Những điều cơ bản cần biết khi bắt đầu bán hàng trên Amazon

Hoa Thảo // Ecommerce

0 Comments

January 3

Nói tới việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, bên cạnh các lựa chọn trong nước như Shopee, Tiki, Lazada thì Amazon là một trong những lựa chọn nổi bật nhất để bạn có thể tiếp cận thị trường quốc tế. Tiềm năng lợi nhuận là rất lớn và bạn có thể nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như phát triển doanh nghiệp của bạn sau khi đã thành lập. Nhiều người mới bắt đầu đi một mình và thấy quá trình này có vẻ khó khăn. Tuy nhiên, khi bạn chia nhỏ các khâu ra, nó không phức tạp như vẻ ngoài của nó. Nếu bạn làm theo các bước thích hợp và dành chút thời gian, bạn có thể bắt đầu kinh doanh thành công trên Amazon. Vậy nếu bạn đang băn khoăn hay đang có ý định bắt đầu kinh doanh trên Amazon, thì bạn đã đến đúng nơi rồi đấy. Trong bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn những chỉ dẫn căn bản nhất để giúp bạn bắt đầu hành trình bán hàng trên Amazon, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất hành tinh.

1. Amazon là gì?

Amazon (Amazon.com) là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Khởi đầu là một công ty bán sách trực tuyến, Amazon đã chuyển đổi thành một doanh nghiệp kinh doanh dựa trên internet, chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, điện toán đám mây, truyền phát trực tuyến kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Theo cách tiếp cận bán hàng từ Amazon đến người mua, công ty cung cấp một kho hàng khổng lồ, cho phép người tiêu dùng mua bất cứ thứ gì, bao gồm quần áo, đồ làm đẹp, thực phẩm cho người sành ăn, đồ trang sức, sách, phim ảnh, đồ điện tử, đồ dùng cho thú cưng, đồ nội thất, đồ chơi, vật dụng làm vườn và đồ gia dụng. Amazon có trụ sở chính ở Seatle, Mỹ nhưng các trang web riêng lẻ, trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm dịch vụ khách hàng, trung tâm dữ liệu và trung tâm hoàn thành đơn hàng của Amazon đã có mặt trên toàn thế giới.

Để trở thành một trang thương mại điện tử lớn mạnh nhất thế giới hiện nay, Amazon cũng đã trải qua một bề dày lịch sử phát triển từ những ngày đầu tiên mà việc sử dụng Internet trở nên phổ biến. Amazon được thành lập vào khoảng tháng 7 năm 1994 bởi Jeff Bezos. Amazon chính thức hoạt động với tư cách là một kênh bán sách trực tuyến. Ban đầu, Bezos thành lập công ty với tên Cadabra nhưng sau đó đổi tên thành Amazon theo tên của một trong những con sông lớn nhất trên thế giới vì kể từ khi thành lập, phương châm của công ty luôn là "mở rộng quy mô nhanh chóng".

Năm 2000 Amazon bắt đầu xây dựng hệ thống dịch vụ cho các thành viên. Năm 2005, Amazon cho ra mắt gói thành viên Amazon Prime để cung cấp những ưu đãi như dịch vụ vận chuyển miễn phí trong hai ngày ở khu vực sát nước Mỹ cũng như các lợi ích cho việc mua sắm và đọc sách. Nền tảng điện toán đám mây toàn diện cũng được ra đời vào những năm 2000. Bằng cách thay đổi cách mọi người mua sách, Amazon cũng định hình cách họ đọc sách với việc ra mắt máy đọc sách điện tử Kindle đầu tiên vào năm 2007. Thiết bị này giúp người dùng duyệt, mua và đọc sách điện tử, tạp chí và báo từ cửa hàng Kindle.

Amazon còn có rất nhiều thành tựu vào khoảng những năm 2010 trở đi. Amazon đã ra mắt máy tính bảng đầu tiên của mình là Kindle Fire vào năm 2011 và Amazon Fire TV Stick, một phần của dòng thiết bị truyền phát trực tuyến phong phú của Amazon vào năm 2014. Amazon cũng bắt đầu thị trường Amazon Art trực tuyến dành cho mỹ thuật vào năm 2013, nơi trưng bày các tác phẩm gốc của các nghệ sĩ nổi tiếng như Claude Monet và Norman Rockwell. Trợ lý ảo tại nhà phổ biến Amazon Alexa đã được tung ra cho người tiêu dùng vào năm 2015 và tiếp theo là Echo Dot được trang bị Alexa vào năm 2016. Amazon đã mua lại cửa hàng tạp hóa hữu cơ Whole Foods vào năm 2017 và ra mắt Amazon Go, một chuỗi cửa hàng tạp hóa không thu ngân vào năm 2018. Sự gia tăng của xu hướng mua sắm online trong đại dịch COVID-19 khiến càng nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào Amazon hơn và xu hướng mua sắm này có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.

