Khởi đầu một công việc kinh doanh trên Shopee như thế nào?

Hoa Thảo // Ecommerce

0 Comments

December 21

Nếu bạn đã sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng thương hiệu của mình bằng cách tận dụng mùa mua sắm cuối năm, tốt hơn hết hãy đảm bảo rằng cửa hàng trực tuyến của bạn đã sẵn sàng. Cụ thể hơn, cửa hàng online mà mình nhắc đến sẽ nằm trên nền tảng thương mại điện tử số một tại Việt Nam. Đó chính là Shopee. Shopee hiện là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu cả nước với khoảng 54,6 triệu người dùng hàng tháng. Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc rằng làm thế nào để trở thành người bán hàng trên Shopee? Việc thiết lập cửa hàng rất dễ dàng. Bạn thậm chí có thể làm tất cả thông qua ứng dụng trên điện thoại. Nếu bạn thích sử dụng máy tính thì cũng được thôi, mình sẽ đi cùng các bạn những bước đầu tiên nhé.

1. Shopee là gì?

Shopee là một nền tảng thương mại điện tử tập trung vào người tiêu dùng và hướng đến công nghệ ở Đông Nam Á. Nền tảng này đã trở nên phổ biến ở Philippines, Singapore, Malaysia và các nơi khác. Shopee được thành lập nhằm mục đích cung cấp quyền truy cập vào một loạt các sản phẩm và giống như eBay hoặc Amazon ở Bắc Mỹ, cho phép cả người bán cá nhân và doanh nghiệp đã thành lập bán hàng hóa trên nền tảng của họ. Công ty lần đầu tiên được ra mắt nắm 2009 tại bảy quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Bây giờ, nó cũng được biết đến và sử dụng ở một số quốc gia thuộc Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Ấn Độ.

Hiện nay, hầu hết các bạn đều biết đến Shopee dưới dạng một trang thương mại điện tử chuyên thực hiện các giao dịch giữa người kinh doanh và khách hàng phải không? Nhưng bạn có biết không? Shopee ban đầu bắt đầu như một thị trường chuyên hỗ trợ cung cấp các giao dịch giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C). Sau đó, nó đã chuyển đổi sang mô hình kinh doanh kết hợp phục vụ cho cả giao dịch C2C và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Ngoài ra, Shopee còn hợp tác với một số đơn vị vận chuyển khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao sản phẩm. Shopee gọi họ là “đối tác hậu cần được hỗ trợ” và Shopee cũng tích hợp cung cấp dịch vụ theo dõi lô hàng trong ứng dụng của họ.

Shopee hoạt động tương tự như các nhà bán lẻ trực tuyến khác trên thế giới ở chỗ người mua hàng có thể nhập những gì họ đang tìm kiếm vào công cụ tìm kiếm hoặc duyệt theo danh mục. Nếu khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm các mã giảm giá, Shopee sẽ làm việc ấy trở nên dễ dàng hơn bằng cách hiện ngay ra các flashsale trong ngày trên trang chủ của Shopee. Người mua hàng cũng có thể mua sắm theo khu vực. Khi ở trên trang chủ, người mua sắm có thể chọn quốc gia cư trú của họ và được tự động chuyển hướng đến giao diện các cửa hàng phục vụ quốc gia và đơn vị tiền tệ của họ.

2. Tại sao nên kinh doanh online trên Shopee?

Bắt đầu kinh doanh online hoàn toàn miễn phí

Khi chọn sử dụng Shopee, bạn sẽ không phải lo lắng về bất kỳ khoản phí nào liên quan đến việc khởi tạo một gian hàng hay công việc buôn bán kinh doanh của bạn. Đây có lẽ chính là ưu điểm lớn nhất và khiến nhiều người kinh doanh online tìm đến Shopee khi bắt đầu dấn thân vào mảng thương mại điện tử. Thay vì việc bạn phải mua tên miền hay thiết kế website để tạo ra một nơi cho khách hàng vào tham quan và mua sắm, bạn hoàn toàn có thể tạo một gian hàng trên Shopee mà không mất một đồng chi phí nào. Sau khi đăng ký một gian hàng trên Shopee, bạn có thể đăng sản phẩm, giới thiệu các thông tin và hình ảnh của sản phẩm. Shopee cũng có chính sách hỗ trợ quảng cáo cho các mặt hàng bạn bán trên nền tảng này. Vì vậy, đây là một lợi thế và một điểm bạn nên cân nhắc lựa chọn Shopee khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh online.

