát theo hướng dẫn của mình thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào thất bại từ những khâu nhỏ như vậy được đâu. Điều cốt lõi của mọi sự thành công là lý do tiên quyết khi bạn lên ý tưởng kinh doanh và sự kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ. Bạn hãy tập trung vào những yếu tố này nhé!