2. Chi phí bạn phải bỏ ra để kinh doanh trên Amazon

Trước khi tham gia bán hàng trên Amazon, bạn cần có kế hoạch cụ thể và đưa ra cách bạn dự định tiếp cận nền tảng thương mại điện tử này. Ngoài ra, nếu bạn muốn có câu trả lời cho chi phí phải bỏ ra lúc ban đầu, việc chọn một mô hình kinh doanh sẽ quyết định phần lớn câu trả lời về chi phí. Có 4 mô hình kinh doanh phổ biến trên Amazon như sau:

Dropshipping (Có thể không mất bất kể chi phí nào hết)

Thay vì phải mua hàng tồn kho với số lượng lớn, bạn có thể chọn phương án dropshipping. Với mô hình kinh doanh này, một đơn vị thứ ba sẽ thay mặt bạn cung cấp và hỗ trợ vận chuyển các đơn hàng trực tiếp tới khách hàng của bạn. Vì vậy, bạn không cần nhiều vốn để bắt đầu. Bạn cũng có thể bắt đầu công việc này hoàn toàn miễn phí với nhiều nhà cung cấp dropshipping. Chính vì hàng hóa sẽ không qua tay bạn kiểm chứng vậy nên bạn cần lựa chọn một đơn vị dropshipping đáng tin cậy. Bạn hãy kiểm tra đánh giá và hỏi kinh nghiệm từ những người kinh doanh online khác để đảm bảo sản phẩm mà khách hàng của bạn nhận được sẽ có chất lượng tốt.

Online Arbitrage/Retail Arbitrage - Mua bán chênh lệnh giá (Bạn sẽ phải bỏ ra ít nhất khoảng 2,500,000 VND)

Mua bán chênh lệch giá là hình thức bạn mua sản phẩm từ một shop bán lẻ hoặc một shop online nào đấy và bán lại trên Amazon với một mức giá chênh lên. Để làm được cách này, bạn cần phải thường xuyên theo dõi các chương trình giảm giá của các shop để nắm bắt được cơ hội mua được nguồn hàng giá thấp hơn. Hình thức kinh doanh chênh lệch giá sẽ phù hợp với những ai có khoản vốn nhỏ và thích mô hình nhập hàng và bán lại. Bạn sẽ không cần phải làm việc với nhà sản xuất hay mua tích trữ quá nhiều hàng hóa. Tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn nghiên cứu sản phẩm, thị trường, khách hàng để quyết định mua số lượng hàng hóa phù hợp với số vốn của bạn. Hình thức này cũng không có gì quá rủi ro, miễn sao bạn dành thời gian nghiên cứu kỹ những vấn đề trên.

Amazon Wholesale - Mua buôn (Bạn cần chuẩn bị ít nhất tấm 12,000,000 VND)

Nếu bạn chọn mô hình mua buôn này, bạn sẽ phải nhập một số lượng lớn hàng hóa từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối. Đương nhiên, khi bạn nhập hàng buôn thì đơn giá sẽ rẻ hơn nhiều so với việc nhập hàng lẻ. Thế nhưng, các nhà cung cấp bán buôn thường sẽ có yêu cầu về số lượng đặt hàng tối thiểu khá cao. Vì vậy, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn ngay từ ban đầu. Nhưng có một ưu điểm của mô hình này chính là các nhà cung cấp bán buôn thường có sẵn các tài liệu quảng cáo cho sản phẩm. Bạn có thể sử dụng chúng trong quá trình đăng bán sản phẩm.

Private Label - Kinh doanh những sản phẩm nhãn hiệu của riêng bạn (Bạn sẽ tiêu tốn ít nhất là 25,000,000 VND)

Đây là những sản phẩm do nhà sản xuất bên thứ ba tạo ra gắn với thương hiệu của riêng bạn. Bạn có thể tạo một phiên bản độc đáo của các sản phẩm hiện có hoặc tạo ra các sản phẩm mới. Bạn thậm chí có thể đăng ký nhãn hiệu cho những sản phẩm này nếu không muốn ai nhái lại sản phẩm của bạn. Nhưng đương nhiên rồi. Việc đặt sản xuất những mặt hàng cho nhãn hiệu của riêng bạn sẽ đắt hơn rất nhiều so với việc mua những sản phẩm đại trà có sẵn. Vậy nên, bạn cần xác định và chuẩn bị số vốn lớn nếu bạn định kinh doanh theo mô hình này.

