Hành trình Crypto từ vốn 0 đồng

Duy Vũ // Crypto

0 Comments

January 4

Ai trong chúng ta khi gia nhập bất kỳ lĩnh vực mới mẻ nào thì đều phải trải qua giai đoạn “măng non” với những bước chân chập chững đầu tiên. Crypto cũng không ngoại lệ. Hành trình gia nhập thị trường của mỗi người khác nhau bởi vị thế khác nhau, kiến thức và kinh nghiệm khác nhau. Câu hỏi ở đây là các bạn đã từng nghĩ tới việc tay trắng làm giàu trong thị trường crypto chưa? Crypto là một lĩnh vực non trẻ song cũng đủ lâu để sản sinh ra các cao thủ với tuổi đời còn rất trẻ. Bài viết dưới đây từ bạn trẻ Lê Kỷ kể về hành trình của mình khi gia nhập thị trường từ số vốn 0 đồng chắc chắn mang lại nguồn cảm hứng và động lực cho chúng ta khi bước chân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.


Trong series kiếm tiền từ “vốn 0 đồng” mình từng viết khi mới quyết định đóng góp content trong group “Ryan và những người bạn” hồi tháng 10. Mình đã đề cập về phong cách kiếm tiền và gia nhập thị trường của cá nhân mình là bắt đầu với không một chút vốn nào. Ở đây mình nhấn mạnh không vốn tức là từ kiến thức, mối quan hệ, tiền cũng như kinh nghiệm và kỹ năng đều từ con số 0. Bắt đầu từ thời điểm mình quyết định nghiêm túc với thị trường Crypto, mặc dù cũng có những mộng tưởng không tránh khỏi do còn sự ngây thơ trong tư duy thế nhưng tâm thế cùng kế hoạch ban đầu là học nhiều nhất có thể và mất ít nhất có thể đã giúp mình có một chiến lược tạm thời đến hiện tại là đúng đắn và hiệu quả. Hành trình không dài cũng không ngắn, thế nhưng mình mong muốn bài chia sẻ có thể giúp anh em trong quá trình tiến bộ cũng như gắn bó với Crypto để nâng cấp vị thế cho tới mùa tăng trưởng tới.

Mọi người đều biết rằng, tỉ lệ nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc có sẵn một khoản vốn lớn là không nhiều, đặc biệt là đối với một thị trường còn khá mới mẻ như Crypto. Mình chưa có đủ trình độ để biết được phong cách đầu tư và chiến lược tham gia thị trường của họ tường tận như thế nào. Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân của mình thì nhà đầu tư mới tham gia thị trường Crypto chủ yếu đều xuất phát từ số 0 và tâm thế muốn làm “giàu nhanh”. Mình tin rằng thời điểm khó khăn này, chiến lược phát triển cùng Crypto mà mình trải qua sẽ mang lại cho nhiều anh em mới có phương hướng để tiếp tục gắn bó với thị trường trong tương lai và biết đâu đấy lại phù hợp với phong cách của mọi người.

Tóm tắt lại hành trình đến với Crypto của mình ngắn gọn như sau:

  • Airdrop
  • Tham gia dự án (làm CM/Mod/Ambassador)
  • Học kiến thức về Crypto
  • Ứng tuyển việc làm trong Crypto
  • Networking

Từng cột mốc đều mang ý nghĩa của nó và thứ tự cũng phù hợp cho anh em người mới. Mình sẽ đi sâu vào từng phần chi tiết để anh em có thể tham khảo dễ dàng hơn.

I. AIRDROP

Trừ khi chúng ta có một số lợi thế bất công trên thị trường, nếu không sẽ rất khó có khả năng chúng ta kiếm được lợi nhuận với tư cách là một trader khi mới tham gia vào không gian Crypto. Trên thực tế gần như 100% nhà đầu tư sẽ mất hầu hết số tiền vốn hoặc nếu có may mắn kiếm được thì sớm muộn gì số lãi đấy cũng “cháy” hết.