Không phải lo về việc tìm kiếm và thu hút nguồn khách hàng

Shopee được biết đến như một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất và uy tín hàng đầu khu vực. Với vị thế mà Shopee đang đảm nhận, rõ ràng nó sẽ thu hút được rất nhiều khách hàng. Với lượng lớn người truy cập và đặt đơn hàng hằng ngày thì việc kinh doanh cùng Shopee là lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của các bạn mới bắt đầu. Khi bắt đầu kinh doanh, việc chọn sàn thương mại điện tử có lượng khách hàng lớn và ổn định sẽ có khả năng tăng doanh số bán hàng của bạn. Bạn có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, giúp bạn bán được hàng, tăng doanh thu và cải thiện đáng kể lợi nhuận đấy nhé.

Mã giảm giá đến từ Shopee

Nếu bạn đang khởi nghiệp một công việc kinh doanh thì Shopee thực sự là sự lựa chọn lý tưởng nhất cho bạn nhờ có khả năng kích cầu và thu hút khách hàng thông qua các mã giảm giá, khuyến mãi giá trị và hấp dẫn nhằm tăng lượng khách hàng quan tâm và đặt hàng dễ dàng hơn. Khi bạn sử dụng nền tảng Shopee, mã giảm giá được tạo tự động và việc quản lý các mã giảm giá cũng khá đơn giản, hiệu quả và đầy đủ. Chủ của “gian hàng” có thể tạo mã giảm giá cho những sản phẩm trong cửa hàng của họ theo từng đợt. Chính tính năng hữu ích này có thể hỗ trợ quảng bá hình ảnh công ty thông qua các chương trình giảm giá và thu hút khách hàng. Công việc kinh doanh online sẽ hiệu quả hơn. Nhìn chung, tâm lý của khách hàng khi mua sắm rất dễ bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Vậy nên, nhờ có các loại mã giảm giá trên Shopee, bạn sẽ thu hút được nhiều khách hàng tham quan gian hàng của bạn và tăng cơ hội bán được hàng hơn.

Chính sách vận chuyển nhanh chóng

Một lý do nữa khiến Shopee trở thành kênh thương mại điện tử phù hợp cho các shop bán hàng online mới mở đấy chính là hệ thống chính sách vận chuyển hỗ trợ cho người bán hàng rất tốt. Nếu bạn kinh doanh online thông qua các kênh khác như website bạn tự xây dựng hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý cả việc vận chuyển các đơn hàng nữa. Khi đó, bạn sẽ phải sử dụng các dịch vụ vận chuyển thông thường. Khi mới bắt đầu công việc kinh doanh và số lượng đơn hàng bán được vẫn còn ít, phí vận chuyển sẽ cao hơn bạn nghĩ đấy. Ngược lại, nếu bạn kinh doanh trên nền tảng Shopee, việc vận chuyển sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì bạn chỉ cần chuẩn bị đóng gói đơn hàng. Sau đó, các đơn vị vận chuyển có liên kết với Shopee sẽ đến tận nơi và lấy đơn hàng đó để giao tới khách hàng. Khi đó, Shopee cũng sẽ thay mặt bạn xử lý những vấn đề phát sinh nếu có trong quá trình vận chuyển.

3. Cách đăng ký tài khoản bán hàng trên Shopee

Để đăng ký tài khoản và trở thành người bán hàng trên Shopee, bạn chỉ cần làm một số bước đơn giản như dưới đây thôi. Nếu bạn đã quyết định thử sức với công việc kinh doanh thông qua nền tảng Shopee, bạn hãy làm cùng mình nhé.

Bước 1

Đầu tiên, bạn hãy mở website của Shopee tại đây và chọn “Đăng ký”.

Bước 2

Sau đó, bạn sẽ nhận được một mã OTP gửi về số điện thoại mà bạn đăng ký. Bạn hãy nhập mã đó vào theo yêu cầu của Shopee và thiết lập mật khẩu cho tài khoản của mình. Tiếp theo, bạn hãy hoàn tất các bước đăng ký liên quan đến thông tin cơ bản của shop, phương thức vận chuyển và đăng bán sản phẩm đầu tiên.

Bước 3

Để đăng bán sản phẩm trên gian hàng Shopee, bạn hãy xem phần tiếp theo bên dưới của mình nhé. Mình cũng có đôi dòng chia sẻ với các bạn về cách thức đăng bán sản phẩm đúng quy định của Shopee đấy. Còn bây giờ, bạn đã vào được trang chủ quản lý các hoạt động trong gian hàng của bạn. Bạn hãy dành thời gian để tối ưu hóa các tính năng trong đó nhằm phục vụ việc kinh doanh của bạn hiệu quả hơn.