Sau đây, mình sẽ giới thiệu qua về một số loại phí dành cho người kinh doanh nói chung trên Amazon luôn nhé. Lúc đầu tiên khi mới đăng ký tài khoản, Amazon sẽ yêu cầu bạn đăng ký một kế hoạch kinh doanh và bạn có thể thay đổi kế hoạch này bất cứ lúc nào sau đó. Ở đây, Amazon có 2 kế hoạch hay 2 loại tài khoản người bán cho bạn lựa chọn: Tài khoản Cá nhân (Individual) và Tài khoản Chuyên nghiệp (Professional). Bạn có thể chọn loại tài khoản Cá nhân khi bạn chỉ định bán dưới 40 sản phẩm 1 tháng và không cần sử dụng thêm công cụ hoặc chương trình bán hàng nào của Amazon hết. Với loại tài khoản người bán này thì Amazon sẽ thu một khoản phí cố định $0.99 cho mỗi sản phẩm mà bạn bán được. Nếu bạn có kế hoạch bán hàng lâu dài và chuyên nghiệp thì một tài khoản Chuyên nghiệp sẽ phù hợp cho bạn. Với loại tài khoản này, Amazon sẽ thu một khoản phí cố định $39.99 hằng tháng bất kể bạn bán bao nhiêu đơn hàng đi chăng nữa. Hơn nữa, với gói Chuyên nghiệp thì bạn cũng có thể đăng bán hơn 40 sản phẩm. Amazon cũng hỗ trợ bạn đưa ra những báo cáo tình hình kinh doanh trên Amazon.

3. Các bước đăng ký tài khoản trên Amazon

Nếu bạn chưa có tài khoản Amazon, bạn hãy truy cập vào link này. Các bước đăng ký sẽ rất nhanh chóng và đơn giản thôi. Khi vào đến trang chủ của Trung tâm Amazon Seller rồi, bạn hãy chọn mục “Pricing” và chọn tiếp “Compare Selling Plans”.

Đăng ký tài khoản Amazon

Ở bước này, nếu bạn ấn ngay vào nút màu cam thì bạn sẽ tự động đăng ký gói kế hoạch chuyên nghiệp với mức phí $39.99 một tháng. Vì vậy, hãy cẩn thận và làm theo hướng dẫn của mình nhé. Sau đó, bạn hãy chọn loại tài khoản người bán như mình đã giới thiệu bên trên phù hợp với bạn.

Kế hoạch kinh doanh trên Amazon

Khi bạn đã chọn được kế hoạch kinh doanh cho mình trên Amazon rồi, bạn hãy nhập thông tin email hoặc số điện thoại và mật khẩu để chính thức đăng ký tài khoản người bán hàng trên Amazon. Sau đó, bạn chỉ cần xác minh từ email hoặc số điện thoại mà bạn đăng ký là bạn đã có một tài khoản người bán trên Amazon rồi đó.

Nhập thông tin và xác minh địa chỉ email

Tiếp theo, để bước xác minh tài khoản sau đó được suôn sẻ và nhanh chóng, các bạn nên chuẩn bị những thông tin dưới đây để nhập ngay khi Amazon yêu cầu: Số tài khoản ngân hàng và số định tuyến ngân hàng, Thẻ tín dụng (loại ghi nợ), Căn cước công dân, Thông tin về thuế, Số điện thoại.

Cuối cùng, bạn hãy dành ra chút thời gian để hoàn thiện các thông tin liên quan đến quốc gia, loại hình doanh nghiệp, thông tin cá nhân, thông tin thanh toán, thông tin liên quan đến sản phẩm và thông tin xác minh tài khoản trên Amazon. Có thể bạn nghĩ các bước này thật dài dòng và mất thời gian nhưng đây là một cách để bảo vệ “cửa hàng” trên Amazon của bạn trong tương lai, vì thế bạn nên thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác nhất.

4. Bắt đầu kinh doanh trên Amazon thôi nào

Tạo trang sản phẩm trên Amazon

Sau khi đã hoàn thành các bước đăng ký và thiết lập tài khoản và thông tin bán hàng, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu kinh doanh trên Amazon. Để bán sản phẩm trên Amazon, trước tiên bạn phải tạo một trang sản phẩm trên “chợ mạng” của Amazon. Mỗi người bán sẽ có một cách đăng tải và tạo danh sách sản phẩm của riêng mình, phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh. Về cơ bản, bạn có thể hiểu như sau. Những người bán nào chọn kế hoạch Chuyên nghiệp thì có thể tạo và đăng tải một danh sách bao gồm nhiều sản phẩm nhờ vào hệ thống quản lý hàng tồn kho với hệ thống của bên thứ ba. Còn những người bán với kế hoạch Cá nhân chỉ có thể đăng tải danh sách sản phẩm với số lượng nhỏ hơn. Việc liệt kê danh sách tốt có thể tạo ra nhiều cơ hội bán hàng ngay từ tài khoản cơ bản của bạn mà không mất thêm nhiều loại chi phí khác.