Theo khảo sát, để một trader bắt đầu kiếm và giữ được lợi nhuận thì họ phải mất ít nhất là 3 năm kinh nghiệm thực chiến. Nếu bắt đầu với Crypto từ vị trí của một trader, mình tin rằng tỉ lệ nhà đầu tư rơi rụng và rời bỏ thị trường phải lớn hơn 90%. Trước khi bắt đầu với Crypto, mình đã tiếp xúc và giao dịch Forex một thời gian nên may mắn là mình nhận thức được thực tế này. Chính vì vậy, khi quyết tâm “gia nhập” Crypto mình đã khảo sát trước một số cách kiếm tiền với thị trường này bên cạnh việc chỉ mua lên và bán xuống. Và airdrop chính là ngách mà mình lựa chọn để bắt đầu trải nghiệm.

Lợi ích

Mình sẽ tóm tắt một số lợi ích của việc làm airdrop trích từ bài viết “From 0 to Hero” mà mình từng viết trong group. Việc bắt đầu từ các kèo làm Airdrop, cày retroactive, testnet, bounty… chính là cách mà mình tự học trong thị trường này. Khi thực hiện “cày cuốc” các dự án mình nhận lại được:

  • Kiến thức và kinh nghiệm thực tế: Giống như kiểu học thực chiến ấy, mọi người chắc chắn học được cách vận hành của một dự án, cách thao tác, tương tác cộng đồng… Chẳng may bị scam thì sẽ là những bài học trải nghiệm giúp rèn luyện trực giác và cải thiện khả năng “cảm” dự án cũng như con người. Lâu dần sẽ tăng độ tự tin và tối ưu khả năng chọn dự án tốt của anh em hơn.
  • Kiếm được tiền vốn: Nếu không có vốn thì anh em bỏ sức, tuy kiếm không quá nhiều nhưng tích tiểu sẽ thành đại. Sau khi tích lũy ổn, số vốn anh em kiếm được mang đi trải nghiệm trade, săn retroactive hay đầu tư thì đều rất tốt vì lúc này anh em đang ở tâm thế “bắt đầu từ vốn 0 đồng” nên “có mất cũng không ảnh hưởng nhiều”. Luôn nhớ rằng thị trường tài chính quan trọng nhất là giữ tâm lý bình ổn, nếu anh em mới vào đã bỏ số vốn kiếm bằng “mồ hôi nước mắt” hay tiền tiết kiệm thì khi mất tiền sẽ rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến những quyết định sai lầm càng sai lầm hơn.
  • Kỹ năng research: Bởi vì thực hành nhiều trên nhiều dự án khác nhau, anh em sẽ có nhiều góc nhìn về một dự án tốt hơn. Khi đó việc so sánh và đánh giá dự án cũng sẽ nhanh và đúng trọng tâm hơn. Nếu ngồi lại chịu khó tự research thì sẽ cải thiện được khả năng nhận định của bản thân và bớt lệ thuộc vào người khác rất nhiều.

Kinh nghiệm thực tế

Airdrop bao gồm rất nhiều hình thái phân bổ từ dễ đến khó và nhiều khi các dự án cố tình lợi dụng airdrop để câu kéo người dùng như một cách marketing. Để đãi cát tìm vàng thì mình cũng cần trải qua không ít lần hốt toàn ‘rác”, việc này vừa tốn thời gian mà hiệu quả lại không cao. Thế thì mình đã lập ra chiến lược trích từ kinh nghiệm cá nhân để săn airdrop hiệu quả theo các giai đoạn tối ưu nhất như dưới đây:

1. Giai đoạn tích vốn:

Ở giai đoạn này chúng ta bắt đầu từ con số 0 nên mình ưu tiên trải nghiệm kiếm tiền mà không phải bỏ ra chi phí và yêu cầu hàm lượng chất xám thấp. Các cách để tận dụng “đào” vốn như sau: Tham gia các meme contest, event quiz-to-earn, watch-to-earn, airdrop từ sàn (OKX, Gate, Kucoin, Coinmarketcap…) và kênh cộng đồng của dự án trên Twitter. Các kèo này thường trả tiền tươi từ 5-100$, kinh nghiệm là anh em dùng nhiều acc twitter để gia tăng tỉ lệ thắng. Dạng này may rủi do tính chất ngẫu nhiên là chính, thế nhưng làm đều thì tiền tươi về cũng khá tốt. Kiếm vốn ở đây là phù hợp nhất với người mới vì hầu như không đòi hỏi phải có hàm lượng kiến thức crypto.

