15 chiến lược tăng doanh số hiệu quả dành cho công việc kinh doanh online

Hoa Thảo // Online Business

0 Comments

February 17

Cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID tạo ra đã đẩy nhanh đáng kể việc chuyển đổi sang không gian kỹ thuật số. Đây là một cú hích đối với các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc chuyển đổi kỹ thuật số thành những gian hàng online trên các sàn thương mại điện tử hay xây dựng những website bán hàng riêng. Sau đại dịch, ngoài ngành thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp truyền thống B2B và B2C hiện đã nhận ra tầm quan trọng của việc mở rộng sang mảng kinh doanh online và phải có chiến lược kinh doanh trực tuyến rõ ràng. Do đó, các doanh nghiệp phải củng cố vị trí của mình trên thị trường trực tuyến và tập trung tăng doanh số bán hàng trực tuyến để tăng trưởng. Có một chiến lược tương tác với khách hàng online vững chắc và được thực hiện đúng cách có thể giúp tăng đáng kể doanh số bán hàng trực tuyến. Dưới đây là một số các chiến lược để cải thiện doanh số bán hàng trực tuyến. Các bạn cùng mình tham khảo nhé!

1. Xác định rõ mục tiêu về doanh số bán hàng

Bất kể là bạn đang kinh doanh theo hình thức truyền thống hay online thì bước quan trọng đầu tiên là xác định rõ mục tiêu về doanh số bán hàng. Doanh số mục tiêu chính là phần trăm tăng trưởng mà bạn hướng đến dựa trên một kế hoạch cụ thể nào đó, và nó cũng phải phù hợp với mục tiêu doanh thu của bạn nữa. Việc xác định các chỉ số mục tiêu là rất quan trọng trong từng giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Việc nhìn lại lịch sử kinh doanh là cách tốt nhất để có được những ý tưởng cơ bản về việc thiết lập các mục tiêu bán hàng mới cho tương lai.

2. Tập trung vào thông điệp thương hiệu

Theo một số nghiên cứu thì trung bình, mỗi khách hàng sẽ lướt qua một thương hiệu mới và đánh giá chúng chỉ trong vòng 15 giây. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó chính là cơ hội để bạn gây ấn tượng với khách hàng. Vì vậy, bạn cần phải cho khách hàng thấy được những giá trị của sản phẩm hay dịch vụ của bạn đối với nhóm khách hàng mục tiêu. Thông điệp thương hiệu là một hình thức trình bày về giá trị độc đáo được truyền đạt tới khách hàng để truyền cảm hứng cho họ mua sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Thông điệp của bạn càng nhất quán thì thương hiệu của bạn sẽ càng độc đáo và thu hút khách hàng bất kể là thông qua từ ngữ, hình ảnh, hay video. Thương hiệu bạn muốn truyền đạt cần đáp ứng được vai trò tạo nhận thức, phát triển niềm tin và lòng trung thành của khách hàng.

3. Triển khai trò chuyện trực tiếp (live chat) để nâng cao hiệu quả trong bán hàng

Live chat là một trong những kênh giao tiếp mà khách hàng ưa thích nhất. Khoảng 79% người tiêu dùng thích trò chuyện trực tiếp trong khi mua sắm hơn vì họ không phải chờ đợi nhóm hỗ trợ khách hàng phản hồi sau ít nhất là vài tiếng đồng hồ. Việc live chat hỗ trợ khách hàng dẫn đến doanh thu mỗi giờ tăng 48%. Sử dụng trò chuyện trực tiếp có thể tạo ra nguồn khách hàng tiềm năng khi khách hàng có thể liên hệ với người bán hàng và nhận được sự giải đáp tức thì giúp họ đưa ra quyết định mua sản phẩm của bạn một cách nhanh chóng.

4. Tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng (UX/UI) trên website

Một website có thiết kế đẹp, cấu trúc đơn giản, logic và hoạt động tốt sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi mua sắm online. Các thương hiệu lớn như BMW, Apple và Nike không ném hàng triệu đô la vào việc thiết kế website chỉ cho đẹp. Họ biết rằng cải thiện trải nghiệm người dùng trên website sẽ giúp bán hàng tốt hơn. Trên thực tế, hình thức và cách thức hoạt động của một trang web chính là lý do chính khiến khách hàng mua hàng của chúng ta. Việc thiết kế trải nghiệm website đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về những trở ngại mà khách hàng sẽ gặp phải. Khi các trang web đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để tăng doanh số bán hàng trực tuyến, điều quan trọng bạn cần phải làm chính là phải tập trung vào việc thiết kế trải nghiệm website thân thiện với khách hàng mà vẫn làm nổi bật những cốt lõi chính của doanh nghiệp.

Thiết kế giao diện website

5. Triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ chuyển đổi bán hàng 24/7

Như mình đã chia sẻ bên trên, việc giao tiếp và hỗ trợ kịp thời đóng vai trò rất lớn trong những quyết định mua sắm từ khách hàng. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một “đồng minh” mạnh mẽ cho các doanh nghiệp với nhiều cơ hội để tạo ra khách hàng tiềm năng. Chủ yếu là vì nó cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và chính xác cho các giai đoạn bán hàng khác nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp đang đầu tư rất nhiều vào việc triển khai chatbot để bán hàng và tạo khách hàng tiềm năng với những khách hàng có ý định mua sắm cao. Theo một số thống kê cho thấy, tỷ lệ chuyển đổi bán hàng trực tuyến có thể tăng lên tới 30% khi sử dụng chatbot tương tác với các khách hàng tiềm năng.

6. Chạy quảng cáo online để tăng doanh số bán hàng trực tuyến

Chạy quảng cáo là một cách tuyệt vời để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, giúp quảng bá thương hiệu của bạn tới nhiều đối tượng và giúp tăng lưu lượng truy cập website. Bạn có thể chạy quảng cáo Google hoặc chạy quảng cáo trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook hoặc Instagram để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ quảng cáo tuyệt vời cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn đạt được doanh số bán hàng tốt hơn.

7. Cung cấp sản phẩm dùng thử miễn phí mà không cần cam kết mua sắm

Nhìn chung, lý do khách hàng còn e ngại việc mua sắm trực tuyến vì họ chưa tin tưởng vào những thương hiệu online mới. Họ sợ mua hàng trực tuyến do có nhiều rủi ro liên quan đến việc chia sẻ một số thông tin cá nhân hoặc thực hiện các cam kết. Do đó, bạn hãy thử cung cấp sản phẩm dùng thử miễn phí trong khoảng thời gian 10-15 ngày. Bản demo miễn phí hoặc sản phẩm miễn phí là một chiến lược tuyệt vời để cải thiện doanh số bán hàng trực tuyến. Trong một khảo sát về kinh doanh online gần đây, đã có 62% công ty nhận thêm được 10% hoặc nhiều hơn doanh số bán hàng của họ từ việc cung cấp các bản dùng thử miễn phí.

8. Tăng doanh số bán hàng trực tuyến nhờ những review trải nghiệm sản phẩm thực tế

Đánh giá của những khách hàng trước đóng một vai trò rất lớn trong quyết định mua hàng của những khách hàng mới. Khi ai đó đang cân nhắc mua hàng hoặc cố gắng quyết định giữa hai thương hiệu khác nhau, họ sẽ thường tìm đến những người khác đã có kinh nghiệm và trải nghiệm về sản phẩm. Tâm lý mua sắm của chúng ta cũng vậy thôi. Chắc cũng không có gì quá ngạc nhiên khi mình chia sẻ rằng 9 trên 10 khách hàng đọc các đánh giá sản phẩm từ khách hàng trước khi quyết định mua hàng. Vì vậy, nhận được các bài đánh giá sâu sắc và chân thực về sản phẩm là rất quan trọng để thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn.