4. Đăng sản phẩm trên gian hàng Shopee theo đúng quy cách

Để đăng sản phẩm trên gian hàng Shopee đúng quy cách, có 6 vấn đề mà bạn cần chú ý và bám sát trong cả quá trình: hình ảnh sản phẩm, tên sản phẩm, thông tin mô tả, danh mục, giá bán và phí vận chuyển. Mình sẽ hướng dẫn các bạn tùng bước cụ thể nhé.

Hình ảnh sản phẩm

Hình ảnh sản phẩm phải được chụp rõ ràng, chi tiết. Bạn không được để lọt những thông tin trực tiếp liên quan đến shop hoặc thông tin thanh toán tới shop. Bên cạnh đó, Shopee yêu cầu người bán hàng cung cấp một hình ảnh thật của sản phẩm. Trong ảnh này, sản phẩm phải chiếm 40% diện tích toàn bức ảnh.

Thông tin mô tả sản phẩm

Người bán hàng cần cung cấp mô tả đầy đủ và chi tiết về sản phẩm đó bao gồm những thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, thuộc tính sản phẩm và chế độ bảo hành (nếu có). Nếu cung cấp được giấy tờ chứng minh xuất xứ thì người bán mới có thể để tên nhãn hàng trong phần miêu tả. Sản phầm cần được miêu tả nhằm giúp khách hàng hiểu được những đặc điểm, công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng của sản phẩm.

Tên sản phẩm

Bạn phải dùng Tiếng Việt có dấu, rõ ràng và không được viết tắt hoặc dùng các ký hiệu đặc biệt. Nếu sản phẩm có tên thương hiệu thì bạn vẫn phải giải thích rõ ràng và ngắn gọn loại sản phẩm đó nhằm cung cấp đủ thông tin cho khách hàng. Nếu sản phẩm là bộ hoặc theo set thì bạn cũng phải miêu tả rõ trong phần tên sản phẩm. Quan trọng hơn cả, tên sản phẩm phải trùng khớp với hình ảnh sản phẩm mà bạn đã cung cấp ở trên.

Danh mục sản phẩm

Người bán phải sắp xếp từng sản phẩm trong shop vào đúng danh mục để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm. Nếu bất chợt có một sản phẩm không thuộc danh mục nào mà bạn đã tạo, bạn phải liệt kê nó vào danh mục “Sản phẩm khác”. Nếu bạn chọn sai danh mục cho một sản phẩm nào đó, sản phẩm đó sẽ bị khóa đến khi bạn cập nhật nó vào danh mục đúng.

Giá bán

Ở thị trường Việt Nam, đơn vị tiền tệ cho giá bán hay bất kể giá khuyến mãi nào cũng phải là Việt Nam Đồng. Nếu bài đăng của bạn dành cho nhiều sản phẩm, bạn phải liệt kê chi tiết giá cho từng loại một. Giá sản phẩm cũng cần được làm rõ đối với những sản phẩm có kích cỡ, màu sắc hay chất lượng khác nhau.

Phí vận chuyển

Đối với phần này, người bán phải xác định chính xác khối lượng và kích thước của sản phẩm để áng chừng khoảng chi phí vận chuyển. Sau khi đóng gói xong sản phẩm để chuẩn bị chuyển đi, người bán hàng sẽ tiến hành đo kích thước và cân trọng lượng của gói hàng để đăng ký trên hệ thống vận chuyển của Shopee. Các chủ shop cần phải tính chính xác và trung thực trong phần chi phí này.

5. Các quy định về dịch vụ và chi phí đối với người kinh doanh

Như mình đã từng chia sẻ với các bạn về các bước chuẩn bị cho việc bắt đầu kinh doanh online trong những bài viết trước, bất kể mô hình kinh doanh của bạn lớn hay nhỏ thì bạn cũng đều phải tìm hiểu về luật kinh doanh online. Tương tự như vậy, trước khi bạn tiến hành mở một gian hàng để kinh doanh trên Shopee, bạn cũng nên tìm hiểu qua các quy định hoạt động của nền tảng để tránh những hiểu nhầm và rủi ro đáng tiếc trong quá trình làm việc.

Chi phí đối với người bán hàng trên Shopee

Đối với các chủ shop trên Shopee, có 3 loại phí mà các bạn cần lưu ý. Đấy là phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ. Mình sẽ giải thích kỹ hơn về mỗi loại phí ở bên dưới.