2. Giai đoạn tối ưu hoá vốn:

Đây là giai đoạn cao hơn một chút do yêu cầu phải sử dụng kỹ năng cá nhân đa dạng, đòi hỏi có kiến thức về Crypto ở mức cơ bản cũng như có một số kèo đòi hỏi anh em phải claim phần thưởng, tức là có mất phí gas nữa. Làm các kèo bounty/contest trên các nền tảng săn bounty như: Layer3, Kleoverse, Quest3, Dework, Bounty0x… chúng ta chỉ cần đóng góp bằng kỹ năng cá nhân như viết content, thiết kế logo, cắt ghép video, viết code, giới thiệu đối tác hoặc hoàn thành task đơn giản như follow kênh socials, retweet. Đây là các kênh kiếm tiền tươi từ 25-500$ (thậm chí cả nghìn $) cho nên việc chăm chỉ và đều đặn là sẽ có tiền về ví.

3. Giai đoạn sử dụng vốn:

Sau 2 giai đoạn đầu anh em đã tích luỹ được một số “vốn” nhất định, bây giờ chúng ta sẽ chuyển qua giai đoạn trải nghiệm dự án thực sự để có cơ hội nhận về phần thưởng retroactive. Bản chất của retroactive là người dùng sử dụng các dự án DeFi đã có sản phẩm nhưng chưa ra mắt token, đa số các dự án DeFi này sẽ ra mắt token và retroactive là xu hướng gần như chắc chắn xảy ra như một bước đệm marketing hoàn hảo. Tuy vậy việc sử dụng dự án phải đảm bảo đạt đủ các điều kiện trước snapshot, mà dự án sẽ không bao giờ thông báo cụ thể thông tin về điều này nên khi làm retroactive nên anh em phải dựa vào kinh nghiệm hoặc biết cách phân tích các điều kiện để nâng cao khả năng “trúng” kèo. Tất nhiên phải chấp nhận một sự thật rằng rất có khả năng dự án sẽ không bao giờ phát động retroactive do đó anh em có thể không nhận lại phần thưởng airdrop từ một số dự án mà chúng ta đã bỏ vốn và thời gian vào cày.

Việc tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm từ quá trình sử dụng các tính năng của dự án tập trung chủ yếu tại giai đoạn này. Do yêu cầu dùng sản phẩm, nên anh em sẽ có nhu cầu đọc các kiến thức cần thiết, sau đó được áp dụng ngay vào thực tế khi trải nghiệm dự án nên kiến thức sẽ được hiểu sâu. Lâu dần sau hàng trăm dự án khác nhau, quá trình tích luỹ cấu trúc và cách vận hành dự án của chúng ta sẽ càng ngày càng nhiều, vững chắc cũng như đa dạng hơn. Ví dụ đơn giản như việc kết nối ví, bây giờ nếu chưa biết ví là gì anh em sẽ nảy sinh nhu cầu tìm đọc về ví và hướng dẫn cách dùng nó, sau đó các thao tác dùng ví sẽ được kích hoạt khi anh em quay trở lại tương tác với dự án đang trải nghiệm.

Ngoài ra giai đoạn này cũng có nhiều nguy cơ xảy ra rủi ro, chúng ta cũng cần biết cách phòng tránh. Chính điều này sẽ kích hoạt nhu cầu học về bảo mật và cách hạn chế nguy cơ bị tấn công bởi các hình thức lừa đảo trong thị trường Crypto. Lưu ý bảo mật sẽ là bước tiến lớn trong hành trình crypto của anh em. Nó là kiến thức và kỹ năng phải có trong thị trường vì tất cả chúng ta đều không có ai bảo vệ ngoài chính mình cả. Nói cách khác, bảo mật là hành trang để anh em tồn tại với crypto, đặc biệt là trong chu kỳ giảm giá như hiện tại.