9. Thúc đẩy lượng truy cập thông qua các phương tiện truyền thông xã hội

Các phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ có giá trị cao hơn so với các phương tiện truyền thống trong việc hướng lưu lượng truy cập đến “cơ sở kinh doanh” của bạn, ở đây ý mình muốn nói đến website bán hàng của bạn. Chúng mang lại nhiều cơ hội để thu hút khách hàng và tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Một báo cáo của Forbes cho thấy 25% người dùng phương tiện truyền thông xã hội theo dõi các trang thương hiệu, điều này ảnh hưởng đến quyết định mua hàng cuối cùng của họ từ các cửa hàng bán lẻ và cá nhân kinh doanh trực tuyến. Rõ ràng, chúng ta có thể công nhận và đánh giá cao tiềm năng tăng doanh số thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram.

Quảng cáo sản phẩm kinh doanh trên mạng xã hội

10. Kết hợp hình ảnh và video sản phẩm chất lượng cao khi quảng cáo

Khi đăng tải những miêu tả sản phẩm để bán hàng, điều quan trọng là phải có hình ảnh sản phẩm hấp dẫn, chất lượng cao và trình bày chúng theo cách gây được dấu ấn riêng với khách hàng tiềm năng. Trong vòng nửa mili giây, có khoảng 90% thông tin được gửi đến não là hình ảnh và mọi người hình thành ấn tượng đầu tiên chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Nói chung, điều đó có nghĩa là hình ảnh ấn tượng chính là vũ khí giúp bạn thuyết phục khách hàng tiềm năng rằng sản phẩm của bạn đáng mua. Bạn có thể tối ưu hóa lượng thông tin được truyền tải qua những hình ảnh được thiết kế thu hút hoặc video sản phẩm chất lượng cao để giúp bạn tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

11. Giảm thiểu sự phức tạp trong khâu thanh toán

Bất kể bạn có làm tốt các bước trên đến thế nào, chỉ cần khách hàng không thanh toán thành công đơn hành thì doanh số bán hàng cũng coi như dậm chân tại chỗ. Trải nghiệm thanh toán phức tạp là một trong những lý do tại sao các doanh nghiệp bị giảm đáng kể doanh số bán hàng. Một số thống kê cho thấy các thương hiệu thương mại điện tử mất khoảng 18 tỷ đô la doanh thu bán hàng mỗi năm do có đến 26% người mua sắm sẽ bỏ đi nếu quy trình thanh toán quá phức tạp. Do đó, điều cần thiết là loại bỏ các yếu tố tạo ra sự khó khăn cho khách hàng khi thanh toán. Việc tích hợp các giải pháp thanh toán trong kênh cho phép những người kinh doanh online giới thiệu các tùy chọn thanh toán đa dạng và có thể được sử dụng để giữ chân khách hàng tốt hơn.

12. Cung cấp các chương trình ưu đãi và giảm giá lớn

Giá cả là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào. Giá thấp có thể thể hiện chất lượng thấp trong tâm trí người mua. Trước khi thực hiện bất kỳ chiến lược định giá nào, hãy biết khách hàng cảm thấy thế nào về sản phẩm của bạn để sự thay đổi về giá cả khuyến khích hành vi thị trường mà bạn muốn. Đôi khi, bạn có thể định giá sản phẩm cao để thể hiện đúng chất lượng và phân khúc của sản phẩm. Sau đó, bạn có thể thường xuyên chạy các chương trình giảm giá để kích thích việc mua sắm mà không cần hạ giá hay đem lại cảm giác rẻ tiền cho sản phẩm của mình.

13. Tận dụng cộng đồng để tăng doanh số bán hàng trực tuyến

Các diễn đàn cộng đồng là một trong những kênh tốt nhất cung cấp cho bạn biết những thông tin hay sản phẩm mà người tiêu dùng đang quan tâm. Bằng cách chủ động và tận dụng lợi thế của việc mở rộng người dùng và thông tin trên các diễn đàn, bạn có thể thay đổi cách bạn tương tác với khách hàng tiềm năng của mình. Chẳng hạn, Quora là một diễn đàn xã hội được xây dựng dựa trên chức năng Hỏi & Đáp và đây là một nguồn tài nguyên tuyệt vời để tìm hiểu xem đối tượng mục tiêu của bạn đang gặp vấn đề gì và bạn cần cung cấp gì để giải quyết ngay vấn đề của họ.