  • Phí thanh toán: Phí thanh toán được áp dụng cho tất cả những người bán hàng trên Shopee. Mỗi một đơn hàng giao dịch thành công trên Shopee sẽ bị khấu trừ một khoản phí thanh toán trước khi Shopee hoàn lại khoản thanh toán của đơn hàng đó vào tài khoản Shopee của người bán. Hiện tại, mức phí thanh toán trên Shopee là 2.5% trên mỗi đơn hàng cho tất cả các loại hình thanh toán.
  • Phí cố định: Đây được coi như một phần hoa hồng trích từ mỗi đơn hàng đã giao dịch thành công thông qua Shopee. Đối với những người bán không thuộc Shopee Mall, bạn sẽ phải trả 2.5% giá trị đơn hàng (bao gồm VAT). Còn nếu bạn thuộc nhóm người bán Shopee Mall, mỗi ngành sản phẩm sẽ được áp dụng một mức phí cố định khác nhau. Tuy nhiên, nếu shop nào tham gia các loại dịch vụ của Shopee, có thể phí cố định sẽ được miễn trong thời gian tham gia các chương trình đó.
  • Phí dịch vụ: Nếu bạn sử dụng các dịch vụ của Shopee như Freeship Xtra, Freeship Xtra Plus và Hoàn xu Xtra, bạn sẽ phải thanh toán một khoản phí dịch vụ. Các khoản phí này sẽ được tự động trừ vào thanh toán của đơn hàng mỗi khi hoàn tất.

Chính sách vận chuyển của Shopee

Shopee sẽ hỗ trợ vận chuyển hầu hết các đơn hàng của các shop. Tuy nhiên, theo đúng quy định, sẽ có một số danh mục hàng hóa mà Shopee không hỗ trợ vận chuyển. Bạn có thể tra cứu các mặt hàng đó ở đây. Nhìn chung thì chúng là những mặt hàng như thực phẩm, đồ uống cần bảo quản đặc biệt, chất dễ gây cháy nổ như xăng dầu, kim loại quý, hàng hóa có giá trị cao hay các hàng hóa có hình dạng vũ khí. Nếu người bán vẫn cố tình sử dụng dịch vụ vận chuyển của Shopee để vận chuyển những loại hàng hóa này, Shopee sẽ không chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra trong quá trình vận chuyển.

Trước khi nhân viên vận chuyển đến lấy hàng, các chủ cửa hàng phải hoàn tất công đoạn đóng gói và dán nhãn. Nếu người bán hàng không đóng gói cẩn thận thì các vấn đề trong quá trình vận chuyển sẽ không thuộc về Shopee (trong trường hợp khách nhận hàng vẫn còn nguyên niêm phong mà hàng bị hỏng hoặc không sử dụng được). Shopee sẽ tiếp nhận xử lý và bồi thường những vấn đề trong vòng 7 ngày kể từ khi khoản tiền hàng của đơn hàng được chuyển vào Ví Shopee kèm theo các hình ảnh vận đơn, tình trạng gói hàng trước khi gửi và sau khi khách nhận được đơn hàng.

Quy định đăng bán sản phẩm trên Shopee

Người bán hàng có thể đăng bán các sản phẩm trên gian hàng Shopee của mình nhưng vẫn phải tuân thủ những quy định của Shopee. Shopee nghiêm cấm bán những mặt hàng bị pháp luật nghiêm cấm và các văn hóa phẩm đồi trụy. Ngoài ra, Shopee còn không cho phép đăng những nội dung chống phá, phản động, bạo lực và phân biệt chủng tộc, quốc gia; những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, trong quá trình đăng hình ảnh và thông tin về sản phẩm, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau.

  • Sử dụng những hình ảnh, thông tin vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
  • Cung cấp thông tin, hình ảnh sai lệch và gây nhầm lẫn về mục đích, chất lượng, kiểu dáng, mà sắc, xuất xứ, chủng loại của sản phẩm.
  • Đăng những thông tin, nội dung cạnh tranh không lành mạnh với những người bán khác.
  • Các thông tin trực tiếp của shop bao gồm hình ảnh, logo, địa chỉ, hotline, đường link của doanh nghiệp hoặc website mua bán khác.
  • Đăng cùng một sản phầm trong cùng một danh mục hoặc tất cả các danh mục trong gian hàng của bạn (spam).

Lời kết

Nhìn chung, Shopee là một nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ cho một người mới kinh doanh trên rất nhiều phương diện. Quan trọng hơn cả là bạn sẽ không phải bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc thiết lập một gian hàng online. Bạn cũng không cần bận tâm quá nhiều đến việc thu hút nguồn khách hàng. Các bước đăng ký làm người bán trên nền tảng Shopee cũng khá là đơn giản. Bạn chỉ cần lưu ý một số quy định về hàng hóa cũng như cách thức vận chuyển của nền tảng trước khi đi vào hoạt động. Đây là một cơ hội tốt cho bạn thử sức trong công việc vận hành kinh doanh của riêng mình. Mình mong các bạn sẽ thử và thành công.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>