Retroactive là cách kiếm tiền cho khả năng thay đổi vị thế cực cao. Đổi lại chúng ta cũng cần đầu tư một chút vốn ở giai đoạn này, chủ yếu là để sử dụng các tính năng của dự án hoặc để trao đổi tài sản qua lại với mục tiêu “cày” volume nên số vốn bỏ vào sẽ không mất đi. Giống như giai đoạn 2, việc săn retroactive cũng tiêu tốn của chúng ta một khoản phí gas tương đối tuỳ thuộc vào từng hệ sinh thái hoặc mảng dự án hướng tới. Như vậy ta cần chuẩn bị 2 loại vốn như sau:

  • Vốn cố định: Vốn nạp vào ví cá nhân để tương tác với dự án. Khoản vốn này sẽ không mất đi mà chỉ được sử dụng để luôn chuyển trên ví vào dự án mục tiêu. Khuyến nghị bắt đầu từ 200$ trở lên.
  • Vốn tiêu thụ: Đây là loại vốn chấp nhận mất đi khi tương tác với hệ sinh thái blockchain, hay còn gọi cách khác là phí gas. Chúng ta biết rằng để tương tác với các dự án trong từng hệ sinh thái khác nhau yêu cầu chúng ta phải mua các loại coin/token của chính hệ đó làm phí giao dịch. Lúc này sử dụng vốn kiếm được ở giai đoạn 1 sẽ giúp anh em tự tin hơn rất nhiều trong quá trình chi trả loại vốn này.

Cách tìm dự án cũng khá quan trọng, trước đây khi phải tìm dự án thủ công thì quá trình lọc dự án mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên hiện tại mình thấy rất nhiều nền tảng lọc sẵn danh mục dự án airdrop tiềm năng tương đối tiện lợi. Để tối ưu vốn khi làm retroactive, chúng ta có thể kết hợp sử dụng một bộ nhiều dự án cùng trong một hệ.

Các bước tiến hành tìm dự án đơn giản như sau:

- Bước 1: truy cập https://defillama.com/airdrops

Đây là một trong những nền tảng cập nhật danh sách các dự án chưa ra mắt token, điều này có nghĩa là họ rất có thể sẽ phát hành token trong tương lai. Việc tương tác với các dự án này mang lại tiềm năng nhận thưởng incentive dưới dạng retroactive khi có token là khá cao.

- Bước 2: Lựa chọn dự án mới được liệt kê trong danh sách để trải nghiệm sớm.

Cơ hội dành cho người dùng càng sớm thường sẽ càng cao hơn. Việc theo dõi Defillama là một cách tối ưu thời gian nhất cho tới thời điểm hiện tại do nền tảng sẽ tự động cập nhật hàng ngày.

- Bước 3: Bên cạnh đó chúng ta nên thực hiện research một số thông tin cơ bản về dự án để lọc thêm một lần nữa. Thông thường mình sẽ chú ý đến:

  • Mảng dự án: hệ sinh thái Layer1, Layer2 hay các mảng Lending, DEX,… thuộc hệ sinh thái nào?
  • Tiềm năng: Mô hình sáng tạo, khả năng tạo trend hoặc narrative mới cho thị trường

- Bước 4: Tìm thông tin/hướng dẫn airdrop của dự án đó trên Twitter.

Mình quan sát thấy có rất nhiều tài khoản Twitter hiện tại đang cung cấp các bài thread nhận định điều kiện cũng như cách thực hiện retroactive cho từng dự án khá chất lượng. Một số tài khoản có thể follow tham khảo:

Ngoài ra nếu thông tin airdrop không có trên Twitter thì anh em hãy tận dụng Discord của dự án để theo dõi. Có rất nhiều dự án lớn từng “phím” airdrop trên kênh Discord của họ.

- Bước 5: Sau khi hoàn tất kiểm tra điều kiện airdrop ở bước 4, chúng ta cần dự trù nhanh một số chi phí để thực hiện “cày” retroactive của dự án.