14. Đưa ra cam kết và bảo đảm hoàn lại tiền khi mua sắm (Money-back guarantee)

Bạn đã bao giờ có một trải nghiệm mua sắm online tồi tệ chưa, nhất là khi sản phẩm bạn mua về bị hỏng và không hoạt động được? Kể cả đó là một sản phẩm có giá trị không cao thì cũng khiến chúng ta hối hận khi mua sắm trực tuyến rồi. Vậy làm thế nào để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình nếu họ đã từng có những trải nghiệm không tốt trước đó? Chế độ đảm bảo hoàn tiền có thể giúp khách hàng vượt qua tâm lý e ngại như vậy khi mua sắm online. Khi bạn nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ quyết định của khách hàng tiềm năng, thì khả năng họ mua hàng của bạn càng cao. Bạn sẽ trở thành một người kinh doanh online khôn ngoan nếu bạn loại bỏ bất cứ thứ gì có thể ngăn cản khách hàng tiềm năng mua hàng của bạn. Nói một cách đơn giản, càng giảm thiểu rủi ro cho khách hàng thì bạn càng nâng cao được doanh số kinh doanh.

15. Nắm bắt những cơ hội để thu thập danh sách email từ khách hàng

Sau khi bán hàng hoặc có được những lượt khách hàng truy cập vào website, bạn cần có một động thái để chứng minh rằng mình là một người bán hàng chuyên nghiệp. Đó chính là duy trì liên lạc với những khách hàng đó cho việc kinh doanh trong tương lai. Có nhiều cách khác nhau để tiếp cận với khách hàng mới và khách hàng hiện tại. Một trong những lý do khiến mọi người bắt đầu theo dõi bạn trên mạng xã hội, đăng ký nhận bản tin email hoặc tham gia chương trình khách hàng thân thiết của bạn là để có quyền truy cập vào các ưu đãi độc quyền cho sự theo dõi, quan tâm của họ. Các thương hiệu dù lớn hay nhỏ đều thực hiện việc tự động hóa email để gửi đến từng khách hàng để cải thiện chuyển đổi bán hàng tốt hơn.

Các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng 

Thỉnh thoảng, bạn cũng nên thiết lập các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tới danh sách email để thúc đẩy doanh số đồng thời giúp cho sản phẩm và dịch vụ của bạn luôn xuất hiện trong tâm trí của khách hàng tiềm năng. Bạn cũng có thể sử dụng email để cho người đăng ký biết về các bài đăng blog mới và nội dung trang web khác mà họ có thể quan tâm.

Lời kết

Đương nhiên, ngoài những điều mình chia sẻ bên trên, sẽ còn có rất nhiều các chiến lược khác để tăng doanh số bán hàng nhưng sau những gì chúng ta đã trải qua sau 3 năm cùng với đại dịch COVID, việc sử dụng các chiến lược marketing online có thể là phương pháp tối ưu nhất để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến nhằm tăng trưởng kinh doanh tổng thể. Có nhiều kênh khác nhau được các doanh nghiệp sử dụng để cải thiện doanh số bán hàng trực tuyến như phương tiện truyền thông xã hội, tăng lưu lượng truy cập không phải trả tiền, chạy các chiến dịch quảng cáo trả tiền, v.v. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần liên tục đổi mới chiến lược bán hàng bằng cách lắng nghe khách hàng của họ để đáp ứng mô hình thay đổi liên tục. Mỗi chiến lược ở trên có thể tăng đáng kể doanh số bán hàng trực tuyến và tạo doanh thu cao trong những trường hợp phù hợp, nhưng lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp của bạn sẽ phụ thuộc vào sự hiểu biết của bạn về khách hàng mà bạn phục vụ vì khách hàng luôn là trung tâm của bất kể công việc kinh doanh nào.

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>