Vận chuyển đơn hàng

Những người bán hàng trên Amazon có hai lựa chọn cho việc vận chuyển hàng hóa tới khách hàng của mình. Thứ nhất, bạn có thể tự lo liệu chuyện vận chuyển. Khi đó, bạn sẽ phải sắp xếp kho hàng riêng và mỗi khi có đơn hàng mới, bạn phải đặt đơn vị vận chuyển hỗ trợ. Thứ hai, bạn có thể ủy quyền cho Amazon lo hết các khâu đóng gói, dán nhãn và vận chuyển gói hàng đó thông qua hệ thống Fulfillment by Amazon (FBA). Mỗi cách thức đều có lợi ích riêng. Bạn chỉ cần cân nhắc sao cho phù hợp với kế hoạch kinh doanh của mình.

Quản lý sau bán hàng

Sau khi bán được những đơn hàng đầu tiên trên Amazon, hẳn là bạn sẽ rất vui mừng đúng không? Nhưng công việc vẫn còn đấy nhé. Một khi việc kinh doanh của bạn chạy đều đặn, bạn sẽ phải lưu tâm đến một số nhiệm vụ khác nữa. Người bán hàng trên Amazon sẽ có nhiệm vụ cung cấp trải nghiệm mua sắm tiêu chuẩn cao cho khách hàng. Vì vậy, bạn cần phải theo dõi và duy trì các chỉ số sau.

  • Tỷ lệ đơn hàng bị lỗi: < 1%
  • Tỷ lệ người bán hủy đơn hàng trước: < 2,5%
  • Tỷ lệ giao hàng trễ so với ngày dự kiến: < 4%

Bên cạnh đó, các bài đánh giá sản phẩm của khách hàng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm mua sắm trên Amazon và chúng mang lại lợi ích cho cả khách hàng và người bán. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ cách để nhận được nhiều bài đánh giá sản phẩm hơn và tránh vi phạm các chính sách của Amazon.

5. Một số điều bạn nên biết trước khi bán hàng trên Amazon

Xếp hạng sản phẩm bán tốt nhất (BSR)

Amazon sắp xếp tất cả các sản phẩm của mình bằng cách xếp hạng cho từng sản phẩm dựa trên mức độ bán hàng của sản phẩm đó trong một danh mục cụ thể (BSR); sản phẩm nào càng phổ biến và càng bán được nhiều thì chỉ số BSR càng cao. Ngược lại, nếu chỉ số BSR càng cao thì khả năng khách hàng nhìn thấy và lựa chọn sản phẩm của bạn càng cao.

Amazon Prime

Phù hiệu Prime là chìa khóa để thành công trên Amazon vì điều đó có nghĩa là sản phẩm của bạn sẽ được chuyển đến khách hàng trong vòng chỉ 2-3 ngày. Ngoài ra, nếu bạn nhận được huy hiệu “Amazon Prime” trong cửa hàng của mình, bạn sẽ có cơ hội bán sản phẩm của mình tốt hơn bởi khách hàng thì luôn yêu thích những ưu đãi liên quan đến vận chuyển và uy tín của người bán hàng khi mua sắm online.

Chương trình đào tạo cho những người mới bán hàng trên Amazon

Đối với các bạn hoàn toàn mới với việc kinh doanh online, mình hiểu rằng việc học mọi thứ bạn cần biết về bán hàng trên Amazon có thể khiến bạn choáng ngợp. Vì vậy, để giúp bạn tăng tốc một cách từ từ nhưng chắc chắn, Amazon có một thư viện tài nguyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kinh doanh trực tuyến hoàn toàn miễn phí và với nội dung vô cùng phong phú. Hơn thế nữa, nếu bạn đăng ký tài khoản trên Jungle Scout - một phần mềm dành cho người bán hàng trên Amazon, bạn sẽ truy cập vào được những bài học tập trung vào kiến thức kinh doanh cho cả người mới bắt đầu và người đã có kinh nghiệm kinh doanh trên Amazon.

Lời kết

Đối với những người mới bắt đầu, việc tự mình kinh doanh online là một công việc khó khăn. Tuy nhiên, mình hy vọng rằng những chỉ dẫn mình chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn hình dung ra toàn bộ quá trình của việc thành lập một cửa hàng online trên Amazon. Sẽ có nhiều trở ngại ban đầu nhưng con đường phía trước sẽ luôn rộng mở cho những ai có tầm nhìn, sự kiên trì, tinh thần ham học hỏi và luôn tiến về phía trước. Còn bây giờ, đã đến lúc bạn bắt đầu bắt tay vào công việc thôi và chúc các bạn sớm gặt hái được thành công!

About the Author

Chào các bạn! Mình là Thảo đây. Mình có trải nghiệm làm freelancer được một khoảng thời gian rồi. Mình biết là khi mới bắt đầu trên con đường này sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vậy nên mình sẽ ở đây để cùng chia sẻ với các bạn nhé.

Đọc thêm:

>