  • Anh em có thể xác định số vốn cố định cộng với số vốn tiêu thụ (phí gas) tối thiểu để tương tác đạt đủ điều kiện là bao nhiêu?
  • Có phù hợp với số vốn của bản thân không?
  • Có bị rủi ro hao tổn vốn trong thời gian thực hiện không (ví dụ staking token sẽ có rủi ro biến động giá, hay cung cấp thanh khoản cho nền tảng lending sẽ có rủi ro IL,…)?

- Bước 6: Lập kế hoạch tương tác và quản lý dự án

Thực hiện tương tác với dự án đều đặn và lên kế hoạch tái tương tác để duy trì điều kiện, đồng thời sẽ là cách để chúng ta trở nên giống với một người dùng thực sự nhất. Ngoài ra anh em nên có một file quản lý các dự án retroactive để dễ dàng theo dõi nhất.

Cuối cùng, chúng ta cần phải có một tâm thế thoải mái và sẵn sàng đi lâu dài với dự án. Bởi vì downtrend nên tình trạng dự án phát triền kéo dài tính bằng nhiều tháng hoặc nhiều năm là rất bình thường. Chiến lược của mình là săn retroactive ở giai đoạn build này và đến thời điểm thị trường tích cực hơn thì khả năng các dự án trả thưởng là rất cao. Lúc đó chúng ta sẽ có một khoản vốn để đón sóng tăng trưởng mới của thị trường.

 Chiến lược retroactive: Săn vốn trong bear == Nhân vốn trong bull

II. THAM GIA DỰ ÁN

Sau khoảng thời gian cày cuốc và tích luỹ từ hành trình airdrop, anh em đã bắt đầu có một số “vốn” nhất định thì có thể tham gia vào vận hành cộng đồng của một dự án mới. Hình thức này giống như anh em làm việc part-time remote cho họ vậy, chúng ta có thể apply form hoặc hoạt động tích cực trong kênh discord của dự án. Đội ngũ dự án rất cần phát triển cộng đồng và gây danh tiếng, việc chúng ta đóng góp tích cực cho cộng đồng có thể tạo ra giá trị lớn. Nếu đóng góp nhiều và đều đặn, team sẽ ghi nhận và offer cho anh em những phần thưởng trong tương lai khi dự án triển khai mainnet. Một trong số những phần thưởng rất có thể là xuất mua private, airdrop token,… đặc biệt là có những thông tin alpha giá trị là cơ hội lớn cho chúng ta.

Hoạt động đóng góp cho dự án chủ yếu diễn ra trên discord và tiêu tốn khá nhiều thời gian cũng như công sức. Hình thức này đòi hỏi chúng ta phải dành rất nhiều thời gian và bền bỉ trong một giai đoạn khá dài, như vậy cũng có rủi ro rằng mọi cố gắng trở thành công cốc nếu team không có ý định ghi nhận giá trị đóng góp của anh em. Đổi lại chúng ta cuối cùng vẫn học được cách vận hành cộng đồng của các dự án này, điều đó sẽ tạo cho anh em khả năng “cảm” cộng đồng và team dự án. Ngoài ra đây sẽ là bước đệm “thực tập” để anh em ứng tuyển công việc cho một công ty Crypto sau này.

III. NÂNG CẤP KIẾN THỨC CRYPTO

Về bản chất, quá trình nâng cấp kiến thức crypto là một hành trình bền bỉ và cần thực hiện song song với tất các các giai đoạn khác trong hành trình crypto của chúng ta. Tuy vậy, theo cấp độ phát triển cá nhân mình cho rằng giai đoạn nâng cấp đặt ở vị trí này là hơp lý. Đây là lúc anh em dành nhiều hơn thời gian để học sâu về các vấn đề chuyên môn và phức tạp hơn chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc.

Lúc này chúng ta sẽ cần đi sâu vào tất cả các mảng kiến thức nâng cao của ngành, các khái niệm bây giờ sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều do chúng ta đã trải qua quá trình tiếp xúc thuật ngữ và thực nghiệm với dự án. Khi này khả năng tiếp thu của anh em nhanh và nhạy hơn sẽ giúp hấp thụ kiến thức chuyên môn một cách tự nhiên nhất. Hãy thử đọc kiến thức nâng cao khi chúng ta mới ở giai đoạn đầu xem, cảm giác sẽ rất chán nản, bất lực và… buồn ngủ. Bởi vì chưa trải nghiệm cái cốt lõi nên bản chất việc cố gắng nhồi nhét lúc này vô tình sẽ tạo phản ứng ngược, tức là não chúng ta sẽ thực hiện cơ chế “trốn tránh” và gây bất lợi cho hành trình nâng cấp crypto của anh em.

Có rất nhiều kênh để nâng cao kiến thức và góc nhìn mà chúng ta có thể theo dõi. Theo mình khi bắt đầu cột mốc này, anh em có thể đọc bài viết từ Coin98, Coin68,… sau đó tham gia các group chat của gigabrains, cố gắng liên tục đặt câu hỏi tương tác và phản bác. Ngoài ra xuyên suốt quá trình nâng cấp kiến thức mình đều sử dụng Twitter là kênh chính. Nếu follow đúng tài khoản chất lượng, kiến thức của anh em sẽ tiến bộ nhanh và rất xúc tích. Đã có một khoảng thời gian mình nghiện đọc thread đến mức bỏ cả sách, cứ đi làm về là đọc đến tận đêm buồn ngủ không chịu được mới thôi. Như vậy, mình coi đây là giai đoạn tăng tốc. Chính nỗ lực này đã giúp mình kiếm được công việc đầu tiên trong ngành blockchain.

IV. ỨNG TUYỂN VIỆC LÀM TRONG CRYPTO

Đến được mốc này là hành trình Crypto của anh em sẽ chuẩn bị bước sang một trang mới. Có thể anh em không để ý nhưng các giai đoạn trước của hành trình này đều phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm học cũng như tự rèn luyện của cá nhân. Tức nghĩa là anh em phải tự đi một mình, kiến thức học được cũng đều là đi đọc và nạp lại từ các tác giả khác. Chưa có nhiều hàm lượng chất xám của bản thân, cũng chưa có nhiều góc nhìn sâu sắc từ phía một người làm dự án. Nói một cách đơn giản thì chúng ta mới chỉ dừng lại ở người tiếp thu, họ cho mình thấy cái gì thì mình biết cái đấy.

Khi dấn thân vào sâu một dự án Crypto chúng ta sẽ thấy được phía sau bức màn marketing, những thông tin gây dựng cộng đồng, những bí mật bất thành văn, những mối quan hệ trong ngành phức tạp. Có bao giờ anh em tự hỏi tại sao dự án A lại được đầu tư bởi quỹ B với số vốn xxx triệu đô chưa? Rồi thì cách dự án hoặc MM của dự án lên kế hoạch “lái” giá như thế nào? Cách xây dựng tokenomics và ý nghĩa của nó,v.v. Còn rất nhiều câu hỏi mà anh em chưa từng nghĩ tới, các câu trả lời chỉ tìm được khi chúng ta ở vị trí của một người đứng sau cánh gà.

Mình bật mí một số sự thật thú vị mà mình học được trong quá trình phát triển một dự án trong crypto như thế này:

  • Tất cả các khâu lên ý tưởng, xây cơ chế, dựng cộng đồng, phát triển tokenomics đều được gắn với các cột mốc rất rõ ràng ngay từ giai đoạn đầu.
  • Việc tính toán từng mốc thời gian cho từng giai đoạn từ tăng trưởng cho đến lạm phát của một đồng token đều đã được dự tính chi tiết từ trước. Đối với mỗi giai đoạn thì sẽ có tin tức phù hợp đã được lên lịch từ sớm để nhằm mục đích marketing đường giá, đỡ giá mỗi lần vesting. Phần lớn dự án (đặc biệt là gamefi) thì thời gian làm giá tốt nhất là từ 3 - 6 tháng đầu, khi lạm phát xảy ra thì đa số team dự án đã nắm trước và đều có xu hướng “thả trôi”.
  • Các loại tin tức như tin tốt từ dự án, bản nâng cấp, tính năng mới hay bảng tin vi mô, vĩ mô, các sự kiện tài chính lớn có thể ảnh hưởng tới thị trường chung ảnh và dự án đều đã được chuẩn bị sẵn. Có những tin tức cũ những người làm dự thị trường đều đã nắm được từ rất lâu rồi nhưng họ có thể ỉm đi để chọn một thời điểm “thích hợp” hơn mới tung ra cộng đồng. Có bao giờ anh em tự hỏi tại sao các vấn đề trục trặc của FTX và Sam Xoăn đã có từ tháng 6 nhưng mãi đến tháng 11 mới ra tin hay không?
  • Tất cả đều đã được tính toán, chính vì thế chúng ta không nên lầm tưởng rằng đội MM chỉ dựa vào tiền và nhiều tiền mới làm được giá nhé. Tin tức là công cụ mà gần như 100% các nhà tạo lập đã nắm trước và họ sẽ tận dụng điều này để làm giá thị trường, tiền chỉ là ngòi kích nổ thôi.

Vậy thì ứng tuyển làm gì ở trong các công ty Crypto đây? Trên thực tế một công ty làm về blockchain vận hành tương tự như một công ty công nghệ truyền thống với cách phân bổ bộ phận khá giống nhau. Tuỳ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm ở vị trí tương tự cộng với lượng kiến thức mà anh em đã nạp vào trong giai đoạn trước mà ứng tuyển công việc phù hợp. Một số vị trí ứng tuyển phổ thông phù hợp với mọi người như sau:

  • Viết lách: content creator, copywriting, technical writing
  • Sáng tạo nội dung: content researcher, community manager, marketing, designer
  • Kỹ thuật: Dev/Engineering, tester
  • Quản lý doanh nghiệp: BD, HR, Sales

Các vị trí liên quan đến viết lách hoặc sáng tạo nội dung khá phổ biến và phù hợp với đa số anh em. Công việc loại này trong Crypto chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng và kiến thức cá nhân chứ không yêu cầu bằng cấp hay chứng chỉ. Chính vì vậy khả năng ứng tuyển thành công của anh em khá cao (tất nhiên là chúng ta đã phải trải qua giai đoạn tự phát triển bản thân tốt rồi).

V. NETWORKING

Giai đoạn networking là tạo lập các mối quan hệ trong ngành, chúng ta muốn tiếp cận được với nhiều người giỏi để học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển. Anh em có thể tận dụng công việc trong công ty Crypto để làm quen người mới. Gặp gỡ và kết nối những người cùng chung mục tiêu phát triển sẽ tạo nhiều động lực cho chúng ta tiếp tục gặt hái những cột mốc cam kết mới. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta học được thêm nhiều góc nhìn từ trải nghiệm của đối phương. Nếu may mắn thì mọi người có thể cùng thực hiện một mục tiêu nào đó, cùng hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm để phát triển kỹ năng sâu hơn.

Chẳng may sau này chúng ta có dự định phát triển dự án trong crypto thì network mà chúng ta gây dựng sẽ mạng lại rất nhiều giá trị và thuận lợi cho anh em.

Ok, trên đây là khái quát về hành trình Crypto của mình kể từ khi mới bắt đầu cho tới hiện tại. Mọi người gia nhập thị trường như thế nào? Có kế hoạch gì tương đồng với mình không? Nếu mông lung thì hy vọng dựa vào hành trình này mà anh em có thêm góc nhìn tham khảo. Peace!

Source: FB Lê Kỷ

About the Author

Mình là Duy Vũ, Amazon seller và freelancer với nhiều năm kinh nghiệm. Mình đam mê các lĩnh vực kinh doanh online, eComerce, MMO, crypto. Thông qua blog này, mình mong muốn các cơ hội giao lưu, hợp tác và học hỏi với tất cả các bạn cùng chí hướng.

Đọc thêm: